Tiếp tục phát triển bền vững dạy học 2 buổi/ngày

GD&TĐ - Sau 6 năm thực hiện SEQAP, Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định, tới đây khi dự án kết thúc, các trường thụ hưởng dự án vẫn sẽ duy trì bền vững các thành quả đạt được, đồng thời lan tỏa những kinh nghiệm hay, bài học thiết thực ra các trường ngoài SEQAP.

Tiếp tục phát triển bền vững dạy học 2 buổi/ngày

Khép kín quy trình dạy học 2 buổi/ngày

Trao đổi với chúng tôi, thầy Bành Đức Hoài - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mậu Đức (Con Cuông - Nghệ An) cho biết, trường có 22 lớp với 451 HS, trong đó có 10 lớp ở điểm trường chính và 12 lớp điểm trường Kẻ Tằng.

Mặc dù hầu hết HS của trường là con em dân tộc Thái nhưng khả năng sử dụng và giao tiếp bằng tiếng Việt của các em rất tốt. Thái độ học tập tích cực, mạnh dạn và chủ động.

Trường Tiểu học Mậu Đức là một trong 6 trường được thụ hưởng Chương trình SEQAP của huyện miền núi Con Cuông. Thầy cho biết: Từ khi được nhận tài trợ từ Chương trình SEQAP, trường đã tổ chức thực hiện mô hình dạy học cả ngày (FDS) theo phương án 35 tiết/tuần (T35).

Việc được thụ hưởng Chương trình SEQAP đã giúp các trường đảm bảo về cơ sở vật chất: Được xây dựng nhà đa năng, bếp ăn, công trình vệ sinh… Đặc biệt, kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho HS là điều kiện quan trọng để tổ chức bán trú, giữ chân các em ở lại trường.

Trên thực tế, nhiều trường tiểu học miền núi Nghệ An đã sớm triển khai dạy học cả ngày từ những năm trước đó. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Cô Nguyễn Thị Kim Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 Lục Dạ (Con Cuông) chia sẻ: Trước khi được tham gia SEQAP, trường cũng đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhưng tỷ lệ huy động HS tham gia chỉ nằm mức 60 - 70% và tối đa chỉ đạt 7 buổi/tuần. Ngoài ra, dạy học cả ngày chỉ thực hiện được ở điểm trường chính, còn các điểm lẻ hầu hết đều dạy học 1 buổi/ngày.

Bắt đầu từ năm học 2011 - 2012, được thụ hưởng Chương trình SEQAP, trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho cả 5 điểm trường, tổ chức ăn trưa cho HS với nhiều hình thức.

Hiện trường có 157 em được ăn trưa bán trú. Trường cũng vận động phụ huynh góp gạo, củi hoặc HS tự đem cơm đến lớp, thầy cô tự trồng thêm rau củ, còn tiền hỗ trợ dành để mua thức ăn cho các em.

Cô Kim Anh cho biết thêm: SEQAP có kinh phí cho giáo viên dạy HS DTTS. Tuy nhiên trường có tới 1/2 giáo viên người bản địa, nên nguồn kinh phí này không nhất thiết phải sử dụng đến, và thay vào đó dành nguồn cho bữa ăn của HS.

Đến nay, việc học cả ngày, ăn trưa tại trường đã vào nề nếp, quy củ. Cơ sở vật chất đảm bảo, chất lượng GD toàn diện của các trường được nâng cao, tạo những chuyển biến tích cực cả về phía thầy - trò - phụ huynh và chính quyền địa phương.

Duy trì và phát triển bền vững kết quả SEQAP

Điều mà hiện nay cả phía Ngân hàng Thế giới (WB) lẫn Ban quản lý SEQAP quan tâm nhất là tính bền vững của chương trình khi SEQAP sắp kết thúc.

Chính các cơ sở trường học cũng thừa nhận: Để thực hiện 2 buổi/ngày thành công, việc hỗ trợ ăn trưa rất quan trọng. Khi chương trình kết thúc thì số HS bán trú chắc chắn sẽ giảm đi.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Bành Đức Hoài - Hiệu trưởng Tiểu học Mậu Đức cho biết: Có thể nói, sau 6 năm thực hiện, khi SEQAP được rút, thì những gì mà chương trình để lại vẫn còn.

Đó là cơ sở vật chất, là nhận thức của phụ huynh HS được nâng cao, tạo nền móng cho việc học cả ngày, ở lại ăn trưa bán trú. Vì vậy, sau khi chương trình kết thúc, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tổ chức dạy học cả ngày cho 100% HS và cố gắng duy trì bán trú ăn trưa cho các em nhà xa, hoàn cảnh khó khăn. Để làm được điều này, chúng tôi phải tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và vận động nguồn lực xã hội hóa.

Thầy Hoàng Mạnh Cầm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 (Quế Phong) - cũng cho hay: Trường cũng tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, mời phụ huynh tham gia các hoạt động tại trường để thấy được con em mình học tập, sinh hoạt như thế nào.

Các khoản xã hội hóa cũng được công khai. “Dù là mấy chục nghìn, 1 ngày công, hay tre, mét làm hàng rào trường học, trường rất trân trọng và rất cảm ơn.

Sự quan tâm, chia sẻ của phụ huynh, các cá nhân, tổ chức xã hội sẽ tạo động lực, đồng hành cùng nhà trường trong việc tạo những điều kiện tốt nhất cho các em học tập”.

Điều quan trọng nữa là sau khi tham gia SEQAP, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ quản lý và giáo viên được chuyển biến rõ rệt.

Qua các đợt tập huấn theo các mô đun, giáo viên dạy học tại trường đã năng động hơn, xử lý giờ dạy linh hoạt hơn theo nhiều phương pháp: Bàn tay nặn bột, khăn trải bàn…

Theo ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, trong 6 năm thực hiện SEQAP, Sở đã tập huấn 15/17 mô đun của Chương trình SEQAP nâng cao năng lực giáo viên. Kết quả trên thực tế, các trường đã thực sự đổi mới phương pháp dạy học và GD, chất lượng giáo viên chuyển biến thực sự.

Những nội dung tập huấn, nhất là mô đun dạy học tích cực, không chỉ có ý nghĩa đối với các trường SEQAP, mà lan tỏa ra các trường ngoài dự án.

Hiện nay, đã có 98% HS miền núi của tỉnh được học cả ngày, với tối thiểu 8 buổi/tuần. Sở đã tổ chức cho các trường chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau nhằm nâng cao chất lượng GD miền núi.

Đặc biệt, những kỹ năng mà giáo viên có được qua nội dung tập huấn, thích ứng tốt với việc thay đổi chương trình SGK của Bộ sắp tới.

Tuy nhiên, thực tế GD miền núi còn nhiều khó khăn, đối tượng HS dễ tổn thương, khi SEQAP kết thúc, Sở cũng kiến nghị với Bộ có chính sách hỗ trợ ăn trưa cho các em nghèo, vùng xa cấp tiểu học. Bên cạnh đó, tiếp tục có thêm những đợt tập huấn, cấp phát tài liệu cho giáo viên để nâng cao hơn nữa chuyên môn, nghiệp vụ.

Qua kiểm tra, đánh giá thực tế triển khai SEQAP tại một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ông Trần Đình Thuận, Giám đốc Ban quản lý Chương trình SEQAP, đánh giá cao những kết quả mà các trường đã làm được. Đồng thời nhấn mạnh, việc tổ chức dạy học cả ngày, cần phải được thực hiện như một quy trình khép kín.                                                                                                            Ở đó, HS được học tập, củng cố kiến thức ngay tại lớp, đồng thời xen kẽ phát triển kỹ năng sống, tăng cường khả năng giao tiếp, hoạt động tập thể… Nếu tách biệt học buổi sáng và học buổi chiều, thì quá trình này bị đứt đoạn và đó không phải là mục tiêu của dạy học cả ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ