Tiếp sức mùa Covid-19: Vươn lên trong gian khó

GD&TĐ - Đã, đang có rất nhiều ước mơ của sinh viên nghèo trở thành hiện thực. Trong hành trình đầy gian nan, thầy cô và các nhà hảo tâm đã “nắm chắc”, “đưa bàn tay” để các em chạm vào ước mơ vẫn hằng ấp ủ bấy lâu.

Phút ngẫu hứng của cô Nguyễn Thị Dung cùng học trò vùng cao. Ảnh: NVCC
Phút ngẫu hứng của cô Nguyễn Thị Dung cùng học trò vùng cao. Ảnh: NVCC

Bước ngoặt cuộc sống

“Lúc đó, mẹ cho em 150 nghìn đồng mang lên trường nhập học. Đó là chi phí đi lại, sinh hoạt, ăn ở ban đầu, vừa lên đến trường thì hết. Chưa chính thức vào học, em đã tính đến chuyện bỏ giữa chừng vì làm gì có tiền mà ở lại? Nhưng sau buổi “Gala chào mừng tân sinh viên” do trường tổ chức, em nhận được học bổng 700 nghìn đồng từ các nhà hảo tâm. Đó là số tiền lớn có thể giúp em duy trì thời gian dài theo học”, Nguyễn Thị Dung - cựu sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Điện Biên kể.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất biên giới huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên), Dung bước chân vào cánh cổng Trường CĐSP năm 2014 với biết bao ước mơ, hoài bão. Gia đình vốn đã chẳng khá giả gì, bố của Dung lại sớm “lầm đường, lạc lối” khiến gánh nặng về cơm áo, gạo tiền dồn cả lên đôi vai gầy của mẹ. Dù sức khỏe chẳng được như người bình thường, song bà vẫn gắng gượng làm việc kiếm thêm thu nhập ngoài đồng lương công nhân cầu đường ít ỏi để nuôi chị em Dung. Có nhiều lúc, Dung tuyệt vọng, quyết định từ bỏ giấc mơ làm cô giáo tiếng Anh, đi làm phụ mẹ, dành tiền nuôi em gái ăn học. Nhưng, mẹ không đồng ý với quyết định này.

Bước chân vào Trường CĐSP Điện Biên với kết quả thủ khoa ngành Sư phạm tiếng Anh, Dung mang theo biết bao dự định cùng lo toan về kinh tế. “700 nghìn đồng tiền hỗ trợ cùng những lời động viên của thầy cô đã tạo bước ngoặt cho cuộc đời cô gái bé bỏng này. Sau đó, em biết mỗi kỳ học, nhà trường sẽ đánh giá kết quả và trao học bổng cho những học sinh xuất sắc. Vậy là, em cứ lao vào học và học. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, em kiếm việc làm thêm. Khi đi làm gia sư, lúc bưng bê tại quán cà phê. Khoản tiền tuy không nhiều nhưng đủ tự nuôi mình và lo toan chuyện học hành”, Dung tâm sự.

Năm 2017, Dung ra trường và được điều động về giảng dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Ma Thì Hồ (xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà). Nhớ lại thời gian khó, Dung tâm sự: “700 nghìn đồng đó là số tiền vô cùng lớn với học trò nghèo, là động lực để bản thân phấn đấu. Từ câu chuyện của bản thân, tôi luôn dạy học sinh của mình nuôi dưỡng giấc mơ, cố gắng học tập để thoát nghèo, thoát khổ. Tôi tin chắc chắn rằng, tương lai tươi sáng đang chờ các em ở phía trước”, cô Dung bộc bạch.

Cô Nguyễn Thị Dung trong một lần tham gia hoạt động thiện nguyện. Ảnh: NVCC
Cô Nguyễn Thị Dung trong một lần tham gia hoạt động thiện nguyện. Ảnh: NVCC

Chạm vào ước mơ

Thầy Trần Thanh Bắc - Bí thư Đoàn Trường CĐSP Điện Biên - chia sẻ: “Đầu mỗi năm học, chúng tôi thường tổ chức buổi gala chào tân sinh viên. Trong đêm gala này, những học sinh tiêu biểu về thành tích học tập, sinh viên nghèo hiếu học sẽ được trao học bổng. Quỹ học bổng do nhà trường và đoàn trường kết nối với các nhà hảo tâm trao tặng. Từ sự nỗ lực của Ban giám hiệu Trường CĐSP Điện Biên và Đoàn trường, mỗi năm có khoảng 40 học sinh được khen thưởng, động viên”.

Mùa Thị Chanh – sinh viên ngành Giáo dục Sư phạm Mầm non, K21 là một trong những trường hợp đó. Nhìn vào bảng thành tích em đạt được ai cũng phải nể phục. Sinh ra trong gia đình nghèo ở xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo (Điện Biên), thiếu nữ người Mông này luôn nỗ lực không ngừng để được theo học, bởi đó là ước mơ em hằng ấp ủ.

“Năm đó, em được tặng thưởng 400 nghìn đồng. Em vui lắm, vì số tiền đó giúp em duy trì được kỳ học đầu tiên. Em đặt ra mục tiêu tiếp tục phấn đấu để được hỗ trợ trong học kỳ tiếp theo”, Chanh tâm sự.

Chanh là con thứ 3 trong gia đình 4 chị em. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bản thân ý thức rất sớm việc phải ra sức học tập, tự thân rèn luyện, phấn đấu và vươn lên để cuộc sống sau này được tốt hơn. Chanh kể: Bố mẹ không có tiền cho 4 chị em ăn học, những buổi chăn trâu trên nương, mỗi người phải mang cuốc để đào củ sâm mang về bán mới có tiền đi học.

Nhớ lại những ngày tháng gian khó, nên trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, việc học tập tốt luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Chanh đặt ra. Bởi thế, trong những năm học phổ thông cũng như thời gian học tại Trường CĐSP Điện Biên, Chanh đều được xếp loại giỏi.

Em còn là gương mặt luôn nằm trong “top” đầu về thành tích học tập của ngành và khoa, với các thành tích nổi bật, như: Danh hiệu Sinh viên Khá năm học 2018 – 2019, Sinh viên Giỏi năm học 2019 – 2020, đoạt giải Nhất Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm cấp khoa năm học 2020 – 2021.

Ngoài học tập, Mùa Thị Chanh còn khẳng định mình trong phong trào Đoàn và thanh niên tình nguyện với nhiều giấy khen: 5 giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường CĐSP Điện Biên, Bằng khen của Tỉnh đoàn Điện Biên…

Cô Phan Thị Thủy – giáo viên chủ nhiệm lớp K21MN1 - chia sẻ: Chanh siêng năng và thông minh, giờ học các bạn chơi đùa, nhưng em vẫn ở trong lớp để làm bài tập và nghiên cứu tài liệu, luôn chủ động trao đổi bài vở cùng giáo viên. Ngoài ra, em còn là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc.

Tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam, tuyên dương danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, “Sinh viên Sư phạm điển hình”, Mùa Thị Chanh là gương mặt tiêu biểu khi em đạt được cả 2 danh hiệu trên.

Sự học là vất vả, nhưng nếu không học càng vất vả hơn - đó là động lực luôn bên em mỗi ngày. Với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi sắp được nhận, em tin  rằng, mình sẽ sớm có công việc, có thu nhập tốt để giúp bố mẹ phần nào về kinh tế. Em sẽ tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ để lan tỏa đến học sinh của mình. - Mùa Thị Chanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ