'Tìm con' cho phụ nữ bị vô sinh thứ phát

GD&TĐ - Khi con gái đầu 8 tuổi, chị Hà Thị Như Trang (Đăk Nông) cùng chồng muốn sinh con tiếp theo.

Một em bé chào đời nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Ảnh: Phương Trinh
Một em bé chào đời nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Ảnh: Phương Trinh

Khi con gái đầu 8 tuổi, chị Hà Thị Như Trang (Đăk Nông) cùng chồng muốn sinh con tiếp theo. Nhưng gần 5 năm trôi qua, chị vẫn chưa có tin vui và thường đau bụng mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt. Gia đình quyết định đi khám ở bệnh viện thì nhận được tin chị bị vô sinh thứ phát.

Hiếm muộn sau nhiều năm sinh con

BS.CKII Vũ Nhật Khang, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM (IVF Tâm Anh TPHCM) cho biết, chỉ số dự trữ buồng trứng của chị Trang suy giảm còn 1.9 ng/ml (phụ nữ dưới 38 tuổi có chỉ số AMH trung bình 2 - 6 ng/ml).

Chị Trang bị lạc nội mạc tử cung nặng, buồng trứng trái có các khối lạc nội mạc kích thước đến 3 - 4 cm (ở phụ nữ kích thước trung bình của buồng trứng 3 - 5 cm). Buồng trứng phải có nhiều khối lạc nội mạc khoảng 2 cm nên rất khó thu được nhiều trứng chất lượng tốt để IVF. U lạc nội mạc cũng xuất hiện nhiều vị trí trong cơ tử cung là nguyên nhân khiến chị Trang khó mang thai và sinh con lần hai.

“Bệnh nhân được chẩn đoán u lạc nội mạc tử cung, u nang cả hai bên buồng trứng dẫn đến vô sinh thứ phát, muốn có con phải thụ tinh ống nghiệm (IVF)”, bác sĩ Khang nói.

Đầu năm 2023, con gái lớn 12 tuổi chuyển vào học trường nội trú, vợ chồng chị Trang quyết định thụ tinh nhân tạo để tìm con thứ hai.

Chị Trang được kích thích buồng trứng với phác đồ nhẹ vào tháng 4/2023, chọc hút được 7 trứng, thụ tinh tạo hai phôi. Bác sĩ điều trị ức chế lạc nội mạc trong cơ tử cung, chuẩn bị nội mạc và chuyển một phôi giúp chị đậu thai. Tháng 1/2024, vợ chồng chị Trang vui mừng đón một bé gái chào đời khỏe mạnh. Ước mơ có con sau 12 năm thành hiện thực.

Trường hợp chị Phương, 44 tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu còn khó khăn chật vật hơn khi con trai đầu đã 15 tuổi. Trước đây, chị Phương bỏ thai 3 lần và duy trì uống thuốc tránh thai nhiều năm khiến nội mạc tử cung mỏng.

Năm 2022, vợ chồng chị Phương thực hiện IVF ở một bệnh viện, chuyển phôi 3 lần nhưng không thành công.

Cuối năm 2023, chị Phương đến IVF Tâm Anh TPHCM khi dự trữ buồng trứng ở mức suy kiệt, AMH còn 0.33 ng/ml. Chị được các bác sĩ gom trứng ba chu kỳ, thu 6 trứng trưởng thành, tạo hai phôi chất lượng tốt. Hiện, chị Phương được chuẩn bị niêm mạc đủ điều kiện để chuyển phôi.

BS.CKII Vũ Nhật Khang chụp ảnh cùng vợ chồng chị Trang. Ảnh: Phương Trinh

BS.CKII Vũ Nhật Khang chụp ảnh cùng vợ chồng chị Trang. Ảnh: Phương Trinh

Vô sinh thứ phát chiếm tỷ lệ hơn 50%

Theo bác sĩ Khang, tình trạng vô sinh ở các cặp vợ chồng từng sinh con như những phụ nữ trên được gọi là vô sinh thứ phát.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại Việt Nam tỷ lệ vô sinh thứ phát chiếm hơn 50% trường hợp vợ chồng vô sinh.

Bác sĩ Khang cho biết, bệnh nhân vô sinh thứ phát chiếm khoảng 68% trường hợp vô sinh đang điều trị tại bệnh viện, chủ yếu 35 - 45 tuổi. Tùy nguyên nhân và tình trạng bệnh, họ được chỉ định các phương pháp phù hợp như bơm tinh trùng vào tử cung (IUI) với tỷ lệ thành công khoảng 20% hoặc thụ tinh trong ống nghiệm với tỷ lệ thành công 68,5%.

Vô sinh thứ phát có thể do nhiều nguyên nhân từ cả vợ và chồng. Sức khỏe sinh sản của nam và nữ giới đều suy giảm theo thời gian do lão hóa tự nhiên. Tuổi càng lớn, chất lượng trứng và tinh trùng càng giảm khiến khả năng tạo phôi thấp, tăng tỷ lệ phôi bất thường, tăng khả năng chuyển phôi thất bại hoặc sẩy thai, trẻ sinh ra mang dị tật.

Ở phụ nữ, các nguyên nhân phổ biến là lạc nội mạc tử cung, bất thường buồng trứng, ứ dịch tắc ống dẫn trứng, viêm dính buồng tử cung, polyp trong lòng tử cung. Một số trường hợp có thể do nạo phá thai gây sẹo tử cung, dùng thuốc tránh thai thời gian dài khiến nội mạc mỏng.

Ở nam giới, tinh trùng yếu là tình trạng chất lượng tinh trùng bị suy giảm. Mỗi lần xuất tinh, lượng tinh dịch thường ít hơn 2ml, tỷ lệ di động dưới 75%, tỷ lệ chết và không di động cao hơn 25%.

Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân như bệnh lý giãn tĩnh mạch thừng tinh; mất cân bằng nội tiết tố; dị tật bẩm sinh; rối loạn di truyền; làm việc trong môi trường tiếp xúc hóa chất, tia xạ; lạm dụng rượu bia, thuốc lá; căng thẳng kéo dài...

Bác sĩ Khang khuyến cáo, vợ chồng muốn có thêm con thứ hai nên giữ khoảng cách sinh 3 - 5 năm. Vợ chồng từng sinh con, sau một năm quan hệ tình dục đều đặn mà không thai trở lại (6 tháng với trường hợp người vợ ngoài 35 tuổi) nên đến trung tâm hỗ trợ sinh sản để khám, điều trị sớm.

Những vợ chồng định trì hoãn sinh con thứ hai nên cân nhắc trữ trứng hoặc trữ tinh trùng bảo tồn khả năng sinh sản.

Hiện nay, kỹ thuật thủy tinh hóa giúp lưu trữ nhanh, đảm bảo chất lượng tối ưu không giới hạn thời gian. Tỷ lệ thụ tinh thành công sau rã đông trứng hoặc tinh trùng lên đến gần 100%, giúp chủ động thời điểm sinh thêm con khỏe mạnh, tránh tình trạng khả năng sinh sản suy giảm theo tuổi tác.

Bộ Y tế ước tính cả nước có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, chiếm khoảng 7,7%. Trong đó, khoảng 50% vợ chồng dưới 30 tuổi. Tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có con) tăng 15 - 20% mỗi năm, chiếm hơn nửa số trường hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.