Tiếp thêm động lực cho nhà giáo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều địa phương có chính sách hỗ trợ giáo viên, qua đây nhằm động viên, khích lệ các thầy, cô giáo tiếp tục tận tâm, tận hiến với nghề.

Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu, huyện Bến Lức (Long An). Ảnh: ITN
Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu, huyện Bến Lức (Long An). Ảnh: ITN

Hỗ trợ riêng

Mới đây, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu ký ban hành Nghị quyết 24/2023/NQ-HĐND “Quy định thí điểm chính sách hỗ trợ giáo viên các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương” (Nghị quyết 24). Theo đó, từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2025, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên giảng dạy tại cơ sở giáo dục mầm non công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.

Giáo viên là viên chức giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên có thu nhập (từ lương và phụ cấp hiện hưởng) dưới 6 triệu đồng/tháng và giáo viên có thu nhập dưới 7,4 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/1/2024 đến khi tăng lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW được hỗ trợ 700.000 đồng/người/tháng.

Chính sách hỗ trợ giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập làm nức lòng đội ngũ. Cô Phạm Thị Mai – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Quang (Thanh Hà, Hải Dương) hồ hởi chia vui, đối chiếu với Nghị quyết 24, toàn bộ 60 cán bộ quản lý và giáo viên của trường đều thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh, với mức 1 triệu đồng/tháng.

“Ai nấy đều phấn khởi, mong nhận tiền hỗ trợ. Đây là chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo, chia sẻ của lãnh đạo tỉnh với đội ngũ giáo viên nói riêng và sự nghiệp “trồng người” nói chung. Với chúng tôi, đó là nguồn động viên vô giá, giúp mỗi người có thêm động lực để bám trụ với nghề”, cô Mai bộc bạch.

Hiện, Hải Dương có hơn 26.800 giáo viên, cán bộ quản lý công lập; trong đó 22.560 người trong biên chế. Có hàng nghìn giáo viên thu nhập thấp hơn mức bình quân đầu người ở khu vực thành thị của tỉnh (5,7 triệu đồng/tháng). Theo ông Đỗ Duy Hưng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương, với chính sách hỗ trợ giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập, Hải Dương là một trong số ít địa phương hỗ trợ riêng cho đội ngũ nhà giáo. Với chính sách này, hy vọng sẽ giữ được giáo viên ở lại với nghề; đồng thời thu hút nhiều học sinh vào học các trường sư phạm để cống hiến cho quê hương.

Ngoài Hải Dương, một số địa phương cũng có chính sách hỗ trợ giáo viên công lập. Trước đó, ngày 21/7/2023, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Toản ký ban hành Nghị quyết của HĐND về việc hỗ trợ đối với giáo viên mầm non, tiểu học được tuyển dụng vào các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn. Thời gian thực hiện quy định này đến hết 30/12/2030. Theo đó, mỗi giáo viên tiểu học được hỗ trợ 108 triệu đồng. Giáo viên mầm non hỗ trợ 162 triệu đồng/người.

“Để nhận khoản trợ cấp trên, giáo viên phải cam kết giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố tối thiểu 10 năm kể từ ngày tuyển dụng. Nếu nhận kinh phí hỗ trợ nhưng không thực hiện đúng thời gian công tác như đã cam kết phải hoàn trả toàn bộ”, ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên lưu ý.

Một lớp học của Trường Mầm non Thanh Quang (Thanh Hà, Hải Dương). Ảnh: NVCC

Một lớp học của Trường Mầm non Thanh Quang (Thanh Hà, Hải Dương). Ảnh: NVCC

Chăm lo thiết thực

Tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, tỉnh có cơ chế, chính sách đặc biệt theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ “Về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”. Theo đó, ngoài lương, phụ cấp ngành, giáo viên được tuyển dụng theo chính sách này còn hưởng thêm 100% lương và phụ cấp tăng thêm trong 5 năm...

Đầu tháng 12/2023, HĐND tỉnh Long An ban hành Nghị quyết 30/2023/NQ-HĐND quy định chế độ hỗ trợ cho người được tuyển dụng làm giáo viên tại cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Theo đó, những giáo viên này được hỗ trợ một lần, với mức 50 triệu đồng/người. Mức hỗ trợ không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

Đồng Nai dự kiến hỗ trợ một lần giáo viên tuyển mới từ 120 - 250 triệu đồng/người. Hỗ trợ giáo viên hằng tháng từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/người. Địa phương này triển khai lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2023 - 2025). Dự thảo đưa ra 2 chính sách, thu hút tuyển mới giáo viên một lần với mức thấp nhất 120 triệu đồng/người, cao nhất 200 triệu đồng/người. Đối với chính sách hỗ trợ giáo viên hằng tháng, mức hỗ trợ thấp nhất là 1,5 triệu đồng/người và cao nhất 2,5 triệu đồng/người.

Kinh phí thực hiện thu hút và hỗ trợ dự kiến được lấy từ nguồn ngân sách tỉnh Đồng Nai theo phân cấp ngân sách hiện hành. Dự kiến nguồn lực để chi cho chính sách thu hút và hỗ trợ giáo viên là 440 tỷ đồng, trong đó 183 tỷ đồng dành để thu hút và 257 tỷ đồng dùng hỗ trợ.

Hoan nghênh các địa phương đã có chính sách hỗ trợ riêng cho đội ngũ nhà giáo, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ghi nhận, đây là sự quan tâm, chăm lo thiết thực cho các thầy, cô giáo. So với nhiều ngành nghề khác, thu nhập của giáo viên vẫn ở mức thấp, trong khi trách nhiệm lại nặng nề. “Nghề giáo là nghề đặc thù, giáo viên được ví như những kỹ sư tâm hồn. Trong khả năng có thể, tôi mong các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn cho ngành Giáo dục nói chung, thầy, cô giáo nói riêng”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Từ chính sách hỗ trợ của một số địa phương dành cho đội ngũ nhà giáo, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhìn nhận, nếu quyết tâm các địa phương hoàn toàn có thể bố trí nguồn lực, kinh phí để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ