Tiếng học bài giữa ngàn xanh

GD&TĐ - Giữa thâm u của đại ngàn biên giới, hàng ngày vẫn ngân nga tiếng ê a đọc bài của con trẻ. Những chuyến xe hàng tuần đưa đón học sinh đi - về trên con đường gập ghềnh đá núi. Những buổi đến trường từ lúc 3 giờ sáng giữa cơn mưa rừng xối xả… Đó là những câu chuyện đầy cảm động trên bước đường thắp sáng ngọn lửa tri thức đầy gian nan của thầy và trò ở những ngôi làng công nhân vùng biên xa ngái huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum…

Cô giáo Hương với các cháu lớp học mầm non
Cô giáo Hương với các cháu lớp học mầm non

Đi học lúc 3 giờ sáng

Mặt trời quá đỉnh đầu, chúng tôi mới đến được điểm trường mầm non của Đội 1 (Chi nhánh 716- Binh đoàn 15). Mới tới cổng trường, tôi đã nghe tiếng râm ran đánh vần của con trẻ. Lòng tôi bỗng dịu hẳn lại, mọi mệt nhọc trên chặng đường dài đều tan biến .

Đây chính là 1/12 điểm trường mầm non do Chi nhánh 716 tạo lập để đón nhận, nuôi dạy các con em của các gia đình công nhân của Chi nhánh.

Để thành lập được những điểm trường này, Chi nhánh 716 đầu tư hàng trăm triệu đồng từ xây dựng cơ sở vật chất, tuyển chọn giáo viên mầm non trẻ mới ra trường chưa tìm được việc làm vào hợp đồng dài hạn, được hưởng mọi chế độ từ lương, trợ cấp, bảo hiểm… như những công nhân của Chi nhánh.

Là trường mầm non nhưng thực ra những ngôi trường này chính là những mái ấm gia đình thật sự. Các cô giáo ở đây không chỉ dạy các cháu mầm non theo tiêu chuẩn và quy định của ngành giáo dục, mà các cô còn “kiêm nhiệm” thêm nhiệm vụ trông trẻ.

Ở điểm trường của Đội 1 này có 32 cháu có độ tuổi từ 9 tháng tuổi đến 5 tuổi thì đã có hơn chục cháu có độ tuổi từ 9 tháng đến 12 tháng, được 3 cô “bảo mẫu” thay nhau trông giữ; lớp mầm non do một cô giáo đảm trách dạy dỗ.

Giờ ôn bài tại khu tập thể

Giờ ôn bài tại khu tập thể

Ngoài giờ ở lớp, tranh thủ các giờ nghỉ trưa hay lúc các cháu đang ngủ, các cô còn thay nhau trồng và chăm sóc các loại rau xanh để có nguồn rau sạch phục vụ bữa ăn cho các cháu hàng ngày.

Mỗi ngày các cô đều lên thực đơn, khẩu phần ăn khác nhau, đảm bảo cho các cháu đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm…

Tốt nghiệp đại học ở tỉnh Thanh Hóa, năm 2012, cô giáo Đỗ Thị Hương (29 tuổi), tình nguyện vào vùng đất khó này làm công tác giảng dạy. Bám trụ ở đây gần 6 năm, cô giáo Hương cũng quen dần với nắng gió khắc nghiệt vùng biên ải.

Những vất vả của đời thường, mưa nắng biên thùy, những đêm dậy sớm cùng trẻ đến trường, không làm phai nhạt nước da mịn màng của người con gái xứ Thanh.

Khi được hỏi đến chuyện nghề, chuyện đời tư, cô giáo trẻ giàu nghị lực này tâm sự: “Nghề dạy trẻ mầm non vất vả lắm anh ạ. Tuy là dạy lớp mầm non, nhưng mỗi khi nhà trẻ sát bên có cháu khóc, khó dỗ dành thì em cũng tạm thời bỏ lớp sang giúp một tay. Các cháu lần đầu đến trường, chưa quen xa bố mẹ nên hay khóc quấy lắm. Có cháu phải một thời gian dài mới quen các cô được…”

Qua tìm hiểu, cô giáo Hương cũng đã lập gia đình. Chồng cô cũng là công nhân của Chi nhánh 716, đang công tác tại trạm xá của đơn vị.

Cô giáo Hương cũng có đứa con 9 tháng tuổi, là “thành viên” của nhà trẻ kế bên. Nên thi thoảng, cô cũng phải tranh thủ sang lớp bên cạnh dỗ dành con.

Nghề cạo mủ cao su là một công việc khó nhọc. Mủ cao su phải được cạo trong khoảng thời gian sớm tinh mơ thì chất lượng mủ mới tốt và sản lượng mới cao.

Chính vì vậy, những công nhân cạo mủ phải dậy từ 3 giờ sáng để ra vườn. Vì thế, con em họ cũng phải đánh thức vào lúc này để đến lớp mầm non và nhà trẻ. Các cô giáo cũng phải đến lớp vào lúc này để nhận trẻ cho đến khi chiều muộn bố mẹ mới đón về.

Cô giáo Hương cho biết thêm: Như bao phụ huynh khác, mỗi khi đến trường dạy học, em phải đem theo đứa con 9 tháng tuổi từ lúc 3 giờ sáng để gửi nó vào nhà trẻ kế bên. Nhiều lúc con đang ngủ say, phải ẵm nó đưa đi nhà trẻ, tội nghiệp lắm.

Những ngày thời tiết thuận lợi thì không nói gì, nhưng những hôm mưa dầm, gió bão, những đêm trời trở rét, đưa con đến trường mà thật xót xa. Nhưng công việc thì đâu có thể ở nhà được, vì mình ở nhà thì ai trông, dạy các cháu khác…

Lớp học nội trú

Do đặc thù 12 làng công nhân của Chi nhánh 716 được phân bố theo vùng sản xuất, nên khoảng cách đi lại giữa các làng, đội sản xuất để đến trường tiểu học tại xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai) cũng khá xa.

Làng gần nhất cũng khoảng 12km, làng xa hơn phải đến 45km, nên ước mơ được học tiểu học của các em học sinh xem ra cũng lắm gian truân.

Quyết không để các em học sinh phải chịu thiệt thòi trên con đường đi tìm tri thức, khi được thành lập vào năm 2014, Chi nhánh 716 đã chủ động đầu tư 300 triệu đồng để xây dựng 6 phòng ở nội trú cho 146 em học sinh đang theo học từ lớp 1 đến lớp 5 tại trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (xã Ia Đal).

Ngoài giáo viên đứng lớp, đơn vị còn bố trí 1 y tá, 3 quản lý làm nhiệm vụ nấu ăn, chăm sóc các em học sinh ở nội trú, được hưởng lương theo chế độ công nhân của Chi nhánh.

Trong số các em đang theo học tại ngôi trường này, có 30 em học sinh ở bán trú, có khoảng cách từ nhà đến trường khoảng 12km, nên chiều tối bố mẹ các em đón về bằng xe máy, sáng hôm sau lại đưa đến trường... Chuyện đưa đón ấy vẫn diễn ra đều đặn, từ ngày này sang ngày khác, bất chấp nắng gió cháy da người hay những cơn mưa rừng cuồng nộ...

Anh Hà Văn Dần - công nhân Đội 6 cho biết: Nhà tôi có 2 cháu đều học tiểu học ở trường Tô Vĩnh Diện, nhà cách trường khoảng 15km.

Mấy năm trước cũng cho cháu ở lại nội trú, nhưng thương các cháu ở không quen, nhớ nhà nên năm nay vợ chồng tôi quyết định cho cháu bán trú, sáng chở đi, chiều chở về. Tuy vất vả tí nhưng đỡ nhớ con...

Chuyện các em học sinh bán trú là thế, số còn lại các em đều ở nội trú, ăn ở như những “chú lính” thật sự. Buổi sáng, thức dậy các em được các cô y tá, quản lý hướng dẫn vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi đến lớp.

Trưa về đã có cơm lành, canh ngọt được dọn sẵn, các em chỉ việc ăn uống và ngủ trưa. Chiều đúng giờ thức dậy đến lớp..., tối ngủ tập thể trên chiếc giường cá nhân. Chiều thứ 6 các em được gia đình đưa về nhà, để rồi sáng thứ hai lại được đón đến trường.

Cô Trương Thị Thanh - y tá phụ trách ở khu nội trú cho biết: “Các em học sinh ở lại nội trú được chăm sóc rất chu đáo, từ khâu ăn uống hợp vệ sinh đến thăm khám sức khỏe hàng ngày. Các em được quản lý rất tốt, ăn, ngủ, học hành và ôn bài đúng giờ giấc.

Những em nào có triệu chứng đau ốm, được kịp thời khám và điều trị ngay... Những em mới vào nội trú ban đầu chưa quen, cũng hay nhớ nhà và khóc, nhưng một thời gian sau, các em cũng quen dần và theo học có nề nếp...

Bữa ăn nội trú

Bữa ăn nội trú

Với mức tiền 500 ngàn đồng/tháng/em, từ hỗ trợ một phần theo chế độ nhà nước, hỗ trợ của Chi nhánh 716 và gia đình các em, bữa ăn ở đây đầy đủ dinh dưỡng, đa dạng các món và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể của xã, quân y Chi nhánh 716 với y tế địa phương trong việc chăm sóc sức khỏe các em được thường xuyên quan tâm chú trọng.

Các em được thực hiện tiêm chủng, uống vitamin A, phòng chống dịch bệnh như tay, chân, miệng, bệnh sốt xuất huyết, thủy đậu, bệnh sởi và bệnh đau mắt đỏ, phòng chống suy dinh dưỡng đảm bảo yêu cầu, đúng quy định.

Các chi phí về thuốc men, khám chữa bệnh... được Chi nhánh 716 hỗ trợ miễn phí hoàn toàn, với mục tiêu tạo điều kiện có thể tốt nhất cho các em học sinh an tâm học hành và vui chơi, phát triển đảm bảo về thể chất và tinh thần...

Thượng tá Hoàng Đức Tỏa - Bí thư Đảng ủy Chi nhánh 716 cho biết: Hiện nay đối với đội ngũ cán bộ quản lý ngành mầm non của đơn vị cơ bản ổn định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy, Ban giám đốc Chi nhánh.

Hàng năm tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn công tác chuyên môn do Tổng cục chính trị, Binh đoàn 15 và phòng Giáo dục huyện Ia H’Drai tổ chức; đơn vị cử 1 giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý tại Hà Nội; tạo điều kiện cho 13 giáo viên tham gia học lớp Trung cấp Mầm non tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Đức Cơ - Gia Lai, nhằm phục vụ tốt cho công tác giáo dục mầm non của đơn vị.

Rời vùng biên huyện Ia H’Drai trong nắng chiều muộn, từng dải nắng nhạt dần trên những lô cao su xanh ngắt, lòng tôi cứ man mác một niềm lưu luyến khi nhìn các cô giáo trẻ vẫy tay chào tạm biệt.

Chỉ chốc nữa thôi tôi lại về với phố thị nhộn nhịp, rực rỡ ánh đèn. Còn các cô giáo, các em học sinh phải ở lại nơi đại ngàn xanh thẳm, chấp nhận những thiệt thòi gian khó với bao lo toan trong cuộc sống hàng ngày.

Họ cũng chính là nhưng “thanh niên xung phong” đang cần mẫn giữ cho ngọn lửa tri thức luôn bùng cháy và tỏa sáng trên vùng biên heo hút.

Thăm khám bệnh cho các em

Thăm khám bệnh cho các em

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...