Tiết lộ góc khuất quanh bức tranh đắt giá nhất thế giới của Leonardo da Vinci

Tác giả kiêm nhà làm phim tài liệu Ben Lewis viết một cuốn sách về hành trình khám phá những bí ẩn quanh siêu phẩm của danh họa Leonardo da Vinci.

Tiết lộ góc khuất quanh bức tranh đắt giá nhất thế giới của Leonardo da Vinci

Vào tháng 5/2015, nhà đấu giá danh tiếng Christie tại London đã bán bức tranh Women of Algiers (Những người phụ nữ Algiers) của Pablo Picasso với giá hơn 179 triệu USD. Đây là mức giá cao nhất cho một bức tranh bán theo hình thức đấu giá tính đến thời điểm đó.

Hai năm rưỡi sau, kỷ lục trên đã bị xô đổ tại chính nhà đấu giá này. Tháng 11/2017, Christie bán bức Salvator Mundi khắc họa chân dung Chúa Jesu của Leonardo da Vinci với giá 450 triệu USD.

Trong cuốn sách mới, có tựa The Last Leonardo: The Secret Lives of the World’s Most Expensive Painting, tác giả kiêm nhà làm phim tài liệu Ben Lewis đã viết về những chi tiết thú vị xoay quanh Salvator Mundi (Đấng Cứu thế) và hành trình đưa bức tranh này đến nhà đấu giá.

Tiết lộ góc khuất quanh bức tranh đắt giá nhất thế giới của Leonardo da Vinci ảnh 1

Sách The Last Leonardo.

Lewis viết: “Salvator Mundi mang vẻ đẹp cân bằng giữa thời trung cổ và hiện đại - một tác phẩm mở ra cánh cửa đến thế giới mới, giống như chính bản thân Leonardo”.

Dù vậy, bức tranh này vẫn là chủ đề của nhiều tranh cãi về quyền tác giả và nơi tìm thấy nó. Về điều này, tác giả Lewis cũng viết, "đây là một nạn nhân của những bí mật trong thị trường nghệ thuật chưa được kiểm soát.

Trong khi đó, bao quanh thị trường này là một nền kinh tế toàn cầu hóa thế kỷ 21 đang phát triển”.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, tác giả Lewis chia sẻ nhiều điều về cuốn sách mới của anh.

Công việc mơ ước của Ben Lewis

Tác giả Lewis nảy sinh ý tưởng viết cuốn sách này sau khi Salvator Mundiđược bán, vào tháng 11/2017. “Tôi nghĩ rằng đây là câu chuyện phiêu lưu tuyệt vời nhất mà một bức tranh từng trải qua.

Lịch sử của tác phẩm đã trải qua khoảng 500 năm. Bạn có thể đoán rằng Salvator Mundi từng treo ở nhiều cung điện và các căn biệt thự. Nhưng bất ngờ là nó cũng trải qua 50 năm ở vùng ngoại ô của nước Mỹ”, Lewis nói.

Lewis có ý định viết một cuốn sách về lịch sử nghệ thuật nhưng không thuần túy chỉ là thế giới của sắc màu, tạo hình. Anh cũng muốn truyền tải những bước ngoặt trong “cuộc đời” của Salvator Mundi, trong đó có một vụ trộm tranh và cả những tranh cãi hiện nay về việc liệu đây có phải là tác phẩm của Leonardo hay không?

Về nguồn gốc bức tranh, tác giả cuốn sách không thực sự chắc chắn. Anh Lewis cho biết: “Có nhiều khoảng trống thời gian đáng ngờ và chúng tôi cũng gặp nhiều thủ đoạn lừa dối như vậy. Tôi phải học hỏi khá nhiều về lịch sử nghệ thuật và thấy được rất nhiều thăng trầm.

Giống như nhân vật Jeff Bridges đã nói "Có rất nhiều sự tinh vi và phức tạp" trong bộ phim The Big Lebowski".

Tiết lộ góc khuất quanh bức tranh đắt giá nhất thế giới của Leonardo da Vinci ảnh 2

Tranh Salvator Mundi.

"Tôi không mang đến cho bạn nhiều điều khái quát về nó, tất cả những gì tôi phải làm chỉ là kể câu chuyện riêng về bức tranh này. Dựa vào đó, độc giả sẽ hiểu được tất cả và xây dựng nên suy nghĩ của riêng họ", tác giả cuốn sách nói.

Anh Lewis cho hay: “Mỗi ngày trôi qua, tôi cảm thấy như đây là công việc mơ ước. Đây là dự án và mục tiêu tốt nhất mà tôi có thể có”.

Chia sẻ thêm về những người có ảnh hưởng đến bản thân và quá trình viết sách, tác giả Ben Lewis nhắc tới Max Beckmann, họa sĩ Đức và nhà văn Italo Calvino. Những tác phẩm về cuộc sống bận rộn ở Berlin trong nửa đầu thế kỷ 20 của Max Beckmann đã ảnh hưởng rất lớn đến Ben Lewis. Và anh cũng trích dẫn một số câu từ cuốn Invisible Cities (Thành phố vô hình) của Italo Calvino ở phần đầu cuốn sách về Salvator Mundi.

Từ 1.000 USD tới hơn 400 triệu USD

Trong quá trình viết sách, tác giả thường bị sự chỉ trích rằng: “Không ai muốn đọc bản thảo đó”; “đó không phải là một cuốn sách, mà là một bộ phim tài liệu”. Nhưng với phần bản thảo cuối, sau khi gửi đi 20 phút, anh Lewis nhận được lời đáp “đây là một cuốn sách lớn”.

Một điều vô cùng thú vị và gây ngạc nhiên trong quá trình viết sách là việc tác giả Lewis đi tìm Basil “Tookie” Hendry Jr - người có quyền thừa kế bức tranh. Ông ta đã gửi bán đấu giá nó ở New Orleans năm 2005 và để nó rời tay với giá 1.175 USD.

Anh Lewis chia sẻ: “Ông ta không biết gì, hoàn toàn không biết một chút gì, khi tôi liên lạc với ông ấy vào năm 2018 và nói rằng bức tranh của ông hiện được coi là tác phẩm của Leonardo và được bán với giá 450 triệu USD tại Christie, ông ấy quá đỗi ngạc nhiên. Khi tôi trò chuyện với ông ấy, tôi không thể tin vào điều đó và ông ấy cũng như vậy.

Tiết lộ góc khuất quanh bức tranh đắt giá nhất thế giới của Leonardo da Vinci ảnh 3

Tác giả Ben Lewis.

Ông ấy điều hành một doanh nghiệp xây dựng và không đọc các trang báo về văn hóa nghệ thuật. Ông ấy cũng không có hứng thú đặc biệt với nghệ thuật và chỉ muốn dùng nó để kiếm món lợi cho bản thân và gia đình, theo tác giả cuốn sách.

“Lúc đầu, chúng tôi không chắc chắn là ông ấy có phải chủ sở hữu bức tranh hay không. Tôi đã lần theo danh mục liên quan về các tác phẩm của nhà đấu giá. Có một danh sách nhiều cái tên trong danh mục này. Chủ sở hữu có thể là bất kỳ ai hoặc không ai cả.

Tôi và một đồng nghiệp phải mất tới 5 - 6 tháng để lần theo Hendry. Khi chúng tôi gọi điện cho ông ấy, chúng tôi không biết liệu đây có phải là chủ sở hữu bức tranh này hay không. Và ông ấy trả lời “Ồ đúng rồi, chúng tôi đã có một trong các bức như vậy treo ở cầu thang”.

Sau quá trình “thai nghén” tác phẩm, thông điệp quan trọng và xúc tích nhất mà tác giả Lewis muốn gửi tới độc giả là “đây là câu chuyện tuyệt vời nhất về sự sinh tồn trong lịch sử nghệ thuật.

Về cơ bản, tác phẩm này là một phiên bản lịch sử nghệ thuật của bộ phim The Revenant - không phải với dấu ấn của Leonardo DiCaprio mà là của Leonardo da Vinci. Cuốn sách cũng là một bộ phim truyền hình lịch sử, một bộ phim kinh dị và một câu chuyện trinh thám - tất cả được hòa vào làm một”.

Theo zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ