Thương vụ Mobifone mua AVG: Hệ thống cấp phó tại Mobifone làm liều như thế nào?

GD&TĐ - Kết quả điều tra cho thấy, ngoài số tiền đưa, nhận hối lộ hàng triệu USD trong vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG còn là câu chuyện các lãnh đạo cấp cao tại Mobifone “nhắm mắt” làm liều khi nhận được sự chỉ đạo từ cấp trên. 

Cảnh sát khám nhà ông Son tại Lý Nam Đế (nguồn ảnh: Báo Tiền Phong)
Cảnh sát khám nhà ông Son tại Lý Nam Đế (nguồn ảnh: Báo Tiền Phong)

Người không có chuyên môn về tài chính, không biết cách tính giá trị doanh nghiệp cũng ký vào báo cáo đánh giá, xác định giá trị doanh nghiệp. Tất cả những việc đó là chỉ để phục vụ cho sự chỉ đạo, mục đích của cấp trên.

Không có chuyên môn vẫn thẩm định

Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) được thành lập ngày 15/8/2008. Đăng ký kinh doanh do Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương cấp. Vốn điều lệ khi thành lập là 300 tỉ đồng.

Theo xác định của cơ quan điều tra, tại thời điểm 31/12/2014 AVG có vốn là 2.150 tỉ đồng; Tại thời điểm thẩm định giá trị doanh nghiệp ngày 31/3/2015 là 3.628 tỉ đồng. Trong số tiền trên có: Công ty Cổ phần viễn thông và Truyền thông An Viên nắm giữ 391,3 tỉ đồng, chiếm 10,78%; Công ty TNHH Giải pháp tích hợp công nghệ cao năm giữ hơn 110 tỉ đồng; Các cổ đông là cá nhân nắm giữ hơn 3.126 tỉ đồng. Trong số cổ đông cá nhân này thì Phạm Nhật Vũ nắm giữ hơn 2.013 tỉ đồng, bà Hoàng Thanh Hằng hơn 574 tỉ đồng, Phạm Thu Trang hơn 98 tỉ đồng, Nguyễn Duy Thái Dương hơn 85 tỉ đồng…

Thực hiện chỉ đạo của Lê Nam Trà - Chủ tịch HĐTV Mobifone, ngày 10/3/2015 Nguyễn Bảo Long - Phó Tổng Giám đốc Mobifone ký văn bản số 835 trình Bộ TT-TT xin phê duyệt bản ghi nhớ việc mua cổ phần/cổ phiếu của AVG.

Rất nhanh sau đó, thừa lệnh của Nguyễn Bắc Son, Phạm Đình Trọng là Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ TT&TT ký Văn bản số 59 đồng ý về nguyên tắc việc Mobifone ký bản ghi nhớ việc mua cổ phần của AVG.

Ở giai đoạn đánh giá giá trị của AVG cho thương vụ mua bán, Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc của Mobifone được đưa vào vòng xoáy của cuộc chơi. Ông Hùng tham gia vào đàm phán giá mua nhưng bản thân không có chuyên môn về tài chính, không biết cách tính giá trị doanh nghiệp.

Nguyễn Mạnh Hùng được phân công là Tổ trưởng tổ đánh giá kinh doanh truyền hình. Ông Hùng được xác định cùng các thành viên trong tổ này ký báo cáo số 66 đánh giá về tính khả thi và các điều kiện liên quan đến kinh doanh truyền hình số và báo cáo số 67 (tháng 8/2015) đánh giá báo cáo tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp AVG của AMAX (lúc này giá trị của AVG đã được thổi phồng lên hơn 8.000 tỉ đồng, mặc dù tình trạng kinh doanh của AVG là bết bát, thua lỗ, giá trị chỉ còn khoảng 2.000 tỉ đồng).

Nguyễn Mạnh Hùng cũng xác định phương án kinh doanh do ông ta ký là không khả thi vì khi xây dựng đã không tiến hành đánh giá, khảo sát thực tế, dự báo theo hiểu biết cá nhân, chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền hình.

Mặc dù ông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị Tổng Giám đốc Mobifone thuê tư vấn nhưng không được chấp nhận. Thực tế phương án do Nguyễn Mạnh Hùng ký vẫn được những người đứng đầu Mobifone sử dụng để đàm phán giảm giá với AVG.

Có chuyên môn nhưng vẫn phạm sai lầm

Phạm Thị Phương Anh - Phó Tổng Giám đốc của Mobifone là người có chuyên môn về tài chính. Khi tham gia xây dựng dự án, bà Anh biết rất rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, hiệu quả kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn, giá mua cổ phần AVG chênh lệch lớn so với giá trị thể hiện trên sổ sách kế toán.

Khi được Tổng Giám đốc Mobifone giao nhiệm vụ ký, thực hiện và nghiệm thu hợp đồng thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG với Cty AMAX, bà Phương Anh biết việc Mobifone bàn giao cho Cty AMAX bản phụ lục số 02 là không được phép. Khi nghiệm thu kết quả xác định giá trị doanh nghiệp AVG của Cty AMAX là 16.565 tỉ đồng bà Phương Anh cũng biết việc Công ty AMAX xác định giá trị tài sản vô hình không được hạch toán vào sổ sách kế toán của AVG.

Bà Phương Anh đã ký đề nghị Tổng Giám đốc Mobifone xem xét, sử dụng kết quả xác định giá trị doanh nghiệp AVG của Công ty AMAX làm mức giá đàm phán khi mua cổ phần AVG.

Trong vụ án này, Cơ quan CSĐT xác định quá trình thực hiện việc mua bán cổ phần này chỉ có Lê Nam Trà - nguyên Chủ tịch HĐTV và Cao Duy Hải - nguyên Tổng Giám đốc Mobifone được liên hệ trực tiếp với ông Nguyễn Bắc Son, biết động cơ, mục đích của ông Son cũng như diễn biến của toàn bộ quá trình thực hiện việc mua cổ phần AVG. Các thành viên trong Ban Tổng Giám đốc chỉ làm theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Lê Nam Trà, Cao Duy Hải bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra về các tội danh: Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại Điều 220, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015; Nhận hối lộ, theo quy định tại Điều 354, khoản 4 – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Các Phó Tổng Giám đốc Mobifone gồm: Phạm Thị Phương Anh (SN: 1975), Hồ Tuấn (SN: 1965), Nguyễn Đăng Nguyên (SN: 1976), Nguyễn Bảo Long (SN: 1972), Nguyễn Mạnh Hùng (SN: 1969) bị đề nghị truy tố về tội: Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại Điều 220, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị can Phạm Thị Phương Anh bị bắt tạm giam ngày 13/11/2018, ngày 26/8/2019 được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang bảo lãnh. Các bị can Long, Hùng, Nguyên, Tuấn (nguyên Phó Tổng Giám đốc Mobifone) chưa từng bị bắt giam mà được áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú.

Những tài sản của bị can đã bị kê biên
“Trong vụ án này, cơ quan Công an đã thu hồi tài sản do bị can và gia đình giao nộp hơn 60 tỉ đồng. Trong đó, gia đình bị can Lê Nam Trà nộp 54 tỉ đồng; Gia đình bị can Cao Duy Hải nộp 11,6 tỉ đồng… Cơ quan làm nhiệm vụ đã kê biên nhà đứng tên vợ chồng Nguyễn Bắc Son tại ngõ 36C1, Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm; Kê biên nhà đất tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa đứng tên Trương Minh Tuấn. Ngoài ra các tài khoản của bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà tại các ngân hàng cũng đã được cơ quan điều tra phong tỏa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ