Tiếp lửa vinh quang: 'Địa chỉ đỏ' hiện đại, xứng tầm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách trong nước và quốc tế.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách trong nước và quốc tế. Nơi đây trở thành "địa chỉ đỏ" ngày càng hiện đại, xứng tầm, đem lại những trải nghiệm hữu ích, hấp dẫn về truyền thống cách mạng của quân đội, dân tộc Việt Nam anh hùng.

Phục vụ du khách trong gần 70 năm qua tại 28A Điện Biên Phủ (Ba Đình, Hà Nội), từ tháng 11, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được chuyển đến Km 6+500 Đại lộ Thăng Long (Nam Từ Liêm).

Đã có không ít những lo ngại, băn khoăn, rằng từ vị trí vừa trung tâm thành phố vừa nằm trong Khu di tích Hoàng thành Thăng Long thuận tiện cho tour tham quan thì giờ ra ven đô, gần như tách biệt, độc lập, liệu có vắng khách?

Nhưng, ngay từ khi mở cửa ở “dinh cơ” mới, lượng khách đến tham quan bảo tàng đông gấp bội phần, thậm chí các phòng trưng bày ở tầng 1 có những lúc cao điểm chật kín người. Theo thống kê ban đầu, mỗi ngày bảo tàng đón hàng vạn lượt khách – đây không chỉ là con số kỷ lục ở Việt Nam, mà còn có thể sánh với những bảo tàng đông khách nhất thế giới như Louvre (Paris, Pháp), Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia (Mỹ)…

Đặc biệt, từ không gian ngoài trời đến trong nhà của bảo tàng luôn nhộn nhịp bao gương mặt trẻ, trong đó phần đông là các đoàn sinh viên, học sinh. Có thể thấy, bên cạnh sự thích thú, háo hức trước kiến trúc hiện đại, hoành tráng và không gian rộng lớn thì những câu chuyện, sự kiện lịch sử quân sự Việt Nam trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước được tái hiện qua hơn 150 nghìn hiện vật… có sức cuốn hút đặt biệt.

Nhóm học sinh nữ Trường Tiểu học Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) cầm theo cuốn sổ nhỏ vừa tham quan hiện vật vừa ghi chép. “Em và các bạn ghi lại các thông tin mà em thấy ấn tượng vừa để làm tư liệu vừa để lúc về nhà sẽ viết bài cảm nhận sau chuyến tham quan”, bạn Minh (lớp 5) cho biết.

tiep-lua-vinh-quang.jpg
Minh họa/INT

Bên cạnh hình thức trưng bày truyền thống, bảo tàng còn có nhiều cách kể chuyện sống động, hấp dẫn giới trẻ qua việc ứng dụng công nghệ như sa bàn 3D mapping, tài liệu media, mã QR và màn hình tra cứu thông tin, thuyết minh tự động, tích hợp video clip giới thiệu về các chiến dịch, trận đánh và nhân vật lịch sử…

Trong phòng chiếu phim tài liệu về cuộc kháng chiến chống Pháp, nhóm học sinh trật tự dõi theo từng hình ảnh, lắng nghe từng lời thuyết minh. Gặp hình ảnh lán Nà Nưa (Tân Trào), một bạn reo lên: “Nơi đây Bác Hồ ở và làm việc” rồi nghe lời giới thiệu là nơi Bác Hồ đã ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám giành chính quyền trong cả nước; là nơi Bác Hồ đã nói câu bất hủ: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”...

Bên phòng công nghệ sa bàn 3D kết hợp phim tài liệu tái hiện lại chiến dịch Điện Biên Phủ cũng được nhiều bạn trẻ chăm chú quan tâm. Bạn Tiến Minh (sinh viên Trường Đại học Thương mại Hà Nội) hào hứng chia sẻ: “Không phải ai cũng có đủ thời gian và sự kiên nhẫn để đọc, xem hết các hiện vật cũng như có khả năng tổng hợp tư liệu để hình dung đầy đủ về chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này.

Nhưng, khi được xem ứng dụng công nghệ 3D mapping kết hợp các thước phim tư liệu, tôi thấy thật dễ dàng hình dung về toàn bộ chiến dịch cũng như tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí của quân ta từ đó nhân lên biết bao niềm tự hào, biết ơn. Sau trải nghiệm hữu ích, hấp dẫn này, nếu ai có nhu cầu tìm hiểu sâu thêm thì tiếp tục đọc các tài liệu, tham quan hiện vật liên quan”.

tiep-lua-vinh-quang-1.jpg
Minh họa/INT

Cùng với đó, khu trưng bày ngoài trời, bên cạnh những khí tài, vũ khí ghi dấu chiến công của các trận đánh thắng lợi trong những cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc còn có tháp Chiến Thắng.

“Tòa tháp này để lại ấn tượng đặc biệt không chỉ vì thiết kế hiện đại mà còn bởi cách giải mã: Hình các ngôi sao 5 cánh xếp chồng lên nhau vươn đến độ cao 45m là để biểu đạt về Việt Nam giành độc lập năm 1945”, bạn Hà Anh (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) bày tỏ.

Với mục tiêu trở thành một thiết chế văn hóa đa năng, tổng hợp, tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và quốc gia; phản ánh toàn diện, sâu sắc lịch sử quân sự Việt Nam qua các thời đại, góp phần bảo tồn, phát huy tinh hoa di sản văn hóa quân sự của dân tộc, sang giai đoạn 2, bảo tàng tiếp tục triển khai trưng bày 8 chuyên đề, 7 sưu tập, 12 chuyên ngành quân sự; phục dựng công trình quân sự tiêu biểu; tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, không gian trải nghiệm ngoài trời; không gian sáng tạo; du lịch sinh thái; khu vui chơi trẻ em và khu dịch vụ cho khách tham quan.

“Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là công trình đặc biệt quan trọng của Quân đội Nhân dân Việt Nam và của quốc gia. Công trình được đưa vào hoạt động, đón khách tham quan đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân rất có ý nghĩa về giáo dục lịch sử, cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan, hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế. Kịch bản trưng bày công phu, hiện đại, nội dung phong phú, sinh động đem lại hiệu quả lớn trong công tác tuyên truyền. Cán bộ, đảng viên, nhân dân, bạn bè quốc tế có điều kiện tìm hiểu, học tập, nghiên cứu, hiểu sâu sắc hơn về đường lối, nghệ thuật quân sự Việt Nam, về lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc”. Trích dẫn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm khi đến tham quan và làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.