Tòa án Serbia sẽ đưa ra phán quyết về vụ tấn công bằng uranium nghèo của NATO

GD&TĐ - Tòa án Tối cao Serbia dự kiến cuối năm 2024 sẽ đưa ra phán quyết về về việc NATO sử dụng uranium nghèo trong vụ đánh bom Nam Tư.

Ảnh chụp từ trên không bưu điện trung tâm Pristina ngày 15/6/1999 sau cuộc ném bom của NATO.
Ảnh chụp từ trên không bưu điện trung tâm Pristina ngày 15/6/1999 sau cuộc ném bom của NATO.

Với Sputnik, luật sư người Serbia Srdan Aleksic cho biết, cuối năm nay, Tòa án Tối cao Serbia dự kiến ​​sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện đầu tiên của các nạn nhân liên quan đến việc NATO dùng uranium nghèo trong vụ đánh bom Nam Tư.

Tháng 1/2021, luật sư Aleksic thay mặt cho cố Đại tá quân đội Serbia Dragan Stojcic đệ đơn kiện đầu tiên lên Tòa án Tối cao.

NATO từ chối tham gia vụ kiện trên, nói rằng họ có quyền miễn trừ theo thỏa thuận với Serbia.

Luật sư trên cho biết kể từ đó ông đã nhận được kết quả kiểm tra y tế chính thức của ông Stojcic, cho thấy mức độ uranium nghèo tìm thấy trong cơ thể viên sĩ quan này cao hơn 500 lần so với bình thường.

"Chúng tôi đã có 4 vụ kiện trước Tòa án Tối cao và 31 vụ kiện trước Tòa án Cơ bản ở Belgrade. Đến cuối năm nay, tôi mong đợi phán quyết về vụ kiện đầu tiên mà chúng tôi đã đệ trình lên Tòa án Tối cao vài năm trước. Chúng tôi đang yêu cầu NATO bồi thường thiệt hại" – luật sư Aleksic nói.

Ngày 21/9/2000, Tòa án thành phố Belgrade kết án sĩ quan quân đội Mỹ Wesley Clark và cựu Tổng thư ký NATO Javier Solana vì tội ác chiến tranh trong vụ đánh bom Nam Tư.

Tuy nhiên, sau khi lật đổ Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tháng 10/2000, chính quyền mới của nước này đã yêu cầu xem xét lại phán quyết. Tòa án Tối cao Serbia đã hủy bỏ phán quyết chống lại ban lãnh đạo NATO mùa thu năm 2001.

Năm 1999, một cuộc đối đầu vũ trang giữa những người ly khai Albania thuộc Quân đội Giải phóng Kosovo với quân đội và cảnh sát Serbia đã dẫn tới việc lực lượng NATO ném bom Nam Tư mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an LHQ.

Chính quyền Serbia cho biết khoảng 2.500 người, trong đó có 89 trẻ em, đã thiệt mạng và khoảng 12.500 người bị thương trong các vụ đánh bom trên.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho rằng việc sử dụng vũ khí uranium nghèo đã khiến số lượng bệnh nhân ung thư ở nước này gia tăng.

Theo Sputnik

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ