Men theo tuyến quốc lộ 1A và quốc lộ 54 thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long, có thể thấy chạy dọc tuyến đường đã có rất nhiều địa điểm bán thanh trà trông rất bắt mắt và đông đúc.
Sau bưởi năm roi, thì thanh trà là loại quả thứ 2 hiếm hoi mang lại năng suất cao cho nông dân tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Đây Là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và tiềm năng lớn, cây thanh trà ngọt tại TX Bình Minh được khuyến khích mở rộng diện tích để phát triển vùng nguyên liệu cũng như góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân.
Trong đó, HTX Thanh trà ngọt Đông Thành (ấp Đông Hòa 2, xã Đông Thành, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) là địa chỉ cung ứng trái, cây giống tin cậy của nhiều nhà vườn.
Đến Bình Minh nhớ đến thanh trà
Nhắc đến TX Bình Minh, ngoài đặc sản bưởi năm roi ở xã Mỹ Hòa thì giờ đây thanh trà của Đông Thành cũng được nhiều người biết đến bởi chất lượng đã được khẳng định. Hiện toàn TX Bình Minh có khoảng 27ha trồng thanh trà, có 2 loại là thanh trà ngọt và thanh trà chua. Từ sau Tết Nguyên đán, thanh trà bắt đầu vào mùa.
Thanh trà chua đầu mùa được thu mua từ 40.000- 60.000 đ/kg. Còn thanh trà ngọt chỉ mới phát triển trồng trong vài năm gần đây, diện tích ít, nên giá ở mức khá cao, từ 120.000- 130.000 đ/kg nhưng nguồn cung không nhiều nên không đủ cầu. Với mức giá này, người trồng thanh trà có lợi nhuận khá.
Theo ông Huỳnh Văn Cập, Giám đốc HTX Thanh trà ngọt Đông Thành, hiện nay thanh trà có nhiều loại, trong đó thanh trà ngọt được thị trường ưa chuộng nhất vì năng suất không thua kém các loại khác nhưng giá cả cao hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, giống thanh trà ngọt trước đây trái nhỏ, hay bỏ vụ nên không cho năng suất cao và còn khó trồng so với thanh trà chua nên mỗi nhà chỉ trồng chừng vài cây.
Song, nhận thấy tiềm năng lớn của trái thanh trà ngọt, chú Cập đã cất công đi nhiều nơi sưu tầm các giống thanh trà ngọt khác nhau với quyết tâm tìm ra giống thanh trà ngọt cho trái chất lượng ngon nhất, có giá trị kinh tế cao.
Ông Huỳnh Văn Cập một trong những nông hộ trồng thanh trà lâu năm tại Vĩnh long. |
Mất hơn 10 năm trồng thử nghiệm qua nhiều loại giống, sau cùng công sức của chú Cập cũng được đền đáp khi tìm ra và nhân lên thành công giống thanh trà ngọt có chất lượng cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.
“So với thanh trà ngọt truyền thống, ngoài ưu điểm trái to, hạt nhỏ, cơm dày, vị ngọt thanh và thơm hơn, giống thanh trà ngọt này không kén đất, dễ đậu trái, không cần phân thuốc nhiều. Ba năm đầu, mỗi cây cho khoảng 5kg trái. Sau đó, mỗi năm sản lượng tăng dần. Bắt đầu từ năm thứ 9, mỗi cây cho ra tới 50- 70kg trái.
Đặc biệt, mỗi năm cho một vụ đều đặn chứ không bỏ vụ như các giống thanh trà ngọt khác”- ông Cập chia sẻ. Nhờ được chú tư vấn kỹ, nhiều người trồng theo và đã tạo ra nguồn thu nhập đáng kể.
Qua nhiều năm trồng và nhân giống loại thanh trà ngọt này, ông Cập quyết định đặt tên cho “đứa con tinh thần” của mình là thanh trà ngọt Năm Cập. Đến nay, đây là thương hiệu duy nhất trên thị trường được kiểm định và đăng ký bảo hộ cây giống nên chất lượng đầu ra luôn được đảm bảo.
Theo nhiều nông dân đã trồng thanh trà lâu năm ở nơi đây thì cây thanh trà cho trái ba đợt, đợt đầu tiên bắt đầu từ tháng Giêng âm lịch sau Tết Nguyên đán, kế đó sẽ thu hoạch liên tiếp thêm hai đợt nữa.
Cây thanh trà có thể trồng bằng hạt nhưng thời gian cho trái lên đến khoảng 10 năm, nhưng nếu sử dụng kỹ thuật chiết cành thì cây trồng tầm khoảng 3 đến 5 năm sẽ cho ra trái, cây muốn trái nhiều, đạt năng suất cao thì tuổi thọ cây phải cao từ 20 đến 25 năm, tuổi thọ cây càng cao thì cho trái càng nhiều.
Một số người dân ở nơi đây cho biết, đã có một số địa phương khác trồng loại cây thanh trà này, nhưng do không hợp thổ nhưỡng nên khi thu hoạch thì vỏ trái thanh trà không được bóng và tròn, vị sẽ chua hơn so với khi trồng tại Bình Minh. Trái thanh trà trông như quả xoài thu nhỏ, kích thước cỡ chừng bằng quả trứng gà nằm gọn trong lòng bàn tay.
Khi còn non, loại trái này khoác lên mình lớp vỏ màu xanh mướt, đến khi chín lớp vỏ dần chuyển sang màu vàng căng bóng và óng ánh, thanh trà là loại trái cây dân dã của Miền Tây sông nước nhưng lại mang một nét quyến rũ và kiêu sa thật lạ kỳ bởi cái hương thơm thoang thoảng mang một nét đặc trưng không thể nhầm lẫn, cùng với cái vị ngọt thanh xen vào đó là một chút vị chua chua, rất thích hợp để giải nhiệt vào những ngày mùa nắng nóng.
Trái thanh trà từng bước đi xa
Hiện HTX Thanh trà ngọt Đông Thành có hơn 10 thành viên với khoảng 10ha trồng loại cây này. HTX vừa cung ứng trái (khi vào mùa sản lượng cung ứng cho thị trường khoảng 2 tấn/vụ/năm) và cây giống với giá từ 150.000- 250.000 đ/cây. Mỗi năm HTX cung ứng cho thị trường khoảng 7.000- 8.000 cây giống.
Vừa mua 2 cây giống thanh trà ngọt, anh Nguyễn Thanh Trung (xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) cho hay: “Tôi có ăn thử giống thanh trà ngọt này và cảm thấy rất ngon, vị ngọt, thơm, không chua như loại thanh trà khác nên mua về trồng thử. Cây giống có mã code nên cũng yên tâm về nguồn gốc”.
Toàn thị xã Bình Minh có khoảng 15ha trồng thanh trà ngọt xen trong vườn, sản lượng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. |
Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Cập cho biết, thời gian gần đây có nhiều giống thanh trà chưa được kiểm chứng chất lượng bán trôi nổi trên thị trường, thậm chí còn tùy tiện lấy hình ảnh của HTX sử dụng. Trong khi đó, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường người mua khó có thể phân biệt được đâu là giống thanh trà ngọt chính gốc.
Điều này khiến họ nhầm lẫn, ảnh hưởng lớn đến uy tín cũng như thương hiệu của sản phẩm. Từ đó, HTX triển khai việc gắn tem truy xuất nguồn gốc trên cây giống để đảm bảo người mua chọn lựa đúng giống thanh trà ngọt Năm Cập.
Theo Phòng Kinh tế TX Bình Minh, cây giống thanh trà Năm Cập chính gốc đều có đính kèm mã quét QR code truy xuất nguồn gốc, chỉ cần dùng điện thoại quét mã thì thông tin cây giống sẽ xuất hiện trên hệ thống truy xuất. Để tránh việc mua phải hàng trôi nổi, nhà vườn nên liên hệ trực tiếp với HTX Thanh trà ngọt Đông Thành để mua được cây giống đúng nguồn gốc và chất lượng tốt nhất.
Ông Lê Thanh Thuận - Trưởng Phòng Kinh tế Thị xã Bình Minh cho biết: Hiện phòng kinh tế cũng đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu thanh trà ngọt; tham gia đánh giá OCOP cho sản phẩm; hỗ trợ công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng thanh trà ngọt; hỗ trợ quy trình sản xuất đảm bảo năng suất, chất lượng đồng đều. Toàn thị xã có khoảng 15ha trồng thanh trà ngọt xen trong vườn, sản lượng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, giống thanh trà ngọt giống mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Địa phương cũng đang từng bước hỗ trợ nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời, mời gọi doanh nghiệp tham gia chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị cạnh tranh cho thanh trà.
Thời gian tới, phòng sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phân biệt các giống thanh trà, đảm bảo người dân trồng đúng loại chất lượng, đồng thời khuyến khích người dân trồng theo hướng an toàn hữu cơ, HTX thực hiện bao bì, nhãn mác, có thương hiệu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.