Tình hình KT-XH những tháng gần đây đã có một số chuyển biến tích cực

Tình hình KT-XH những tháng gần đây đã có một số chuyển biến tích cực

(GD&TĐ) - Kinh tế vĩ mô đã có chuyển biến theo hướng tích cực, một số lĩnh vực có dấu hiệu trở lại quỹ đạo ổn định, nhưng tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2011 còn không ít khó khăn thách thức.

>>>Nỗ lực phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6% 

Theo Báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội khoá XII, tình hình KT- XH những tháng gần đây đã có một số chuyển biến tích cực.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội khoá XII Hà Văn Hiền: Tình hình kinh tế thế giới và trong nước 2 tháng cuối năm 2010 và những tháng đầu năm 2011 diễn biến không thuận lợi. Kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, các tổ chức tài chính quốc tế đã điều chỉnh dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới theo hướng giảm và lạm phát tăng cao hơn so với mức dự báo trước đây…

Trước những diễn biến phức tạp như vậy, Chính phủ đã có nghị quyết số 11/NQ- CP ngày 24/2/2011, tiếp đó Bộ Chính trị đã có Kết luận số 02-KL/TW ngày 16/3/2011 và Quốc hội ban hành Nghị quyết số 59/2011/QH12 ngày 29/3/2011, trong đó thống nhất xác định mục tiêu ưu tiên hàng đầu của năm 2011 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể, đã cương quyết thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá thắt chặt. Nhờ vậy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đạt 38,3% GDP, giảm đáng kể so với mức 41,9% của năm 2010.

Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định, nhu cầu ngoại tế của các doanh nghiệp để thanh toán tiền hàng nhập khẩu, trả nợ nước ngoài cũng như nhu cầu hợp lý của người dân cơ bản được đảm bảo; tăng dự trữ ngoại hối trong nước. Việc ổn định tỷ giá đã góp phần làm tăng lòng tin của xã hội, của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế nước ta.

Cũng theo Báo cáo thẩm tra, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KT- XH 6 tháng đầu năm cũng nổi lên nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng năm 2011 tăng 13,29% so với tháng 12/2010, vượt xa chỉ tiêu 7% đề ra cho cả năm và áp lực tăng vẫn còn, rất khó khăn để giữ ở mức 17% vào cuối năm. Giá cả nhiều mặt hàng hoá và dịch vụ tăng nhanh và đột biến, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống người dân, trong đó đặc biệt là 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo cũng như người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình sống ở thành thị.

Đa số ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ thì yếu tố chủ quan xuất phát từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế (thâm hụt thương mại lớn và kéo dài, bội chi ngân sách cao nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp…) là nguyên nhân chính. Sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và do lãi suất vay quá cao… Nhập siêu 6 tháng đầu năm bằng 15,7% kim ngạch xuất khẩu, mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra cả năm là 18% nhưng chưa bền vững do đóng góp vào việc giảm tỷ lệ nhập siêu này là có yếu tố tăng giá và tăng xuất khẩu kim loại quý…

Công tác triển khai thực hiện cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết số 11/NQ- CP của Chính phủ còn không ít hạn chế. Giám sát của Uỷ ban Kinh tế tại một số địa phương cho thấy, việc hướng dẫn về cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ dự án không rõ ràng, cũng như không có tiêu chí thống nhất đã gây trở ngại cho việc triển khai thực hiện.

Ảnh internet
Ảnh internet

Bên cạnh những thành tựu đạt được về bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân…còn không ít vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay gây nhiều bức xúc trong xã hội nhưng chưa có chuyển biến, thậm chí còn gia tăng đáng lo ngại. Cụ thể như: tai nạn giao thông (5 tháng đầu năm 2011 trên cả nước, số người chết là 4.787 người, tăng 1,1%; số người bị thương tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2010). ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn xảy ra hàng ngày trên phạm vi rộng chưa được cải thiện (Theo tính toán của các chuyên gia: ùn tắc giao thông đã làm thiệt hại về kinh tế cho TP. Hà Nội ước tính khoảng 1,2 tỷ đồng/ngày, Tp. HCM là 8,5 tỷ đồng/ngày trong năm 2009). Lạm phát cao làm cho thu nhập thực tế của người dân, nhất là người có thu nhập thấp bị giảm sút, ảnh hưởng lớn đến đời sống và đây cũng là một trong những nguyên nhân gay hiện tượng đình công gia tăng. Tình hình tội phạm vẫn còn nhiều, diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Đáng chú ý là thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ giết người do mâu thuẫn bột phát, nhiều vụ đối tượng phạm tội là trẻ em vị thành niên, gây lo lắng cho xã hội.

Từ những thực tế và phân tích như trên, trong Báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng: Những giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ hoàn toàn đúng đắn, cần tiếp tục kiên trì thực hiện một cách nhất quán và cương quyết.

Uỷ ban Kinh tế cũng nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm như: Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thận trọng và chính sách tài khoá chặt chẽ; bám sát dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua, nỗ lực khai thác tốt nguồn thu, tăng cường công tác quản lý và chống thất thu, đặc biệt là đối với lĩnh vực thuế, quản lý thu chi, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, giảm thiểu chi tiêu hội nghị, tiếp khách…; Khẩn trương rà soát để thống nhất tiêu chí cắt giảm, đình hoãn các dự án đầu tư công và có hướng dẫn đồng bộ, rõ ràng và kịp thời…; Thực hiện có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý nhập khẩu để kiểm soát nhập siêu- yếu tố cơ bản đảm bảo ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối; Tăng cường quản lý tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tiếp tục tiến hành cơ cấu, sắp xếp lại để nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp; Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã có, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ dài hạn theo các Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, đặc biệt là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 PV

Chỉ số giá tiêu dùng bước đầu có chuyển biến theo hướng giảm đáng kể từ tháng 5/2011. Xuất khẩu tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt khá xa kế hoạch đề ra là 10%.Tỷ lệ nhập siêu bước đầu đã có dấu hiệu giảm sau một số tháng ở mức cao. Mặc dù điều kiện sản xuất, kinh doanh không thuận lợi, nhưng thu ngân sách nhà nước khá cao, đạt 55,1% so với dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2010, đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán.

Cùng với việc tiết kiệm chi ngân sách thường xuyên 10% và cắt giảm đầu tư công, tăng thu ngân sách sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giảm bội chi ngân sách cả năm xuống dưới 5% GDP.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.