Máy bay tiêm kích đa năng F/A-18A
Mô tả chung
Tiêm kích đa năng F/A-18A Hornet có thân hình phi tiêu, nắp buồng lái dạng bong bóng cung cấp trường nhìn xung quanh tốt. Cánh chính hình nêm lớn với gốc cánh kéo dài (LERX); cặp cánh đuôi đứng nghiêng ra ngoài một góc 45 o ; cánh đuôi ngang và 2 động cơ General Electric F404-GE-400 có khả năng tái khai hỏa.
Khoảng một nửa trọng lượng của máy bay được cấu thành từ nhôm, các thành phần khác: khoảng 17% thép, 13% titan và 10% chất dẻo làm từ sợi thủy tinh cường lực (Glass-Reinforced Plastic/GRP).
Cửa hút khí của F/A-18 hình chữ D và có tấm xẻ khí cố định nhằm tách lớp biên (boundary layer) của không khí ra khỏi động cơ để không gây ảnh hưởng đến hiệu suất khi bay.
Động cơ F404-GE-400 được thiết kế để tăng độ tin cậy, đơn giản trong sử dụng và bảo trì, có hiệu suất cao. F404-GE-400 cung cấp lực đẩy lên đến 61,2 kN (7.256 kgf) khi đốt nhiên liệu lần 2. Một hệ thống chữa cháy tự động cũng được trang bị giữa các động cơ.
Mặc dù có động cơ mạnh nhưng F/A-18A chưa đạt đến tốc độ trong khoảng Mach 2, kể từ khi Hải quân không chỉ định tốc độ tối đa là Mach 2 nữa - một sự thay đổi đáng ngạc nhiên trong tư duy, nếu là 2 thập kỷ trước thì đây sẽ là yêu cầu gần như bắt buộc.
Lý do là Hải quân Mỹ nhận ra rằng chỉ tìm kiếm tốc độ ở máy bay là ảo tưởng: phi cơ gần như không bao giờ đạt được tốc độ này khi mang tải nặng và thường không cần thiết trong thực tế.
Cửa hút khí của F/A-18A hình chữ D và có tấm xẻ khí cố định nằm phía trước
Để phi công trèo vào buồng lái, F/A-18A sử dụng một chiếc thang có thể rút lại vào gốc cánh kéo dài bên trái. Buồng lái trang bị ghế phóng Martin Baker Mark 10 (SJU-5/A).
F/A-18A có 3 màn hình hiển thị thông tin đa chức năng đơn sắc dùng đèn chân không (Cathode Ray Tube/CRT ) Kaiser, 1 màn hình hiển thị trước mặt phi công (HUD), cần điều khiển kiểu HOTAS.
Bố trí buồng lái của Hornet là công nghệ hàng đầu vào thời điểm đó, F/A-18A cũng là một trong những tiêm kích đầu tiên có hệ thống bay bằng dây (Fly-By-Wire/FBW) kỹ thuật số.
Radar của F/A-18A
F/A-18A sử dụng radar xung Doppler đa chế độ AN/APG-65 hoạt động trên băng sóng J, làm mát bằng nước do Hughes chế tạo, có thể cung cấp khả năng không chiến cũng như tấn công các mục tiêu dưới mặt đất và dẫn đường.
AN/APG-65 dùng tần số lặp xung (Pulse Repetition Frequency/ RPF) cao và trung bình để tiếp nhận tất cả các tham số về mục tiêu.
Đối với nhiệm vụ không chiến, AN/APG-65 có 3 chế độ tìm kiếm/theo dõi để đánh chặn tầm xa (khoảng 200 km) và 4 chế độ tự động theo dõi để cơ động khi không chiến trong tầm nhìn (150 m đến 10 km).
AN/APG-65 có thể phát hiện và theo dõi đồng thời 10 mục tiêu, tiêu diệt 1 mục tiêu. Các chế độ tìm kiếm/theo dõi bao gồm:
* Đối với không chiến tầm xa:
- Quét tốc độ (Velocity Search/VS).
- Cung cấp thông tin về khoảng cách mục tiêu trong khi quét (Range-While-Search/RWS).
- Đột kích (Raid Assessment/RAID).
* Đối với không chiến trong tầm nhìn
- Điều chỉnh radar theo hướng của mục tiêu (Boresight).
- Quét thẳng đứng (Vertical Acquisition/VACQ).
- Quét góc rộng trong phạm vi gần (Wide Acquistion/WACQ).
- Chỉ thị muc tiêu cho pháo (Gun Director).
* Khi thực hiện nhiệm vụ không đối đất
- Vẽ bản đồ thời gian thực (Real Beam Ground Mapping/RBGM).
- Theo dõi mục tiêu cố định (Fixed Target Track/FTT).
- Theo dõi mục tiêu di động (Ground-Moving Target Track/GMTT).
- Đo khoảng cách đến mục tiêu dưới đất (Air-to-Surface Ranging/ASR).
- Quét mục tiêu trên mặt biển (Sea Surface Search/SSS).
Radar xung Doppler AN/APG-65 lắp trên F/A-18A
Hệ thống điện tử hàng không
Hệ thống phòng vệ trên F/A-18A bao gồm; ăng ten cảnh báo bị radar khóa (Radar Warning Receiver/RWR) AN/ALR-67, bộ phóng mồi bẫy nhiễu xạ, hồng ngoại AN/ALE-39, hệ thống gây nhiễu AN/ALQ-126B.
Một số hệ thống điện tử hàng không khác bao gồm hệ thống dẫn đường quán tính (Initial Navigation System/INS) Litton AN/ASN-130, hệ thống phân biệt bạn - thù (IFF) AN/APX-100, radio UHF và hệ thống nhận thông tin từ các trạm dẫn đường chiến thuật (Tatical Air Navigation/TACAN).
Phía dưới cửa hút khí, được khoanh đỏ là ăng ten cảnh báo bị radar khóa AN/ALR-67
Vũ khí của F/A-18A
F/A-18A được trang bị pháo nòng xoay 20 mm M61 Vulcan với 578 viên đạn, sơ tốc đầu nòng đạt 1.050 m/s, tốc độ bắn lên đến 6.000 phát/phút. Khẩu pháo này được lắp phía sau radar và trước buồng lái của phi công. Hệ thống đặt pháo được thiết kế cẩn thận để tránh rung động từ pháo sẽ làm hỏng radar.
Các thiết bị phân tán khói do pháo gây ra khi bắn được đặt trên gốc cánh kéo dài, mục đích để ngăn không cho khói bị hút vào động cơ, có thể gây ra việc thất tốc và tránh việc khói che mất tầm nhìn của phi công. Ánh chớp từ pháo không phải là một vấn đề.
F/A-18A có 9 giá treo vũ khí (2 ở đầu cánh, 4 ở dưới cánh chính, 2 ở 2 bên cửa hút khí và 1 ở chính giữa thân máy bay) với tải trọng tối đa 7.080 kg. F/A-18A là một tiêm kích đa chức năng nên nó có thể mang đa dạng các loại vũ khí bao gồm:
- Không đối không: Tên lửa AIM-9 Sidewinder, AIM-7 Sparrow.
F/A-18A vũ trang với 2 tên lửa AIM-9 Sidewinder, 4 tên lửa AIM-7 Sparrow và 3 thùng nhiên liệu phụ 1.200 lít
- Không đối đất: Rocket 127 mm Zuni, rocket 70 mm Hydra. Tên lửa AGM-65 Maverick, tên lửa chống bức xạ AGM-88 HARM, tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon.
Bom có điều khiển AGM-62 Walleye, Paveway I/II/III, bom rơi tự do Mk 82/83/84, bom chùm Mk 20 Rockeye, CBU-59/79/87/97 và bom hạt nhân B61.
- Một số hệ thống treo ngoài: Hệ thống theo dõi mục tiêu được chỉ thị bằng laser có vỏ bọc Martin Marietta AN/ASQ-173, hệ thống dò tìm hồng ngoại phía trước Ford Aerospace AN/AAS-38 Nite Hawk, thùng dầu phụ 1.200 lít.
Máy bay tiêm kích huấn luyện F/A-18B
F/A-18B là máy bay tiêm kích huấn luyện gần như giống hệt F/A-18A nhưng được bổ sung một chỗ ngồi phía sau. Cả hai vị trí đều được trang bị ghế phóng Martin Baker Mark 10 (SJU-6A). F/A-18B sử dụng chế độ điều khiển kép, mặc dù là máy bay huấn luyện nhưng F/A-18B có thể chiến đấu như F/A-18A.
Kích thước bên ngoài của F/A-18B cũng tương tự F/A-18A, nhưng do chỗ ngồi thứ hai đã làm máy bay phải bỏ khoảng 6% nhiên liệu trong thân, một số các module hệ thống điện tử hàng không phải dời đi chỗ khác.
Máy bay trinh sát RF-18
Một phiên bản trinh sát chuyên dụng của Hornet với phần mũi được chỉnh sửa và thay thế pháo M61 Vulcan bằng camera trinh sát và một số cảm biến.
Chỉ có 2 chiếc RF-18 được chế tạo từ khung máy bay F/A-18A, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 15/8/1984, 2 nguyên mẫu này đã không giúp phiên bản trinh sát của F/A-18A/B Hornet đi vào sản xuất.
Chương trình nâng cấp F/A-18A và F/A-18B
Khi dây chuyền sản xuất F/A-18A/B đóng cửa nhằm ưu tiên cho các phiên bản F/A-18C/D mới hơn, để giữ cho 2 phiên bản A và B hữu ích, một chương trình nâng cấp đã được khởi xướng vào năm 1995.
Có 2 chương trình nâng cấp riêng biệt là "Đề nghị thay đổi kỹ thuật (Engineering Change Proposal/ECP)”, một cho lực lượng dự bị của Hải quân (ECP 560) và một cho Thủy quân Lục chiến (ECP 583).
Không phải tất cả máy bay F/A-18A/B đều được nâng cấp mà chỉ lựa chọn những chiếc có khung thân tốt với giờ bay tương đối thấp.
F/A-18A sau nâng cấp có khả năng mang tên lửa AIM-120 AMRAAM
Cả hai chương trình đều nâng cấp các bộ vi xử lý và hiển thị buồng lái; khả năng định vị GPS; hệ thống điện tử hỗ trợ cho thiết bị chỉ thị mục tiêu hiện đại, ví dụ như Litening, radar hỗ trợ cho tên lửa AIM-120 AMRAAM.
Sự khác biệt lớn nhất giữa hai chương trình nâng cấp là radar: Hải quân giữ lại radar AN/APG-65 cũ nhưng có một số sửa đổi như thêm chế độ Theo dõi trong khi quét (Track-While-Scan/TWS) để hỗ trợ tên lửa AIM-120 AMRAAM.
Trong khi đó các máy bay của Thủy quân Lục chiến dùng radar AN/APG-73 mới, tương tự loại dùng trên F/A-18C/D. Thủy quân Lục chiến cũng nâng cấp thiết bị phân biệt bạn - thù AN/ARC-111 mới. Chương trình này chính thức bắt đầu vào năm 2000.