Một trong những chủ đề chính của Hội thảo này là trao đổi các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CTXH.
Đào tạo chuyên ngành CTXH còn nhiều thách thức
Hội thảo có sự góp mặt của gần 100 học giả, chuyên gia, giảng viên, nhà quản lý từ 5 quốc gia: Hoa Kỳ, LB Nga, Vương quốc Anh, Singapore, CHLB Đức và trên 40 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng (GDĐH,CĐ) của Việt Nam.
Trao đổi tại Hội thảo, TS. Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH - nhấn mạnh: Một trong những mục tiêu quan trọng mà Việt Nam cần đạt được là đến năm 2020, phải đào tạo mới và đào tạo lại 60.000 nhân viên CTXH với các trình độ khác nhau. Điều này đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho các cơ sở GD có đào tạo ngành CTXH trong cả nước, trong đó có trường ĐH Lao động - Xã hội Cơ sở II phải hết sức nỗ lực mới đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.
TS. Antonina Daskina - Chủ tịch Hiệp hội và Nhân viên CTXH LB Nga - thông tin về quá trình đào tạo ngành CTXH của LB Nga đã có sự phát triển nhanh chóng, nhờ vào chủ trương tư nhân hóa các tổ chức cung ứng dịch vụ CTXH. Hiện nhiều trường đại học của Nga đã đào tạo bậc tiến sĩ CTXH và LB Nga sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để chia sẻ các kinh nghiệm này.
Theo TS. Nguyễn Hải Hữu - Chủ tịch Hội các trường đào tạo CTXH, tính đến thời điểm năm 2015 đã có trên 50 trường ĐH,CĐ và trung cấp tham gia đào tạo chuyên ngành CTXH ở các trình độ khác nhau. Nội dung chương trình đào tạo không ngừng được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, phương pháp đào tạo cũng có bước phát triển, tăng cường kỹ năng thực hành và dựa vào các trải nghiệm từ các chuyến đi thực tế của cả giảng viên và sinh viên…
TS. John Ang - giảng viên cao cấp của ĐH Quốc gia Singapore, một chuyên gia CTXH hàng đầu của khu vực châu Á - cho rằng: Vì là một ngành còn rất mới ở Việt Nam nên đào tạo CTXH của Việt Nam hiện còn gặp rất nhiều thách thức và khó khăn, liên quan tới đội ngũ giảng viên, tài liệu/học liệu phục vụ giảng dạy và học tập, hệ thống cơ sở thực hành, thực tập nghề nghiệp, việc gắn kết giữa đào tạo với thực tiễn cung cấp dịch vụ xã hội…
Chuyên gia Tony Widmer đến từ Vương quốc Anh khuyến nghị: Việt Nam nên tham khảo học tập mô hình phát triển CTXH của Liên bang Nga do đặc điểm kinh tế - xã hội truyền thống có những nét tương đồng về nhiều khía cạnh. Liên bang Nga đã tiếp cận chật vật với CTXH giai đoạn đầu, kể từ 1992. Tuy nhiên sau đó, CTXH của quốc gia này đã phát triển nhanh chóng về phương diện học thuật, về đào tạo.
Đồng tình với nhận định này, PGS. TS Bùi Thị Xuân Mai, thuộc trường ĐH LĐ-XH Cơ sở II TP.HCM cho rằng, việc phát triển nguồn nhân lực và chất lượng đào tạo CTXH ở Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, do nội dung chương trình đào tạo chưa phù hợp, chưa gắn kết với chuẩn đầu ra. Đội ngũ giảng viên chuyên ngành CTXH ở một số trường còn mỏng; thiếu cơ sở thực hành và đội ngũ kiểm huấn viên có chất lượng.
Ngoài ra, điểm trúng tuyển ngành CTXH của các trường ĐH, CĐ thường không cao như một số chuyên ngành khác, ảnh hưởng đến năng lực của đội ngũ nhân viên CTXH sau này.
Theo TS. Nguyễn Thế Hoàn - Trường ĐH Quảng Bình, việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực CTXH chuyên nghiệp chưa gắn với việc phân bổ sử dụng sao cho hiệu quả; còn nhiều cử nhân CTXH bậc ĐH, CĐ chưa tìm được việc làm đúng với ngành nghề đã học, thậm chí có trường hợp phải đi làm những công việc chỉ cần lao động phổ thông, tác động đến tâm lý của sinh viên ngành CTXH trong vấn đề tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Đề xuất từ chuyên gia
PGS. TS Đỗ Hạnh Nga - Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG TP.HCM) - đề xuất: Việc đào tạo chuyên ngành CTXH phải tuân thủ theo chuẩn đầu ra cho từng bậc đào tạo, như: Khả năng thực hiện các hành vi thực hành dựa trên các kiến thức, giá trị, kỹ năng đã có và quá trình nhận thức chủ quan trong khi thực hành; khả năng hòa nhập, làm việc với cá nhân, gia đình, nhóm, tổ chức và cộng đồng; năng lực thu thập thông tin, đánh giá, xây dựng kế hoạch can thiệp, tổ chức thực hiện kế hoạch can thiệp và lượng giá, thái độ, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Bên cạnh đó, còn phải chú trọng GD về giá trị nghề và đạo đức nghề CTXH.
Trao đổi về việc nâng cao chất lượng các dịch vụ CTXH chuyên sâu, GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến - trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Một trong những yếu tố cụ thể hóa mối liên hệ liên ngành y tế - GD – bảo trợ xã hội chính là việc đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực rối loạn phổ tự kỷ: Ngành y tế đào tạo bác sĩ tâm thần nhi có nhiệm vụ chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ. Ngành GD đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên biệt và hòa nhập. Nhân viên CTXH đóng vai trò hỗ trợ các gia đình có trẻ rối loạn phổ tự kỷ thụ hưởng chính sách xã hội, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ.
Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Bùi Anh Thủy - Giám đốc trường ĐH Lao động - Xã hội Cơ sở II - bày tỏ vui mừng vì các đại biểu đã làm rõ, tìm ra lời giải đáp cho việc thiết kế chương trình đào tạo ở các bậc học, việc tăng cường chất lượng đội ngũ giảng viên cho các cơ sở GD&ĐT về CTXH; việc cần thiết phải gắn kết giữa công tác đào tạo với kiểm huấn, thực hành, thực tập, phát triển các trung tâm dịch vụ CTXH, việc hoàn thiện hơn các chính sách đối với nhân viên CTXH.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đó sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành CTXH. Và khi chất lượng đào tạo nhân lực ngành CTXH đã thực sự được cải thiện, cũng như tính xã hội hóa của CTXH đã được phổ cập, thì việc làm của cử nhân, cán sự CTXH không còn là điều đáng lo ngại nữa. Khi đó, việc cung cấp các dịch vụ xã hội của các trung tâm CTXH chắc chắn sẽ được nâng cao.
PGS.TS Nguyễn Khắc Bình - chuyên viên cao cấp, Bộ GD&ĐT- thông tin: Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ LĐTB&XH, các cơ sở GDĐH tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo ngành CTXH nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ này.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ đưa vào Danh mục mã ngành đào tạo cấp IV trình độ tiến sĩ CTXH; biên soạn các tài liệu CTXH chuyên sâu, CTXH trong trường học. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Bộ Nội vụ xây dựng chức danh nhân viên CTXH trong trường học; các dịch vụ CTXH trong nhà trường.