Tổ chức hội thảo cuối năm đừng đánh trống, khua chiêng

GD&TĐ - Một trong những lý do để hội thảo tập trung vào dịp cuối năm, ai cũng biết mà không ai nói, ấy là để 'giải ngân'.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hội thảo chuyên ngành ở nước ta trong đó có hội thảo về văn học nghệ thuật diễn ra quanh năm, đặc biệt tập trung nhiều vào thời điểm cuối năm, để “tổng kết”, “nhìn lại”, “khép lại” một năm và mở ra định hướng, mục tiêu cho năm tới.

Một trong những lý do để hội thảo tập trung vào dịp cuối năm, ai cũng biết mà không ai nói, ấy là để “giải ngân”. Một phần ngân sách phục vụ cho hoạt động này, nếu không dùng sẽ phải trả lại. Mà trả lại thì có khi còn bị hiểu lầm, bị cắt giảm chi phí hoạt động trong năm tới. Vậy nên dùng vẫn tốt hơn là trả lại.

Nhiều hội thảo ở nhiều lĩnh vực được mở ra từ Trung ương đến địa phương. Có những hội thảo chủ đề rất lớn rất hay, có cuộc không khác mấy so với hội thảo từng tổ chức trước đó.

Nhưng không khí chung là rất tưng bừng náo nhiệt. Và chờ đợi. Sự chờ đợi thật lòng từ phía đơn vị tổ chức và các vị khách mời. Phóng viên thì có thêm cơ hội được bận rộn, hí hoáy viết bài đưa tin sao cho thật sớm, giật tít cho thật hay.

Hội thảo văn chương nghệ thuật, nhất là các hội thảo diễn ra ở Thủ đô hay thành phố lớn thường nhận được sự quan tâm sâu sắc của người trong giới. Song có trường hợp sáng mai diễn ra hội thảo thì chiều tối nay lại có công văn thông báo hủy, khiến cho nhiều khách mời từ xa đến dở khóc dở cười.

Công tác phí giờ tính sao? Kế hoạch công bố tiểu luận A, công trình B xoay xỏa thế nào? Dở cười dở khóc hơn, là đơn vị vừa thông báo hủy hội thảo ấy, hôm sau lại thấy thông tin ngay về một hội thảo khác.

Trừ một vài hội thảo được tổ chức một cách chuyên nghiệp, thì cách thức điều hành chung của các hội thảo văn học nghệ thuật là ban tổ chức/đoàn chủ tịch sẽ lần lượt mời từng cá nhân có trong danh sách lên đọc tham luận. Người đọc tham luận cầm văn bản chăm chú nghiêm túc.

Ở dưới ai nghe thì nghe, ai nói chuyện cứ nói chuyện. Ban đầu hội trường kín người, sau thì tản mát dần. Không khí ngoài hành lang sôi nổi hơn trong phòng họp. Ấy là bạn bè lâu ngày không gặp, nay có dịp tay bắt mặt mừng, hàn huyên, check in, chụp ảnh.

Cuối hội thảo, đại diện ban tổ chức/đoàn chủ tịch sẽ lên đọc bản tổng kết. Chắc chắn trong bản tổng kết này có cụm từ “Hội thảo đã thành công rực rỡ”, hoặc một cụm từ na ná thế.

Hội thảo có cần không? Cần chứ. Hội thảo có được quan tâm không? Có chứ. Nhưng cách điều hành hội thảo đã ổn chưa? Cung cách tổ chức đã hiệu quả chưa? Vấn đề mà hội thảo muốn đề cập, thông điệp mà hội thảo muốn lan tỏa đã “trúng” chưa, sâu sát với đời sống văn học nghệ thuật hay chưa? Những vấn đề hậu kỳ hội thảo có được triển khai, đi vào đời sống sáng tác phê bình? Hay tất cả dừng lại sau lời tuyên bố bế mạc?

Nước ta còn nghèo, chất lượng đời sống của người dân còn thấp, người làm nghệ thuật nếu không bán được tác phẩm cũng chật vật với miếng cơm manh áo.

Nên chăng bớt đi những hoạt động không hiệu quả, không cần thiết để dành toàn tâm lực bồi dưỡng người tài, nâng cao chất lượng tác phẩm, nâng cao dân trí. Các kỳ cuộc hội thảo cần một ban điều hành có năng lực và cách làm khoa học, thực chất, trách nhiệm, chứ không chỉ dừng ở đánh trống khua chiêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ