Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: N.N |
Theo ông Michael. W. Michalak, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, tại Hội thảo này, thông qua việc đưa một số lượng lớn các nhà giáo dục Mỹ và Việt Nam lại với nhau trong 2 ngày thảo luận sẽ giúp tiến tới các mục tiêu chủ chốt đã được Nhóm chuyên trách giáo dục Hoa Kỳ – Việt Nam xác định mà trước hết là giúp tiến tới mục tiêu thành lập các trường kiểu Mỹ ở Việt Nam. Hội thảo cũng sẽ giúp cải thiện giáo dục đại học Việt Nam thông qua việc giúp các trường ĐH Mỹ và Việt Nam gặp gỡ và thảo luận; thông qua các tham luận về cách thức mà các tập đoàn và doanh nghiệp có thể làm để cải thiện các giáo trình, đào tạo đội ngũ giáo viên, tài trợ học bổng, tạo cơ hội thực tập và tổ chức các hội chợ việc làm; thông qua các tham luận và thảo luận tập trung vào cách Hoa Kỳ giúp nâng cao trình độ tiếng Anh trong giáo dục đại học của Việt Nam. Ông Michael. W. Michalak cũng cho rằng, Hội thảo này cũng có thể giúp tăng số sinh viên Việt Nam học tập ở Mỹ.
Điều quan trọng mà ông Michael. W. Michalak thông tin là Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam trong việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Đồng thời, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực của Bộ GD&ĐT thành lập một trường đại học kiểu Mỹ và sẽ làm hết khả năng giúp Bộ tuyển dụng các nhà quản lý, đội ngũ giáo viên Mỹ và tìm kiếm nguồn tài chính đầy đủ, với điều kiện Bộ GD&ĐT để các trường có sự tự chủ.
Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: N.N |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng TT Phạm Vũ Luận cho biết, năm 2010 là năm mở đầu thực hiện đổi mới về chất quản lý giáo dục đại học trong 3 năm 2010-2012, làm tiền đề cho đổi mới toàn diện giáo dục đại học Việt Nam những năm tiếp theo. Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam trong những năm qua đã cung cấp hàng triệu nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học, hàng vạn lao động có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho đất nước. Năng lực đào tạo tăng hơn 3 lần; hệ thống cơ sở đào tạo đại học đã phủ gần kín cả nước (62/63 tỉnh, thành phố); đầu tư của nhà nước cho giáo dục đại học tăng nhanh, cơ chế tài chính cho giáo dục đại học đã bắt đầu được đổi mới; nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục đại học cũng tăng nhanh; đã bắt đầu hình thành hệ thống quản lý chất lượng giáo dục đại học trong cả nước và cơ chế nhà nước, nhà trường và người dân giám sát chất lượng giáo dục và đầu tư cho giáo dục; quan hệ quốc tế phát triển tương đổi nhanh cả cấp quốc gia và cấp trường.
Cũng theo Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận, Bộ GD&ĐT đã có chương trình hành động về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 với 12 nội dung chính: Tổ chức thảo luận trong toàn ngành và xã hội “Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo”; rà soát lại chỉ tiêu phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2010-2020; hoàn thiện và triển khai thực hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo đục đại học; đổi mới quản lý trong cơ quan Bộ GD&ĐT; phân công, phân cấp quản lý các trường đại học, cao đẳng; đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội; quy hoạch xây dựng các đại học trong các tỉnh, các khu đại học tập trung, quy hoạch và xây dựng KTX sinh viên; nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục đại học; đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; đổi mới quản lý và triển khai nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Hội thảo sẽ diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/1 với hơn 20 phiên họp. Đây là hội thảo thường niên lần thứ 3 do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam chủ trì nhằm thúc đẩy hợp tác hai nước Việt Nam – Mỹ trong lĩnh vực giáo dục.
Hiếu Nguyễn