Tiêu chuẩn nhà giáo dạy Đại học

Tiêu chuẩn nhà giáo dạy Đại học

(GD&TĐ) - Hỏi: Trước đây tôi tốt nghiệp trường Cao đẳng công nghiệp Hà Nội khoa Cơ khí chế tạo. Ra trường, tôi may mắn xin được làm hợp đồng ở một trường Đại học. Do được đánh giá tốt về nghiệp vụ sư phạm và chuyên môn nên sau 1 năm làm hợp đồng tôi được nhà trường ký hợp đồng dài hạn. 2006 tôi chính thức tốt nghiệp loại khá hệ vừa học, vừa làm trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó tôi được phân công chính thức làm giáo viên hướng dẫn thực hành. Tuy nhiên, năm 2011, nhà trường tiến hành rà soát lại tất cả giáo viên thực hành và không cho tôi được giảng dạy với lý do là tôi tốt nghiệp Đại học không chính quy mà điều chuyển sang làm công việc quản lý và chuẩn bị dụng cụ, thiết bị thực hành. Tôi đã nhiều lần kiến nghị những không được. Vậy xin được hỏi quý báo: Tiêu chuẩn của giáo viên dạy Đại học quy định như thế nào? Trường hợp của tôi, nhà trường lấy lý do như vậy để điều chuyển công tác có đúng hay không? – Nguyễn Quang Thanh, tỉnh Phú Thọ (ngquangthanh@gmail.com).

* Trả lời:

Giờ học thực hành cơ khí (ảnh minh họa)
Giờ học thực hành cơ khí (ảnh minh họa)

Điểm e, Khoản 1 Điều 77 Luật Giáo dục quy định: “Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau: … e) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học; có bằng thạc sĩ trở lên đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận văn thạc sĩ; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận án tiến sĩ.”

Tại điều 24, Điều lệ trường Đại học ban hành kèm theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Thủ trường Chính phủ. quy định về tiêu chuẩn của giảng viên như sau:

1. Có phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt.

2. Có bằng tốt nghiệp Đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Có bằng thạc sĩ trở lên đối với giảng viên giảng dạy các môn lý thuyết của chương trình đào tạo Đại học; có bằng tiến sĩ đối với giảng viên giảng dạy và hướng dẫn chuyên đề, luận văn, luận án trong các chương trình đào tạo thác sĩ, tiến sĩ.

3. Có trình độ ngoại ngữ tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc.

4. Đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp.

5. Lý lịch bản thân rõ ràng.

Với những quy định nêu trên, nếu như anh Nguyễn Quang Thanh đã đảm bảo đầy đủ các điều kiện trên thì việc nhà trường quyết định anh không được giảng dạy với lý do là không có bằng Đại học hệ chính quy là chưa đúng với văn bản chính sách hiện hành. Vì theo khoản 2 điều 24 Điều lệ trường Đại học không quy định tiêu chuẩn giảng viên cần phải có bằng tốt nghiệp Đại học hệ chính quy.

GD&TĐ Online

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ