Tìm giải pháp để ĐBSCL cất cánh

GD&TĐ - Ngày 15/1, tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2014.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh – Trưởng BCĐ TNB phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh – Trưởng BCĐ TNB phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Đến dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh – Trưởng BCĐ TNB, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cùng đại diện các bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL…

Một năm với nhiều nỗ lực

Trong năm 2013, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng vùng ĐBSCL đã có những bước phát triển đáng kể trên tất cả các lĩnh vực. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu toàn vùng ước đạt 10,6 tỉ USD, tăng 8% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản đạt trên 3,4 triệu tấn, tăng hơn 4% so cùng kỳ; thu nhập bình quân theo đầu người ước đạt 34,6 triệu đồng/năm, tăng 2,3 triệu đồng so với cùng kỳ…

Tính đến tháng 8/2013, toàn vùng đã đầu tư 91.893 tỉ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện có 21 xã đạt từ 15 - 19 tiêu chí, 320 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí… 

Đặc biệt, trong năm 2013, xã Đại Thành (thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) là địa phương đầu tiên của vùng được công nhận xã nông thôn mới…

Bên cạnh đó, trong năm 2013, BCĐ TNB đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác kinh tế (MDEC Vĩnh Long 2013). 

Riêng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư (một trong những sự kiện của MDEC), có 138 dự án với tổng vốn hơn 416.000 tỉ đồng và 1,89 tỉ USD được lựa chọn đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư.

Ngoài ra đã tổ chức cho 11 địa phương trao 26 giấy chứng nhận cho các DN, với tổng số tiền 6.094 tỉ đồng và 93 triệu USD; trao 4 chủ trương đầu tư với số tiền 1.838 tỉ đồng; ký kết 83 hợp đồng đầu tư tín dụng giữa các ngân hàng TMCP với các DN với tổng số tiền 20.181 tỉ đồng. 

Đặc biệt, BCĐ TNB đã vận động, công bố quỹ an sinh xã hội vùng ĐBSCL được gần 719 tỉ đồng, trong đó ngành ngân hàng đóng góp trên 655 tỉ đồng…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại hội nghị

Giáo dục có khởi sắc

Năm qua tình hình giáo dục đào tạo của vùng ĐBSCL có nhiều khởi sắc, năm học 2013 - 2014 toàn vùng có 6.975 trường MN và các cấp phổ thông. Trong đó có 1.348 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 19% số trường (tăng 3% so với năm học trước).

Tỷ lệ huy động HS trong độ tuổi TH đạt 97,5%, THCS 83,7%, THPT 54,8%. Về GDTX, vùng có 133 TT GDTX, trong đó có 12 trung tâm cấp tỉnh, 121 trung tâm cấp quận, huyện… 

Vùng hiện có 41 trường ĐH, CĐ và 30 trường TCCN, có 10.481 GV cơ hữu (cấp ĐH là 5.306; CĐ 5.175, trình độ từ thạc sĩ trở lên chiếm 40,23% - chưa đạt mức trung bình của cả nước). 

Về số lượng SV, quy mô đào tạo hệ chính quy gồm 65.327 SV bậc ĐH, 54.496 SV bậc CĐ và 46.544 SV bậc TCCN với tỷ lệ 167 SV/vạn dân.

Trong năm 2013 toàn vùng ĐBSCL đã xây dựng 2.669 phòng học và 1.136 phòng chức năng với tổng kinh phí 2.145 tỉ đồng. Sửa chữa 5.417 phòng học với kinh phí 255 tỉ đồng. Đến nay không còn phòng học ba ca, tuy nhiên vùng vẫn còn 3.862 phòng học tạm, phòng học mượn.

Tỷ lệ HS bỏ học giảm nhưng vẫn còn ở mức cao (khoảng 0,69%). Ngoài ra do tạm thời ngưng bố trí nguồn vốn của trung ương cho Đề án Kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ GV nên nhiều công trình thực hiện dỡ dang, đang xuống cấp, gây lãng phí lớn.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của BCĐ TNB rất quan tâm phát triển GD&ĐT thời gian qua. 

Qua đó những đề nghị của BCĐ TNB cũng được Bộ nghiên cứu, giải quyết thỏa đáng… Đã có nhiều chính sách, ưu tiên, phát triển giáo dục đào tạo của vùng TNB đạt được hiệu quả tốt đẹp.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Về chất lượng đội ngũ nhân lực ở ĐBSCL thời gian qua Bộ GD&ĐT có nhiều giải pháp tăng số lượng nhân lực, cán bộ được đào tạo. 

“Chỉ tiêu đến năm 2015 vùng phải có 190 SV/vạn dân thì đến nay số SV/vạn dân của vùng là 167. Còn 2 năm nữa để cố gắng nâng tỷ lệ SV/vạn dân và chúng tôi tin rằng các địa phương ở ĐBSCL sẽ làm được…”.  

Vẫn còn nhiều thách thức

Dù đạt được kết quả khả quan, nhưng vùng ĐBSCL cũng gặp không ít khó khăn và thách thức. Tại hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn – Bí thư Thành ủy Cần Thơ - cho biết:

ĐBSCL được quan tâm đầu tư về hạ tầng nhưng chưa đồng bộ, điều đó được minh chứng qua việc có cảng nhưng chưa có luồng, việc vận chuyển hàng hóa lên TPHCM phải qua đường bộ, tốn kém nhiều chi phí. 

Bên cạnh đó, Cảng hàng không Cần Thơ chưa khai thác đúng mức so với quy mô và nguồn vốn đã đầu tư; nhiều công trình giao thông trọng điểm chưa thể khởi công như mong muốn…

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc thực hiện PC GDMN 5 tuổi trong toàn vùng ĐBSCL hiện nay đang gặp khó vì chưa có tỉnh nào đạt được. Vùng vẫn còn 140 xã chưa có trường MN độc lập.

Trong khi đó đến năm 2015 thì 100% các tỉnh, thành đạt PC GDMN 5 tuổi, đây là thách thức lớn… Thứ trưởng đề nghị các cấp, chính quyền địa phương cần quan tâm, chỉ đạo để đầu tư cho bậc học mẫu giáo, MN, đặc biệt là MN 5 tuổi để đạt được các tiêu chí PC GDMN đã đề ra.

Vấn đề tiếp theo là công tác phân luồng HS sau THCS và dạy nghề. Theo Quyết định 1033 của Thủ tướng về Phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 - 2015 phải huy động từ 10 đến 15% số HS tốt nghiệp THCS vào học TCCN.

Tuy nhiên những năm qua vùng ĐBSCL huy động chỉ đạt khoảng 5%/năm, nên đến năm 2015 khó có thể đạt được tỷ lệ phân luồng HS sau THCS theo quyết định 1033… 

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, để đạt được chỉ tiêu này cần phải có sự vận động, đặc biệt là thay đổi tâm lý, nhận thức của xã hội, của phụ huynh, HS và làm sao tạo công ăn việc làm cho người học nghề một cách bền vững… 

Tại hội nghị, ông Lê Vĩnh Tân – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã nêu bật vấn đề tái cơ cấu nền nông nghiệp ĐBSCL và xem đó như một điều tất yếu cho sự phát triển của toàn vùng. 

Ông Tân cho rằng, tái cơ cấu nền nông nghiệp là một vấn đề dài hơi cần có sự chung tay của toàn vùng. Trước hết nên tháo gỡ bài toán lúa gạo và cá tra – vốn đang gặp nhiều khó khăn…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã biểu dương những thành quả đạt được của vùng ĐBSCL trong năm qua. Phó Thủ tướng lưu ý về liên kết vùng, liên kết kinh tế…

Đây là những vấn đề đã được đề cập từ lâu nhưng chưa thực hiện được. Nếu không thực hiện được vấn đề này, ĐBSCL chỉ có thể phát triển đến một chừng mực nhất định.

Qua đó Phó Thủ tướng yêu cầu vùng ĐBSCL cần tiếp tục hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm cả vấn đề lao động, đời sống, đầu tư…

Đặc biệt, cần quan tâm tới tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng rà lại quy hoạch, lựa chọn sản phẩm phù hợp, quan tâm đến việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp... 

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với các mô hình sản xuất để tạo bước đột phá cho sự phát triển bền vững của toàn vùng ĐBSCL...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ