Tín hiệu vui khi trò vượt núi xuống trường ngay sau Tết

GD&TĐ - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh đồng bào Mông ở các huyện Quan Sơn, Mường Lát (Thanh Hóa) đã tập trung trở lại trường học đông đủ.

Cô và trò Trường PTDTBT-THCS Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) tại lớp học sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: Thế Lượng
Cô và trò Trường PTDTBT-THCS Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) tại lớp học sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: Thế Lượng

Vượt núi xuống trường

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - Trung học cơ sở (PTDTBT-THCS) Sơn Thủy, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) có nhiều học sinh người Mông. Những năm trước đây, cứ sau kỳ nghỉ Tết, một số em có tư tưởng không muốn trở lại trường.

Thầy Phạm Văn Thành - Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Sơn Thủy - cho hay, năm nay, sau kỳ nghỉ Tết, học sinh ở các bản xa đã chủ động xuống trường sớm hơn 1 ngày. Nếu như mọi năm, các thầy, cô giáo phải đi vận động học sinh ra lớp thì năm nay chỉ cần gọi điện, nhắn tin cho phụ huynh. Nhận thức về tầm quan trọng của việc học nâng cao nên phụ huynh chủ động nhắc nhở, bảo ban trẻ đến trường theo lịch.

Ông Lê Huy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT Quan Sơn - cho biết, theo báo cáo từ các trường, sau kỳ nghỉ Tết năm nay, tất cả học sinh đều đến lớp đúng lịch. Không có hiện tượng học sinh nghỉ học kéo dài như những năm trước đây nữa.

Trường PTDTBT-THCS Sơn Thủy có 245 học sinh, trong đó 53 em là người đồng bào dân tộc Mông ở 2 bản Mùa Xuân và Xía Nọi. “Bản Xía Nọi cách trường 25km, đường đi lối lại rất khó khăn. Nếu học sinh xuống trường mà trời mưa chỉ còn cách đi bộ. Nhiều hôm, các em đi bộ từ 11 giờ trưa mà 17 giờ mới về tới nhà. Vì thế, để giữ ổn định sĩ số sau kỳ nghỉ Tết, nhà trường đã dặn dò các em rất kỹ, đồng thời động viên phụ huynh nhắc nhở trẻ sau khi ăn Tết cùng gia đình thì phải trở lại lớp đúng ngày quy định”, vị Hiệu trưởng chia sẻ.

Em Hơ Thị Chính Khua, học sinh lớp 9, Trường PTDTBT-THCS Sơn Thủy, tâm sự: “Gia đình em ở trên bản Xía Nọi. Từ nhà em đến trường, phải qua nhiều núi cao và suối sâu. Trong khi đó, đường đi lối lại rất khó khăn và hiểm trở. Gặp những hôm trời mưa, chúng em phải rủ nhau đi bộ, vì nhiều đoạn đường trơn trượt, nguy hiểm. Chúng em được ăn, ở bán trú tại trường, hàng tháng mới về thăm nhà”.

Cũng theo em Chính Khua, trước khi nghỉ Tết, thầy, cô giáo đã dặn dò chu đáo về việc trở lại trường học. Đối với Khua, năm học cuối cấp nên em phải tập trung học tập thật tốt để có cơ hội đạt điểm cao vào lớp 10. “Cả bản Xía Nọi chỉ có 6 anh chị em học THCS nên chúng em thường động viên nhau chịu khó học tập để không phụ công ơn của cha mẹ và thầy, cô giáo”, Khua chia sẻ.

Em Thao Văn Chu Duy (học sinh lớp 6), nhà ở bản Mùa Xuân (cách trường gần 20km) được bố chở bằng xe máy xuống trường. “Bố, mẹ dặn em phải chịu khó học thật tốt, vì đi học không mất tiền, mà còn được ăn, ngủ miễn phí tại trường. Các thầy, cô giáo quan tâm và chăm lo cho chúng em như cha, mẹ ở nhà vậy”, Chu Duy tâm sự.

Cô giáo và học trò Trường PTDTBT-THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng

Cô giáo và học trò Trường PTDTBT-THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng

Tín hiệu vui

Những năm trước đây, vấn đề ổn định sĩ số học sinh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát rất khó khăn. Bởi, nhiều học sinh có tư tưởng không muốn trở lại trường học sau Tết, hoặc đến trường cũng phải qua ngày Rằm tháng Giêng. Do đó, thầy, cô giáo phải lặn lội đến các bản xa xôi, hẻo lánh, vào tận gia đình để vận động học sinh ra lớp.

Có những bản cao, xa như: Sài Khao, Trung Thắng, Suối Ún, Xi Lô (xã Mường Lý); Tà Cóm, Cánh Cộng, Cá Ráng, Pa Búa... (xã Trung Lý) cách xa trường hàng chục km đường rừng. Để vận động học sinh đến lớp sau Tết, giáo viên phải “băng rừng” đến tận nhà, vận động phụ huynh cho các em trở lại trường học. Năm nay, một tín hiệu đáng mừng đối với ngành Giáo dục Mường Lát, đó là 100% học sinh đã trở lại trường học đúng ngày đầu tựu trường sau kỳ nghỉ Tết dài ngày.

Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó Trưởng (phụ trách) phòng GD&ĐT Mường Lát - cho biết, chưa có năm nào học sinh trở lại trường học đạt tỷ lệ 100% như năm nay. Đây là tín hiệu mừng đối với các thầy, cô giáo vì học sinh đã thay đổi tư duy, có ý thức học tập sau kỳ nghỉ dài ngày.

“Trước khi nghỉ Tết, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị phân công trực lãnh đạo và trực bảo vệ cơ quan 24/24 giờ trong các ngày nghỉ. Có phương án bảo vệ, phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn tuyệt đối về cơ sở vật chất. Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương lên phương án bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023”, bà Thúy thông tin.

Cũng theo bà Thúy, ngành Giáo dục huyện yêu cầu các đơn vị phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức cho trò ký cam kết thực hiện việc đón Tết an toàn, thiết thực, như: Không giao mô tô, xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Quản lý, giám sát, giáo dục con em không vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ; không uống rượu, bia, hút thuốc lá, chơi trò chơi có tính chất cờ bạc dưới bất kỳ hình thức nào...

Nhìn chung, các trường trong huyện đều tổ chức vui Xuân đón Tết, đảm bảo an toàn, tiết kiệm. Bố trí cán bộ, giáo viên trực Tết 24/24 bảo quản tốt các tài sản của nhà trường. Trong Tết không có trường hợp vi phạm quy định. Nhiều trường tổ chức thăm hỏi, động viên giúp đỡ học sinh mồ côi không nơi nương tựa, hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Sáng ngày 30/1, 100% giáo viên, học sinh đi học trở lại và thực hiện giảng dạy theo kế hoạch.

“Từ ngày 26/1, cán bộ, giáo viên trở lại làm việc sau Tết. Các đơn vị, nhà trường tổ chức gặp mặt đầu Xuân, tiến hành tổng vệ sinh trường lớp, tham gia sinh hoạt chuyên môn... Theo số liệu các đơn vị báo cáo, kết thúc học kỳ I năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 768 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 11.429 học sinh ở cả ba bậc học”, bà Thúy nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.