Tìm đường vượt khó: Đồng hành cùng thầy cô, nhà trường

Tìm đường vượt khó: Đồng hành cùng thầy cô, nhà trường

Điều các trường cần

Trong thời gian học sinh tạm nghỉ học vì dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn địa phương, nhà trường tổ chức dạy học qua Internet, dạy học trên truyền hình, công nhận kết quả học hình thức trên. 

TS Nguyễn Thị Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Minh, Hoài Đức, Hà Nội cho biết: Học sinh, thầy cô giáo đã thích ứng với hình thức này. Giáo viên vẫn quản lý, giám sát, phối hợp với phụ huynh, song chất lượng khó đạt được như dạy trực tiếp. Ngoài ra, trường cũng tổ chức dạy bổ trợ thêm cho từng đối tượng qua hình thức online nhưng vẫn chưa thực sự yên tâm. Măt khác, nhà trường đang phải đối mặt với khó khăn: Không có nguồn thu nhưng vừa tập trung chống dịch, vừa phải duy trì bộ máy, hoạt động thường xuyên và lo kinh phí hỗ trợ giáo viên.

“Chúng tôi rất mừng vì Bộ GD&ĐT đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các trường học. Các giải pháp mà Bộ kiến nghị đều phản ánh đúng thực trạng của các trường. Mong rằng, những giải pháp trên được tiến hành đồng bộ. 

Song theo tôi, việc khẩn cấp để giáo viên yên tâm và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trong lúc này là miễn tiền đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho giáo viên các trường ngoài công lập; Cho các trường vay với lãi suất 0% trong năm 2020 để hỗ trợ giáo viên và duy trì các hoạt động; Giảm tiền thuê đất cho các trường trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Nếu được như vậy, các trường có điều kiện duy trì ổn định, bảo đảm chất lượng, giáo viên yên tâm và tâm huyết với nghề”, TS Nguyễn Thị Thành nêu nguyện vọng.

Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập, ông Hà Đình Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT ICOSchool (Bắc Giang) chia sẻ: Đơn vị không có dòng tiền về, dẫn đến khó khăn trong chi trả lương, bảo hiểm cho người lao động; Chưa kể đến các chi phí hoạt động khác như đóng thuế, thuê mướn cơ sở vật chất, chi phí điện, nước, xăng xe… “Dịch bệnh còn kéo dài, chưa biết thời điểm kết thúc nên công ty không thể xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình. Việc duy trì một hệ thống lớn ở trong thời điểm này thực sự là điều đáng lo ngại và nguy hiểm”, ông Sơn tâm tư.

Trong bối cảnh khó khăn này, ông Hà Đình Sơn cho rằng, những kiến nghị của Bộ GD&ĐT thực sự là sát thực và cấp thiết. Nếu được Chính phủ đáp ứng, đây là phao cứu sinh cho sự sống còn của các trường tư và các doanh nghiệp làm giáo dục. Và điều này thực sự là cấp thiết. “Chúng tôi xin cảm ơn Bộ GD&ĐT đã có những đồng cảm, chia sẻ với các trường tư và doanh nghiệp làm giáo dục. Mong rằng những kiến nghị đó sẽ nhanh chóng được thông qua và thực thi”, ông Sơn mong mỏi.

Tìm đường vượt khó: Đồng hành cùng thầy cô, nhà trường ảnh 1
Thầy cô nhanh chóng thích nghi hình thức dạy học mới. Ảnh: ITN

Cần những hỗ trợ thiết thực

Nhận định các đề xuất của Bộ GD&ĐT liên quan đến tài chính là hoàn toàn hợp lý, đặc biệt với các trường ngoài công lập, ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy (Thái Bình), đồng thời chia sẻ thêm khó khăn của các trường công. “Với trường công lập, đang hợp đồng lao động với cô nuôi (với trường có ăn bán trú), bảo vệ nên cũng gặp khó do thiếu kinh phí chi trả lương - theo thỏa thuận - với những nhân viên này. 

Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong trường học, kể cả sau khi học sinh trở lại trường, các trường không có đủ nguồn kinh phí để mua sắm các vật tư, thiết bị y tế thiết yếu. Đồng thời, như ở Thái Thụy, 100% các trường không có nhân viên y tế có chuyên môn; 100% là giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học. Điều này gây khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, kinh phí duy trì y tế học đường trích từ 5% đóng bảo hiểm y tế của học sinh được để lại trường là không đáng kể; bình quân ở Thái Thụy có khoảng 8,5 triệu đồng/trường”, ông Đỗ Trường Sơn cho hay.

Với những khó khăn này, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy kiến nghị các trường cần được hỗ trợ kinh phí để bổ sung vật phẩm y tế thiết yếu. Cùng với đó, ngành Y tế phải có trách nhiệm (về chuyên môn) trong việc thực hiện phòng chống dịch trên địa bàn xã, thị trấn (trường học cũng là một đơn vị thuộc địa bàn xã) khi học sinh trở lại học. Tránh tình trạng người không có trình độ chuyên môn về y tế (giáo viên kiêm nhiệm) phải thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của ngành Y tế.

Cho rằng, những kiến nghị của Bộ GD&ĐT đã bao quát và sát với thực tế, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đề xuất thêm: Bộ GD&ĐT chỉ đạo xây dựng video các bài giảng cho học sinh lớp 9, lớp 12 học kỳ II năm học 2019 - 2020 phục vụ nhu cầu học tập của học sinh cả nước; Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức dạy học trên truyền hình phủ sóng toàn quốc. Việc Bộ GD&ĐT tổ chức dạy học trực tuyến là hết sức phù hợp và cần thiết tại thời điểm hiện nay, khi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp. 

Đề nghị Chính phủ cấp kinh phí mua sắm các trang thiết bị tối thiểu phục vụ việc dạy học trực tuyến và qua truyền hình đối với các cơ sở giáo dục vùng miền núi, nông thôn, các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn để kịp thời thực hiện việc dạy và học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong điều kiện phòng, chống dịch. - Ông Nguyễn Anh Tuấn 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ