Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2021, toàn ngành LĐTBXH đã nỗ lực, quyết tâm hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình, góp phần cùng cả nước hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong điều kiện khó khăn chưa từng có.
Phó Thủ tướng cho biết, theo nghiên cứu của một số tổ chức tài chính quốc tế, trong hai năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (2020-2021), kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng khoảng 1,8%, trong đó các nước phát triển tăng 0,7%, các nước đang phát triển là 4,3%. Tại khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế lớn (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam) là 1,5%, còn riêng Việt Nam đạt 5,49%. Điều đó cho thấy mặc dù rất khó khăn nhưng trong 2 năm qua chúng ta rất cố gắng để đạt được mức tăng trưởng tốt so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.
“Kết quả này có sự đóng góp của tất cả các bộ, ngành, trong đó có vai trò quan trọng của ngành LĐTBXH, Phó Thủ tướng nói và dẫn chứng “Không chỉ chăm lo an sinh xã hội cho hàng chục triệu người dân vùng dịch trong điều kiện chưa từng có tiền lệ, mà ngành LĐTBXH vẫn tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, giáo dục nghề nghiệp bảo vệ trẻ em…”.
Ngành LĐTBXH có nhiều đổi mới trong tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 một cách nhanh chóng, kịp thời; tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về lương, đổi mới mạnh mẽ về cải cách hành chính…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng nêu một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế mà ngành LĐTBXH cần nhìn thẳng để có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Cụ thể, trong lĩnh vực người có công, dù đã có bước chuyển rất căn bản trong những năm qua, ngành LĐTBXH cần tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng giải quyết thật tốt công tác xác minh hồ sơ, công nhận người có công; hỗ trợ, chăm sóc người có công, thân nhân người có công ngày một tốt hơn.
Trong công tác giảm nghèo, Bộ LĐTBXH phải là đầu mối tổng hợp, chủ trì việc phối kết hợp thật đồng bộ giữa các bộ, ngành, nhất là cơ chế điều phối. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp, triển khai thật tốt chương trình giảm nghèo đa chiều; bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, cần có chính sách huy động các nguồn lực bên ngoài tham gia nhiều hơn vào hệ thống trợ giúp xã hội, nhóm đối tượng bảo trợ xã hội…
Đối với công tác xuất khẩu lao động, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ LĐTBXH đã phối hợp rất tốt với Bộ Ngoại giao để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của lao động Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH vừa phát triển thị trường, vừa có chính sách, tuyên truyền để người lao động lựa chọn những thị trường được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp một cách chắc chắn. Công tác đào tạo nghề cần tiếp tục quy hoạch, sắp xếp lại các đầu mối quản lý theo hướng “tự chủ, xã hội hóa, thống nhất đầu mối quản lý”, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.
Về vấn đề bảo vệ trẻ em, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại sự cố bạo hành trẻ em rất đau lòng, gây nhức nhối, và yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm túc việc hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đến cấp xã theo Luật Trẻ em. “Năm 2022, công tác này càng quan trọng vì sau một thời gian dài không đến trường học đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập, tâm sinh lý của các cháu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý ngành LĐTBXH cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có các chương trình trợ giúp tâm lý cho người lao động.
Qua thực tiễn chi trả các gói hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn, trong năm 2022, Bộ LĐTBXH quyết tâm, nỗ lực chuyển đổi số mạnh mẽ, theo hướng quản lý tất cả các đối tượng bằng tin học hóa, thực hiện hỗ trợ chi trả qua ngân hàng, trừ một số ít người dùng tiền mặt thì thông qua mạng lưới bưu điện để chi trả, còn ngành LĐTBXH thực hiện giám sát, thanh tra hoạt động này.
“Ngành LĐTBXH có thể đi trước một bước về chuyển đổi số nếu quyết tâm vì đây là ngành thực hiện chi trả qua bảo hiểm và ngân sách Nhà nước rất lớn, liên quan đến quyền lợi của người dân. Các đồng chí có thể làm thật nhanh được nếu toàn ngành nỗ lực, nhất là ở các địa phương”, Phó Thủ tướng tin tưởng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý ngành LĐTBXH phải liên tục đôn đốc công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hoạt động giải ngân, chi trả hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, bảo đảm không thất thoát, không nhầm đối tượng, không để lợi dụng chính sách gây tiêu cực.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Phó Thủ tướng đề nghị ngành LĐTBXH, các bộ, ngành, địa phương chăm lo người dân đón Tết an toàn, ấm cúng, nhất là những người chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, bên cạnh vật chất cần có nhiều hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ về tinh thần.