Tín hiệu lạc quan

GD&TĐ - Giáo viên có thưởng Tết, có lương tháng 13 có lẽ là mong mỏi không chỉ của người trong cuộc, mà cả các cấp quản lý ngành.

Trên thực tế, ngành Giáo dục không có bất cứ nguồn ngân sách nào cho thưởng Tết. Kinh phí mua quà lễ, Tết của các trường thường được lấy từ phần tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên, có nơi trích từ quỹ Công đoàn trường. Cùng với đó, các địa phương, tùy vào điều kiện thực tiễn mà có sự quan tâm khác nhau đến đội ngũ nhà giáo mỗi dịp Tết đến, xuân về. Riêng với cán bộ, giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, năm nào Công đoàn Giáo dục địa phương cũng phối hợp với Sở GD&ĐT để tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần. Tuy nhiên, mức hỗ trợ cũng chỉ mang tính chất động viên.

Bởi vậy, từ trước đến nay, sự động viên bằng vật chất dịp cuối năm cho thầy cô lớn nhỏ thế nào hầu như phụ thuộc vào tài thu vén của người đứng đầu nhà trường. “Khéo co thì ấm”, tuy nhiên cũng không dễ dàng bởi kinh phí chi thường xuyên cho các trường mỗi năm eo hẹp, đôi khi còn không đủ chi cho các hoạt động. Cũng vì thế, quà Tết, thưởng Tết không trường nào giống trường nào. Nơi khó khăn, có khi quà Tết chỉ là hộp mứt, gói bánh, chai nước mắm…; nơi thì đôi ba trăm nghìn; nhưng cũng có trường con số lên tới hàng chục triệu đồng.

Tuy nhiên, câu chuyện của TP Hồ Chí Minh là tín hiệu lạc quan, cho thấy nếu địa phương thực sự quan tâm, ưu ái cho giáo dục, hoàn toàn có thể có những chính sách động viên đội ngũ nhà giáo phù hợp. Thành phố này có lẽ là địa phương duy nhất trên cả nước có chính sách chi thu nhập tăng thêm cho tất cả giáo viên. Theo đó, trước Tết Nguyên đán, thầy cô có thể được nhận cùng lúc 3 khoản: Thu nhập tăng thêm quý IV theo Nghị quyết 03 của thành phố; thu nhập tăng thêm được chia từ kết dư ngân sách trong năm tài chính của trường; quà Tết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực hành chính, khối sự nghiệp. Nếu trường nào khéo tiết kiệm, tính toán, mỗi thầy cô có thể có khoản tạm coi là thưởng Tết không nhỏ.

Đặc biệt, từ 1/1/2023, cán bộ, công chức, viên chức ở TP Hồ Chí Minh, trong đó có giáo viên được hưởng hệ số tăng thêm tối đa 1,8 lần so với lương theo ngạch bậc, chức vụ. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách cải cách tiền lương của thành phố.

Thưởng Tết chỉ là một phần trong chính sách chăm lo đời sống cho nhà giáo. Điều mà toàn đội ngũ quan tâm hơn là tăng lương cho giáo viên - chính sách này đang được Chính phủ tính toán. Ngành Giáo dục, trong thẩm quyền của mình thời gian qua cũng đặc biệt quan tâm, bằng mọi giải pháp để có thể cải thiện đời sống của nhà giáo. Một trong những kết quả của nỗ lực đó là Quyết định số 24/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Với giáo viên mầm non, Bộ GD&ĐT đã có đề nghị mức phụ cấp 70% áp dụng cho thầy cô đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở công lập; mức 100% áp dụng cho thầy cô đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non ở các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đó là những tín hiệu rất vui, cho thấy đời sống nhà giáo đang được quan tâm bằng những chính sách cụ thể, thiết thực.

Thời gian tới, khi triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương, quỹ tiền thưởng của viên chức sẽ bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp. Đây là cơ sở để hiện thực hóa mong muốn thưởng Tết chính đáng của mỗi nhà giáo khi Tết đến, xuân về.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Bữa cơm đoàn viên

GD&TĐ - Sắp hết năm, khắp nơi tràn ngập hương vị Tết. Trai, gái, già, trẻ đều tay xách nách mang, mua sắm đồ đạc mang về nhà.

Học sinh cùng phụ huynh Trường Tiểu học Phù Đổng tham gia chương trình “Ngày hội Vui Tết quê em”.

Tết yêu thương, Tết sẻ chia

GD&TĐ - Nguồn quỹ tặng quà Tết cho học sinh khó khăn chủ yếu từ những phong trào kế hoạch nhỏ của trường như nuôi heo đất, giấy vụn, sách báo cũ...