Tỏa sáng trên miền đất khó

GD&TĐ - 145 gương mặt được vinh danh trong Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số (HS, SV, TN DTTS) xuất sắc, tiêu biểu năm 2020.

Dương Văn Ký (ngồi bên trái) cùng các bạn sinh viên Học viện An ninh Nhân dân.
Dương Văn Ký (ngồi bên trái) cùng các bạn sinh viên Học viện An ninh Nhân dân.

Họ đại diện cho thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số nói lên tiếng nói, cho thấy sự nỗ lực của mình. Để học chữ, học sinh người dân tộc thiểu số ở các trường học vùng cao, miền núi phải cố gắng, nỗ lực rất lớn ngay từ những ngày đầu cắp sách đến trường. 

Nỗ lực vượt khó của cô gái Tày

Ma Thị Phượng sinh ra và lớn lên ở thôn Nà Bao - vùng quê nghèo của xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Cũng như bao gia đình đồng bào dân tộc Tày nơi đây, gia đình Phượng chủ yếu trồng cây ngô,  lúa, điều kiện kinh tế gia đình khá eo hẹp.

Với nỗ lực vượt lên khó khăn, Phượng luôn chăm chỉ học tập, trở thành tấm gương học sinh học giỏi của trường. Trong ba năm học cấp 3 ở Trường THPT Hà Lang, huyện Chiêm Hóa, Phượng luôn đạt học sinh giỏi. Đặc biệt, năm học lớp 12, em đoạt giải Ba học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh.

Chia sẻ bí quyết học tập, Phượng cho biết: Chỉ cần có đam mê mọi khó khăn sẽ vượt qua dễ dàng; kỷ luật nghiêm khắc với bản thân, chăm chỉ học hỏi từng ngày sẽ tạo nên một nền móng kiến thức vững chắc.

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Ma Thị Phượng đạt 29,75 điểm, đỗ vào Trường Đại học Luật Hà Nội. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, để tiết kiệm chi phí học tập và được học ở gần nhà, Phượng đã chọn Khoa Tiểu học của Trường Đại học Tân Trào tại Tuyên Quang.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, Phượng cho biết, em sẽ nỗ lực hơn nữa, không ngừng trau dồi kiến thức để khi ra trường có thể trở về quê hương để công tác giúp đỡ các trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn như em. 

Cô gái Cao Lan ước mơ quảng bá văn hóa dân tộc

Nịnh Mỹ Hằng sinh ra và lớn lên ở xóm Làng Chẽ, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên trong một gia đình làm nông. Bố mẹ vừa làm ruộng vừa đi làm thêm ở ngoài để có tiền lo cho 2 chị em Hằng ăn học.

Không phụ lòng mong ước của bố mẹ, Hằng luôn nỗ lực phấn đấu để giành kết quả tốt nhất trong học tập. Học xong cấp II, em thi đỗ vào Phổ thông Trường Vùng cao Việt Bắc để được hưởng chế độ chính sách ưu tiên, hỗ trợ của Nhà nước, giảm bớt gánh nặng chi phí học tập cho gia đình.

Hằng cho biết: Mơ ước của em là được đi đó đây, khám phá tìm hiểu văn hóa của các nước trên thé giới, vì thế, em rất thích học môn Địa lý để tìm hiểu những vùng đất lạ. Đây cũng là một trong những lý do em luôn đạt điểm cao về môn Địa lý.

Đoạt giải Nhì trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý, Nịnh Mỹ Hằng được tuyển thẳng vào ngành Nhật Bản học, khoa Đông Phương học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Em mong ước sau này sẽ có điều kiện để quảng bá nền văn hóa Việt Nam đến với người dân Nhật Bản.

Học để phát triển du lịch quê hương

Tao Thị Sòn quê ở bản Nậm Ngập, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, là một trong 10 sinh viên DTTS rất ít người được tuyên dương tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2020.

Sinh ra và lớn lên ở miền núi, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, nên em luôn ý thức được việc phải cố gắng phấn đấu trong học tập để có cuộc sống tốt hơn.

Trong hành trình 12 năm đèn sách, Sòn luôn cố gắng phấn đấu để đạt thành tích cao trong học tập, em là học sinh giỏi của trường. Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vừa qua, Tao Thị Sòn đã đỗ vào ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Sòn cho biết, mong ước sau khi ra trường có thể làm phiên dịch viên tại các khu du lịch của tỉnh Lai Châu để góp phần giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa của quê hương Lai Châu cho nhiều người biết đến.

Chàng trai dân tộc Mông mê Lịch sử

Dương Văn Ký, dân tộc Mông, là con thứ hai trong gia đình có 4 anh chị em ở xóm Tân Thịnh, xã Vũ Minh (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đây là xã vùng 3 có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Nhà cách xa trường học, đường sá đi lại khó khăn nên từ năm học lớp 10 em  ở lại  ký túc của trường, tự sắp xếp thời gian học, chăm sóc bản thân, cuối tuần mới về thăm gia đình.

Có niềm đam mê với môn Lịch sử, nên ngay khi vào THPT, Ký đã tập trung vào môn học minh yêu thích. Vì theo Ký, môn học này vì giúp em hiểu về quá khứ, lịch sử của dân tộc hào hùng, qua đó bồi đắp thêm tình yêu và niềm tự hào về lịch sử cũng như văn hóa truyền thống của dân tộc.

Những cố gắng nỗ lực của chàng trai dân tộc Mông đã được đền đáp, trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Dương Văn Ký thi đỗ Học viện An ninh Nhân dân với số điểm khá cao 28,8 điểm, trong đó môn lịch sử đạt 9,25 điểm.

Dương Văn Ký cho biết: Em rất biết ơn Đảng và Nhà nước luôn dành cho thế hệ trẻ người DTTS chúng em sự quan tâm về mọi mặt. Cám ơn thầy cô giáo đã đồng hành, dìu dắt học sinh vùng khó. Cá nhân em thấy mình cần phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để học tập, rèn luyện đạt thành tích tốt nhất để có thể trở thành người chiến sĩ công an nhân dân trở về địa phương phục vụ đồng bào, quê hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.