Tình ca xanh bên dòng Nho Quế

Tình ca xanh bên dòng Nho Quế

(GD&TĐ) - Nhờ có những ngày hè sống ở vùng cao nguyên đá Hà Giang cùng những chiến sĩ của đồn biên phòng Lũng Cú, tôi mới hiểu thêm được phần nào chuyện đất và đá ở Tây Bắc rèn cho người lính nơi đây những phẩm chất đặc biệt.

Ở họ có sự vững chãi, rắn chắc của đá, sự hiền lành, chân chất của đất, lại có cả sự mơ mộng, lãng mạn của mây trời biên giới và màu xanh huyền ảo của dòng Nho Quế. Tôi cũng đã được nghe tâm tư của những người lính trẻ để nhận ra điểm tựa tinh thần giúp họ vượt qua biết bao chông gai, thử thách...

Những thi sĩ của đại ngàn!

Tình quân dân như nước suối, cây rừng
Tình quân dân như nước suối, cây rừng

"Mỗi khi phải đứng trước những nhiệm vụ khó khăn, anh em chúng tôi thường cổ vũ, động viên lẫn nhau bằng cách đọc một bài thơ hoặc hát một ca khúc ca ngợi Tổ quốc. Với người lính biên phòng thì sự lạc quan, niềm tin vào tập thể, vào đồng đội chính là sức mạnh, là điểm tựa tinh thần. Càng gắn bó dài lâu càng thấy tự hào vì núi rừng, đất đai của ta thật nên thơ và giàu đẹp. Anh có tin không! Mỗi chiến sĩ biên phòng ở đồn Lũng Cú là một thi sĩ..." - Thiếu úy Bùi Đức Thắng vui vẻ tâm sự.

Câu chuyện về những năm tháng trấn giữ biên cương của Thắng khiến ai trong chúng tôi cũng thấy nao nao. Từ miền quê Lương Sơn (Hòa Bình), năm 2005, anh được điều lên trạm biên phòng Lũng Cú và gắn bó đến tận hôm nay. Anh bảo rằng ngay cả thời bình thì người lính biên phòng cũng hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt với gian nan, nguy hiểm. Các thế lực phản động, những đối tượng tội phạm thường không từ một thủ đoạn nào để chống lại lính biên phòng.

Đã gần chục năm, hầu như không có năm nào Thắng về quê ăn Tết với gia đình. Nhưng nhờ có đồng đội, nhân dân đùm bọc, che chở, nhờ đất mẹ và mạch nước miền biên cương nuôi dưỡng đã giúp anh vợi đi rất nhiều nỗi nhớ.

Như để khoe với khách về sự hùng vĩ của núi rừng nơi đây, mấy anh chiến sĩ đã đưa chúng tôi lên thăm cột mốc 422, điểm cao nhất của Tổ quốc, thuộc bản Séo Lủng, (xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) nằm trên đường kinh tuyến 105 độ Đông, 23 độ 22 phút vĩ độ Bắc, nơi được ví như mái nhà đất nước.

Gần trưa, nắng đổ nghiêng trên sườn non, ong óng màu mật ong phủ lên nương ngô lá xanh thẫm đang trổ cờ lay động theo gió và kéo thành một vệt dài từ đỉnh núi xuống tận bờ vực, nơi dòng Nho Quế đang ì ầm đổ về xuôi. Chúng tôi không ai bảo ai đều đứng nghiêm trang như đang cùng mang trên mình bộ quân phục, cúi đầu chào cột mốc Tổ quốc.

Tôi đưa tay nhặt một hòn đá vuông nhỏ bỏ vào ba lô làm kỷ niệm. Trên đường xuống núi, anh thiếu úy trẻ tên Nam quê ở Ninh Bình chia sẻ: Năm ngoái, em cũng lấy một hòn đá ở chân cột mốc, khi được nghỉ phép, em đã mang về quê đặt bên bàn thờ tổ tiên cầu mong cho đất nước bình yên phát triển, người người ấm no hạnh phúc...

Tình ca lính biên phòng và sơn nữ

Chiến sĩ biên phòng trẻ và sơn nữ
Chiến sĩ biên phòng trẻ và sơn nữ

Bản Séo Lủng địa đầu Tổ quốc, nơi dòng Nho Quế nhập tịch Việt Nam là một bản của người Mông. Trong đại gia đình 54 dân tộc nước Việt, Người Mông trấn giữ những bình độ cao nhất. Và ở bản Séo Lủng này, người Mông lại lập kỷ lục trấn giữ trên vĩ độ cao nhất. Họ đi từng đoàn xuống chợ, họ đi từng tốp lên những ruộng đá cheo leo.

Đàn ông quần áo chàm đen, đàn bà váy áo sặc sỡ. Giữa những vạt ruộng đại mạch ba góc nở hoa tím hồng, những vạt cải vàng mơ, thiếu nữ Mông như đàn bướm rực rỡ. Không có người Mông sẽ không có một bản Séo Lủng với những mái nhà màu xám đá suốt năm vương vấn khói bếp, những tường rào đá quanh co, những rặng sa mu buồn trầm mặc.

Chúng tôi đã gặp ở lớp mẫu giáo đầu cụm trường tiểu học cô giáo Vừ Thị Mỷ đẹp như diễn viên của một đoàn làm phim với gương mặt trắng hồng, nước da tựa lớp phấn non của những trái hồng đào. Cô giáo Mỷ sau giây phút e thẹn đã say sưa kể về mối tình của mình đẹp như đoản thiên tiểu thuyết miền sơn cước.

Thì ra, để "bắt được" cô gái người Mông quê Mèo Vạc, chàng trai người Lô Lô, Vàng Dỉ Xuấn, chiến sĩ biên phòng của đồn Lũng Cú, đã phải vòng về đến tận thị xã Hà Giang. Trường Chính trị anh học cạnh Trường CĐ Sư phạm Hà Giang. Tình cờ họ gặp nhau giữa buổi chợ để nảy sinh một cuộc tình sét đánh.

Ngày xưa thì phải đưa người nhà đi "bắt", nhưng bây giờ thì Mỷ tình nguyện theo Xuấn về Lũng Cú. Đám cưới của họ rước dâu từ đoạn sông Nho Quế lên Mèo Vạc, vượt qua Mã Pì Lèng hùng vĩ sang đoạn sông Nho Quế đỉnh Đồng Văn. Hôm đó cả đồn vui như ngày hội...

Bộ đội biên phòng Lũng Cú giúp đồng bào dân tộc
Bộ đội biên phòng Lũng Cú giúp đồng bào dân tộc

Cách đồn biên phòng Lũng Cú không xa trong căn nhà gỗ ấm cúng bên sườn núi, chúng tôi đã được hưởng không khí gia đình gần gũi bên mâm cơm cùng một cặp vợ chồng trẻ và nghe anh chiến sĩ quân y Lê Văn Ân hồi tưởng lại mối tình đẹp như bài ca của mình với cô sơn nữ Vàng Thị Tình.

Tình tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm và về làm cô giáo tại trường tiểu học địa phương. Tình mải miết công tác mà không chịu lấy chồng. Trai bản nhiều người thầm thương trộm nhớ nhưng không dám ngỏ lời. Đứng trước cô, anh nào cũng thấy chân tay thừa thãi, miệng lúng búng không nói nên lời.

Buổi chiều hôm ấy, một em học sinh trèo cây bị ngã xuống suối. Cô giáo Vàng Thị Tình đã nhanh chóng sơ cứu cho em nhưng vết thương vẫn chảy máu nhiều. Đúng lúc đó, anh chiến sĩ biên phòng Lê Văn Ân trên đường công tác về qua. Thật may, anh là y sỹ, mang sẵn thuốc và bông băng. Sau buổi gặp bất ngờ ấy, cô giáo Tình thấy bâng khuâng mỗi khi nhớ về anh bộ đội quân y đã hết lòng cứu chữa học sinh của cô.

Tình yêu giữa Ân và Tình đã có khúc dạo đầu lãng mạn như vậy. Chầm chậm như cây rừng thay lá mới, mỗi lần xuống bản công tác là họ lại ngóng tin nhau. Sức mạnh của mối tình ấy đã chinh phục được những trở ngại từ cả hai phía gia đình và đám cưới của họ đã diễn ra vào những ngày áp Tết 2012.

Giờ đây, ngồi trong tổ ấm của mình nắm chặt bàn tay người vợ hiền cùng háo hức đón chào đứa con đầu lòng sắp chào đời, anh Ân cười hạnh phúc: "Có gia đình nhỏ bên cạnh đơn vị, mình rất yên tâm công tác. Anh em chiến sĩ ở đây, ai cũng coi: Đồn là nhà, biên giới là quê hương và đã có không ít đồng chí giống mình, tìm bạn đời ngay trong chính các bản làng... ".

Nguyễn Trương Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ