Tiến sĩ làm việc ở Google truyền cảm hứng cho tân cử nhân

GD&TĐ - TS Lê Viết Quốc, nhà khoa học ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm việc tại Google diễn thuyết tại lễ tốt nghiệp Trường ĐH Fulbright Việt Nam.

TS Lê Viết Quốc nói chuyện tại lễ tốt nghiệp cử nhân ở Trường ĐH Fulbright Việt Nam, ngày 24/6. Ảnh: FUV
TS Lê Viết Quốc nói chuyện tại lễ tốt nghiệp cử nhân ở Trường ĐH Fulbright Việt Nam, ngày 24/6. Ảnh: FUV

TS Lê Viết Quốc, 41 tuổi, được đánh giá là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về AI tại dự án Google Brain. Ông có bài diễn thuyết tại lễ tốt nghiệp khóa cử nhân đầu tiên của Trường ĐH Fulbright Việt Nam (FUV) ngày 24/6.

Từng bị loại khỏi lớp chuyên Toán

“Khi tôi còn là một đứa trẻ, ước mơ của cha tôi là tôi học hết cấp ba, điều mà ông từng không thể hoàn thành. Và rằng, tôi phải có tấm bằng đại học”, TS Lê Viết Quốc kể.

TS Quốc nhìn nhận bản thân rất may mắn trong quá trình học tập với một số thành tích vượt xa mong đợi của gia đình: Tốt nghiệp trung học ở chính ngôi trường mà bố còn dang dở; hoàn thành bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford. Hiện tại, ông đang làm việc tại Google nhằm thúc đẩy những bước phát triển tiên tiến nhất về AI.

Được đánh giá là một học sinh xuất chúng của Trường Quốc học Huế, song TS Lê Viết Quốc cũng trải qua không ít khó khăn và thất bại.

“Tôi từng bị loại khỏi lớp chuyên Toán ở trường Quốc học Huế, trượt kỳ thi tiếng Anh đầu tiên để đủ điều kiện vào một trường đại học Úc. Trường đại học mà tôi theo học hóa ra không phải là trường tốt nhất trong lĩnh vực mà tôi quan tâm. Dự án đầu tiên tôi thực hiện tại Đại học Stanford thất bại đến mức tôi suýt bỏ dở bằng tiến sĩ. Hai dự án đầu tiên của tôi tại Google cũng nếm mùi thất bại”, ông nói.

TS Lê Viết Quốc kể về chuyện học tập thời phổ thông. Ảnh: Mạnh Tùng

TS Lê Viết Quốc kể về chuyện học tập thời phổ thông. Ảnh: Mạnh Tùng

Liên tiếp nhận thất bại, nhưng TS Quốc tự nhủ, mình vẫn may mắn hơn nhiều thế hệ đi trước. Rằng, bản thân được sinh ra trong thời bình, chưa bao giờ phải choàng tỉnh giữa đêm bởi tiếng súng và bom đạn, không phải chật vật mưu sinh để lo toan cho gia đình.

Cảm giác may mắn và lạc quan ấy tiếp thêm cho ông sức mạnh và lòng can đảm để theo đuổi những dự án đầy tham vọng, bất chấp mọi gian nan, thất bại.

“Khi kể cho bạn nghe câu chuyện về việc hoàn thành những giấc mơ còn dang dở, tôi muốn mang đến cho bạn cảm hứng lạc quan về tương lai. Dẫu rằng thế giới đã và đang chứng kiến nhiều thách thức khôn lường trong vài năm trở lại đây. Và chắc chắn chúng ta sẽ còn phải đối mặt và vượt qua nhiều thách thức nữa trong tương lai gần”, nhà khoa học nhắn nhủ với các tân cử nhân FUV.

AI khó thay thế người thầy

Tiếp theo bài nói chuyện, TS Lê Viết Quốc kể về hành trình đến với AI, cùng với đó là phản tư về cách AI sẽ tác động đến thế giới.

TS Quốc chia sẻ: Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi nhìn thấy bức ảnh Neil Armstrong đặt bước chân đầu tiên trên mặt trăng. Đó là bức ảnh khiến tôi kinh ngạc - bởi đây thành tựu kỳ vĩ của nhân loại. Tôi tự hỏi, tại sao loài người lại có thể đặt chân đến mặt trăng?

Sau đó, ông nhận ra rằng, con người có thể đến được mặt trăng chính nhờ trí thông minh. Loài người thông minh đến mức có thể chế tạo máy móc đưa con người lên mặt trăng. Khi ấy, ông bắt đầu mơ ước chế tạo những cỗ máy thông minh, là tiền đề tạo ra những phát minh mới phát triển trên cấp số nhân và là nền tảng giúp thúc đẩy tiến trình đi lên của nhân loại.

Khi đó, chính ông cũng không ngờ được rằng lĩnh vực nghiên cứu ước mơ của bản thân trở thành hiện, được biết đến với tên gọi Trí tuệ nhân tạo.

“Chính giấc mơ đó đã đưa tôi rời quê hương Huế để dấn thân vào hành trình nghiên cứu và phát triển AI. Hiện tại, dẫn đã làm việc trong lĩnh vực này hơn 20 năm, AI luôn đem lại cho tôi nguồn cảm hứng bất tận, rằng công nghệ này sở hữu tiềm năng thay đổi thế giới theo chiều hướng tốt đẹp và bền vững hơn”, TS Quốc nói.

TS Lê Viết Quốc kể về hành trình đến với lĩnh vực AI. Ảnh: Mạnh Tùng

TS Lê Viết Quốc kể về hành trình đến với lĩnh vực AI. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông nêu ra nhiều tiềm năng của Al như: Chẩn đoán bệnh chính xác và hiệu quả hơn; được sử dụng để đánh giá hình ảnh nhằm phát hiện sớm các bệnh như ung thư.

AI cũng có thể tạo ra các hình thức nghệ thuật và giải trí mới hấp dẫn và cuốn hút hơn; đem lại cơ hội lớn cho các doanh nhân, các nhà phát triển, quản lý và hoạt động văn hóa đem lại những sản phẩm giải trí - văn hóa - nghệ thuật mới.

AI cũng giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất của thế giới, chẳng hạn như nghèo đói và biến đổi khí hậu; có thể giúp nông dân ứng phó những thay đổi nhanh chóng trong hệ sinh thái nông nghiệp.

Với những sức mạnh kể trên, AI chắc chắn sẽ có những ứng dụng đáng mong đợi trong lĩnh vực giáo dục. AI được sử dụng để cung cấp các giải pháp học tập mang tính cá nhân hóa cho học sinh; giúp học sinh ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận các cơ hội giáo dục.

Tuy vậy, TS Quốc cho rằng, AI khó có thể thay thế được vai trò của người thầy; đồng thời không thể giúp học sinh, sinh viên giảm bớt gánh nặng học tập hoặc khi viết luận văn, nghiên cứu.

“Hãy tin tôi đi. Tôi đã thử yêu cầu ChatGPT viết bài diễn văn tốt nghiệp này, và kết quả là... tôi vẫn phải vận dụng câu chữ, từ ngữ của riêng mình”, TS Quốc nêu ví dụ.

Tân cử nhân Trường ĐH Fulbright Việt Nam khóa 2023. Ảnh: Mạnh Tùng

Tân cử nhân Trường ĐH Fulbright Việt Nam khóa 2023. Ảnh: Mạnh Tùng

Dù vậy, nhà khoa học này cảnh báo, Al sẽ tạo ra nhiều thách thức trong xã hội, khiến con người phải đối mặt với những xáo trộn đột ngột và khôn lường hơn bởi tốc độ phát triển thần tốc của công nghệ và AI.

“Câu hỏi AI tốt hay xấu, hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người trong chúng ta đang có mặt tại đây. Tôi tin chắc rằng các bạn có đủ trí tuệ, kỹ năng, tầm nhìn và tâm thế vững vàng khi đối mặt trước những thách thức mà AI đặt ra”, TS Quốc nhấn mạnh.

Năm 2014, TS Lê Viết Quốc được Tạp chí Technology Review của MIT vinh danh là một trong những nhà phát minh dưới 35 tuổi xuất sắc nhất thế giới. Nghiên cứu của ông cũng nhận được hàng loạt giải thưởng tại các hội nghị quốc tế về trí tuệ nhân tạo và được giới thiệu trên New York Times.

TS Quốc là thành viên Hội đồng Tín thác Trường ĐH Fulbright Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.