Thương nhớ tre làng

GD&TĐ - Xe dừng, bạn bước xuống chờ ba ra đón. Trời đổ nắng chang chang, bạn tấp ngang qua bên kia con lộ, đến lũy tre lừng lững sum suê tỏa bóng mát.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Ngồi xuống dưới bóng tre, nhìn những cành tre xào xạc, vi vi gió reo không dưng bạn nhớ vô cùng lũy tre làng ngày xưa. Bây giờ rất hiếm mới có thể tìm thấy một bụi tre như thế này.

Ngày xưa quê bạn, cây tre rất nhiều. Đi đâu cũng thấy bóng tre hiện diện. Bạn nhớ nhất là lũy tre làng chỗ ngã ba thông ra con lộ chính và cánh đồng lúa mênh mông. Đó là lũy tre bự và thân thuộc nhất đối với mọi người trong làng. Lũy tre ấy đã làm nên “thương hiệu” của quê bạn. Bởi nhắc tới quê bạn ai ai cũng đều nhắc tới lũy tre làng sum suê, um tùm.

Người trong làng coi lũy tre ấy như bóng cây che mát thân thuộc mỗi khi nắng hạ kéo về. Người dân đi làm đồng về, mệt mỏi, ngả nón ngồi quanh gốc tre chuyện trò, giở điếu thuốc ra hút. Với tuổi thơ của bạn được lớn lên bên lũy tre làng thật hạnh phúc làm sao, cuộc sống thêm màu sắc và trọn vẹn.

Bạn nhớ vô cùng những trò dân gian mà năm tháng tuổi thơ bạn trải qua. Nào là chơi ô ăn quan, nhảy dây, nhảy ngựa, chơi chọi gà. Nào là lấy lá tre làm… tiền chơi đồ hàng, buôn bán. Những mụt măng tre lớn lên, bạn và bạn bè bẻ chơi làm côn, làm gậy thích thú vô cùng. Còn lá tre mỏng manh, xanh tươi hay vàng óng đều hóa thành những chú cào cào đỏm dáng.

Những buổi chiều trên bến sông quê êm ả, chiếc lá tre lại thành những con đò be bé cùng với ước mơ trôi theo con nước trong xanh. Những que chuyền nhịp nhàng hay những chú rối kỳ tài lại được làm từ những đốt tre bóng mượt. Chao ôi, không thể kể hết những thú vị mà tre đã mang lại.

Bạn nhớ hồi đó nhà bạn nghèo quá trời nghèo. Cả nhà năm miệng ăn chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, mảnh vườn be bé và dăm con lợn, con gà. Nhưng quanh năm vẫn thấy thiếu thốn. Nghèo khổ bắt buộc ba mẹ bạn phải nghĩ ra nhiều phương kế mưu sinh.

Cũng may, nhờ có tài lẻ đan lát, đẽo gọt của ba bạn mà cuộc sống gia đình bạn khá khẩm hơn. Sẵn tiện những bụi tre sau nhà, trên đồi, ba đi đốn những khúc tre già về chẻ làm tăm, làm đũa mang ra chợ bán. Có khi ba bạn còn làm đòn gánh, đan rổ, rá…

Tuy mỗi món đồ làm rất lâu, mất nhiều công sức, tiền lời lãi ít nhưng nhờ sự chăm chỉ, chịu khó những đồng tiền cũng được chắt bóp nuôi mấy miệng ăn và nuôi chị em bạn học hành thành người. Tre trở thành “ân nhân” lớn trong cuộc đời của cả gia đình bạn, suốt đời bạn sẽ không bao giờ quên ân huệ đó.

Tre cứ thế theo bạn mà lớn lên. Trong nồi nước mẹ nấu gội đầu thoang thoảng hương hoa bưởi, hương nhu, lá mít còn phảng phất mùi lá tre khó tả. Bao năm rồi cái mùi lá tre ấy tưởng chừng giản đơn nhưng lại đặc biệt, đậm đà một nét riêng.

Khoát gáo nước vào đầu trong buổi trưa hè nóng nực, một cảm giác dìu dịu thanh mát, nhẹ nhàng len lỏi vào từng sợi tóc, xộc vào khoang mũi. Bạn xõa suối tóc dài mượt của mình, nghe hương tre dậy mùi ký ức và tình yêu thương của mẹ bao la đất trời quê hương xứ sở.

Cứ tưởng cây tre sẽ trường tồn mãi với quê hương, với cuộc đời người dân chân chất quê bạn. Nhưng thời cuộc thay đổi, công nghiệp hóa len lỏi vào tận mọi ngõ ngách xóm làng, lũy tre cũng đã dần thưa thớt. Thay vào đó là những bức tường, con đường, công trình bê tông cốt thép mọc lên san sát. Người ta chặt tre để thay thế những loại cây mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn.

Dưới rặng tre hiếm hoi còn sót lại, bạn mơ màng nhớ tới những tiếng rì rào, kẽo kẹt của rặng tre làng năm xưa. Bạn thèm lắm bóng mát lũy tre đi đâu cũng hiện diện, thèm nghe tiếng lũ chim lích chích trên vòm tre mà hót vang trời.

Thèm trở lại thuở ấu thơ với bao nhiêu trò tinh nghịch cùng đám bạn tóc râu ngô tinh quái. Bạn chột dạ nghĩ, cứ đà này, một ngày nào đó không xa nữa, ngay trên mảnh đất mình chôn nhau cắt rốn sẽ không còn bóng dáng lũy tre xanh, thì không biết cõi lòng bạn còn chút bình yên?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.