Đã hơn 10 năm, ông tự nguyện ủng hộ chế độ phụ cấp thương binh của mình để trợ dưỡng hằng tháng cho 4 gia đình nạn nhân chất độc da cam.
Ký ức những ngày tù ngục
Ông Hùng tham gia cách mạng năm 1962, làm du kích xã Hòa Bình, quận Hiếu Đức (nay là xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Một năm sau, ông tòng quân, trở thành chiến sĩ của Huyện đội Hòa Vang. Trên quê hương vành đai diệt Mỹ, ông Hùng cùng đồng đội đã lập nhiều chiến công vang dội. Năm 1966, trong một trận đánh không cân sức, ông Hùng bị thương và sa vào tay giặc. Chúng giam ông ở trại Tù binh Non Nước, sau đó chuyển đến nhà lao Phú Quốc.
Những năm tháng lao tù, ông Hùng càng tỏ rõ khí tiết kiên cường của người chiến sĩ cách mạng. Cai ngục đã giam ông ở biệt khu B2 - nơi mà chúng nói là "dành cho những tên cứng đầu". Kẻ thù đã dùng nhiều thủ đoạn tra tấn tàn khốc như "đi tàu bay", "đi tàu thủy", "nằm chuồng cọp", dí điện vào người, đổ nước xà phòng vào miệng… Nhưng mọi cực hình man rợ của quân xâm lược và bè lũ tay sai vẫn không khuất phục được người con Hòa Vang trung kiên, gan góc. Bất chấp sự tàn bạo của quân thù, ông Hùng luôn hiên ngang trong cuộc đấu tranh biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Do đó, ông được anh em tù chính trị tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ khu biệt giam B2, Đảng ủy viên Đảng bộ nhà lao Phú Quốc.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, ông Hùng vẫn còn nhớ như in các hoạt động bí mật của tổ chức Đảng trong tù ngục quân thù như tuyên truyền lý luận cách mạng, chống chào cờ địch, tuyệt thực, đòi Mỹ, ngụy thực hiện đúng chế độ tù chính trị theo Công ước Liên Hợp Quốc… "Sôi nổi nhất là học hát các bài ca cách mạng, các bài thơ của Bác Hồ, Tố Hữu để động viên nhau thực hiện "Chốn lao tù là nơi ta rèn tâm chí", ông Hùng chia sẻ…
Năm 1973, ông Hùng được trả tự do theo tinh thần Hiệp định Paris về trao trả tù binh. Ông được đưa ra miền Bắc an dưỡng và công tác trên hậu phương lớn cho đến ngày Chiến thắng 30/4/1975 mới trở về quê hương. Từ đó, ông Hùng lần lượt trải qua nhiều cương vị công tác như Chủ tịch Ủy ban Quân quản xã Hòa Khương, Phó Trưởng phòng Thủy lợi huyện Hòa Vang, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Minh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang… Nhiệm vụ nào, ông cũng xông xáo, năng nổ, tận tâm phục vụ nhân dân. Năm nào ông cũng vinh dự được bình chọn danh hiệu đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sống là để cống hiến
Với năng lực và uy tín nổi bật, vừa nghỉ hưu (năm 2005), ông Hùng đã được bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ), Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin quận Cẩm Lệ… Trên những cương vị ấy, ông đã tiến hành nhiều hoạt động đạt hiệu quả cao, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Trong công tác, ông thường xuyên gần gũi, sâu sát thực tế, tận tình giúp đỡ những người nghèo khó. Hằng năm, ông tích cực vận động kinh phí, gạo, thực phẩm để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Ông đã dẫn dắt phong trào người cao tuổi ở phường Hòa Thọ Tây nhiều năm liền dẫn đầu thi đua toàn quận. Trong đó, đội văn nghệ và đội thể dục dưỡng sinh người cao tuổi phường Hòa Thọ Tây đã giành nhiều giải thưởng cao tại các hội thi, hội diễn ở quận và thành phố.
Trong các chương trình công tác hội, ông Hùng hết sức chú trọng vận động trợ dưỡng nạn nhân chất độc da cam. Từ đó, 100% nạn nhân chất độc da cam trong quận đều được các nhà hảo tâm trợ dưỡng, ngoài chế độ chung của Nhà nước. Đặc biệt, ông Hùng tự nguyện dùng chế độ phụ cấp thương binh của mình để trợ dưỡng hằng tháng cho 4 nạn nhân chất độc da cam ở phường Hòa Thọ Tây (quậm Cẩm Lệ) và xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang), mỗi trường hợp 300.000 đồng/tháng, đồng thời các gia đình này còn được ông Hùng vận động kinh phí xây mới và sửa chữa nhà.
Bà Ông Thị Liên, phụ nữ đơn thân nuôi con ở tổ 22 phường Hòa Thọ Tây, vừa nhận tiền trợ dưỡng thay cho con mình (1 trong 4 nạn nhân chất độc da cam được ông Hùng trợ dưỡng), xúc động nói: Nhờ có bác Hùng giúp đỡ hằng tháng nên mẹ con tôi mới có nhà cửa và cuộc sống ổn định. Bà Đào Thị Yến ở thôn Hương Lam (xã Hòa Khương) cũng là mẹ của 1 trong 4 nạn nhân chất độc da cam được ông Hùng trợ dưỡng, nghẹn ngào trải lòng: Ông Hùng là ân nhân của gia đình tôi, không những trợ dưỡng hằng tháng cho con tôi, ông còn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên gia đình tôi thêm vững tin vượt khó vươn lên…
Hưu trí mà trí không hưu, giữa bộn bề cuộc sống đời thường, ông Hùng luôn nêu cao phẩm chất kiên trung, làm chỗ dựa cho con cháu về ý chí và niềm tin cách mạng. Dù tuổi cao sức yếu, người thương binh giàu nhiệt huyết vẫn luôn miệt mài với bao việc làm hữu ích cho đời. Mới đây, ông đã được chọn đi dự Hội nghị gặp mặt các đồng chí tham gia cấp ủy trong nhà tù và trại giam của địch thời kỳ chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975, do Ban Bí thư Trung ương tổ chức. Nói về người cán bộ lão thành này, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Lê Văn Sơn nhấn mạnh: Ông Hùng là tấm gương điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã được Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng tặng bằng khen. Dẫu đã nghỉ hưu nhưng cái tâm với Dân, với Đảng của thương binh Đỗ Văn Hùng luôn tỏa sáng.