Tiết lộ về chiến dịch 60 ngày đêm Dự án sân bay Sa Pa

GD&TĐ - Chính quyền huyện Bảo Yên (Lào Cai) tổ chức chiến dịch 60 ngày đêm giúp dân di dời khỏi khu vực dự án Cảng hàng không Sa Pa.

Lực lượng dân quân và đoàn thanh niên xã Cam Cọn hỗ trợ Nhân dân di chuyển đồ đạc về nơi ở mới.
Lực lượng dân quân và đoàn thanh niên xã Cam Cọn hỗ trợ Nhân dân di chuyển đồ đạc về nơi ở mới.

Dự án Cảng hàng không Sa Pa, Lào Cai (sân bay Sa Pa) được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1773, ngày 21/10/2021.

Để triển khai Dự án, ngay đầu tháng 7, tỉnh Lào Cai kích hoạt Chiến dịch “60 ngày đêm hỗ trợ di dời nhà cửa, tài sản, cây cối, hoa màu của người dân trong vùng Dự án".

Giúp dân chuyển nhà cả ban đêm

Ngay từ sáng sớm, anh Đoàn Xuân Hưng - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Cam Cọn đã huy động 13 dân quân và thanh niên trong xã, giúp đỡ 2 gia đình ông Lê Văn Thế (thôn Cam 4) và ông Đặng Văn Kim (thôn Cam 2) di chuyển đồ đạc đến nơi ở mới.

Ông Lê Văn Thế chia sẻ: “Hôm nay chúng tôi chuyển đồ đạc về nơi ở mới, được lực lượng dân quân xã và đoàn thanh niên đến hỗ trợ, gia đình phấn khởi lắm. Tôi cũng như bà con đều đồng tình chuyển sớm để phục vụ công trình Nhà nước”.

Dự án sân bay Sa Pa là dự án trọng điểm, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bảo Yên nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung giai đoạn 2021 - 2030.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo sức bật, động lực cho tỉnh Lào Cai bứt phá vươn lên trở thành tỉnh khá của khu vực và cả nước.

Đây cũng là dự án quan trọng cho việc thu hút, kêu gọi đầu tư, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của huyện Bảo Yên trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân.

Dự án được quy hoạch tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, Lào Cai, nằm sát cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Giai đoạn 1 rộng gần 300ha, công suất dự kiến 1,5 triệu hành khách mỗi năm, mức đầu tư 4.183 tỉ đồng. Giai đoạn 2 mở rộng lên 3 triệu hành khách, tổng mức đầu tư 2.765 tỉ đồng.

Theo chính quyền địa phương, trong giai đoạn 1, tổng diện tích đất cần thu hồi để triển khai dự án là 295,2ha.

Tính đến ngày 8/7, các địa phương đã phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cho hộ gia đình, cá nhân được trên 303 tỉ đồng; tổng số tiền đã chi trả là 291,99 tỉ đồng.

Dự án sẽ phải giải phóng mặt bằng của 220 hộ dân với quỹ đất tái định cư hơn 140ha.

Mặc dù được sự đồng thuận của người dân, nhưng đến thời điểm hiện tại, mới có 9 hộ đã di chuyển ra chỗ ở mới, 38 hộ đang xây dựng, di dời; vẫn còn gần 40 hộ phải xác định lại nguồn gốc đất và phương án đền bù. Do vậy, việc giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đang gặp khó khăn.

Để đảm bảo hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án đúng tiến độ, ngày 8/7, huyện Bảo Yên đã thành lập và kích hoạt Ban Chỉ huy chiến dịch “60 ngày đêm hỗ trợ lực lượng di dời nhà cửa, tài sản, cây cối, hoa màu của các hộ dân trong vùng dự án Cảng hàng không Sa Pa đến nơi ở mới”.

Việc đưa lực lượng xuống giúp người dân chuyển đồ đạc là một trong những hoạt động trong chiến dịch, nhằm giải phóng mặt bằng để đảm bảo thực hiện thành công kế hoạch.

Mục đích của chiến dịch là tìm hiểu, nắm rõ tình hình, tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của 205 hộ gia đình nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Anh Đoàn Xuân Hưng cho biết: “Không chỉ ban ngày, nếu Nhân dân trong xã có nhu cầu chuyển đồ ban đêm, chúng tôi cũng bố trí lực lượng để giúp dân thực hiện nhanh nhất, sớm nhất.

Theo kế hoạch, từ 1/7 - 30/8, sẽ hoàn thành nhiệm vụ di dời toàn bộ các hộ dân sang nơi ở mới”.

Nhiều ngôi nhà khang trang đang được xây dựng tại khu tái định cư cho người dân ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên.

Nhiều ngôi nhà khang trang đang được xây dựng tại khu tái định cư cho người dân ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên.

Nơi ở mới khang trang

Nằm trong diện giải tỏa, gia đình ông Đặng Văn Kim, thôn Cam 2, xã Cam Cọn có gần 12.000m2 đất bị ảnh hưởng.

Khi nhận thông báo thu hồi đất, cảm giác đầu tiên của mọi người trong gia đình là lo lắng, không biết tương lai sẽ thế nào.

Nhưng khi được chính quyền địa phương tuyên truyền chủ trương xây dựng sân bay Sa Pa và nhận được đất tái định cư, gia đình ông đã hoàn toàn đồng thuận.

“Gia đình được bố trí khu tái định cư khoảng 300m2 đất ở và 400m2 đất vườn. So với nơi ở cũ, vị trí mới gần trung tâm xã, trường học, trạm y tế hơn... Hiện tại, gia đình đã xây được ngôi nhà kiên cố trị giá khoảng 1,1 tỉ đồng. Số tiền thừa từ đền bù gia đình gửi ngân hàng để đảm bảo cuộc sống sau này”, ông Kim chia sẻ.

Tương tự, gia đình ông Lý Văn Bền ở thôn Cam 1, khi được tuyên truyền đã đồng lòng chấp thuận di dời nhà cửa về khu tái định cư để dành đất cho dự án.

Ông Hồ Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Cam Cọn, chia sẻ: “Chúng tôi đã nhiều lần ngồi lại họp bàn phương án tuyên truyền, vận động làm sao cho hiệu quả. Từ đó, đưa ra nhiều cách tuyên truyền như: Lồng ghép vào các cuộc họp tổ, thôn, rồi kết hợp với Mặt trận, đoàn thể và những người có uy tín trong Nhân dân để đi đến vận động trực tiếp từng hộ dân. Chúng tôi đã kiên trì đi nhiều lần, cuối cùng bà con cũng hiểu và đồng tình giao đất để thực hiện dự án”.

Ngay trong ngày đầu phát động chiến dịch (8/7), đã có trên 20 hộ gia đình di dời tài sản để bàn giao mặt bằng. Các hộ dân khác tại xã Cam Cọn đều đồng ý về chủ trương di dời với chính quyền địa phương. Đồng thời, cam kết thực hiện di dời trong những ngày sắp tới.

Ông Nguyễn Anh Chuyên, Bí thư Huyện ủy huyện Bảo Yên, cho biết: “Chúng tôi đã phân tích rất kỹ từng nhóm hộ gia đình, nắm chắc từng đối tượng cần phải di dời. Đặc biệt, chúng tôi quan tâm đến văn hóa truyền thống của từng nhóm đồng bào các dân tộc ở đây để bố trí nơi tái định cư sao cho phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”.

Ông Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, nhấn mạnh: “Dự án Cảng hàng không Sa Pa có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bảo Yên và tỉnh Lào Cai. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là bà con Nhân dân cần chung sức, đồng lòng, quyết tâm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ