Thực hư thông tin "Chủ nhà bị phạt 3 triệu đồng nếu để khách ăn cỗ lấy phần về"

Cơ quan chức năng huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) lên tiếng trước thông tin những gia đình tổ chức ăn cỗ sẽ bị phạt 3 triệu đồng nếu để khách lấy phần đem về.

Chính quyền huyện Giao Thủy vận động người dân đi ăn cỗ không lấy phần mang về.
Chính quyền huyện Giao Thủy vận động người dân đi ăn cỗ không lấy phần mang về.

Gần đây trên một số trang mạng xã hội đã thông tin về việc tại một số xã như Giao Long, Giao Lạc của huyện Giao Thuỷ (tỉnh Nam Định) đang vận động xây dựng nếp sống văn minh trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó có việc nếu các gia đình tổ chức cưới hỏi, cúng giỗ thì chỉ làm cỗ đủ ăn, người đến ăn cỗ cũng không lấy phần.

Những nguồn tin kể trên cho rằng chính quyền địa phương yêu cầu: khi các gia đình ra xã đăng ký để tổ chức ma chay, hiếu, hỉ sẽ phải đặt cọc 3 triệu đồng. Nếu chủ nhà để khách lấy phần sẽ bị phạt, bằng cách không trả lại số tiền này.

Những thông tin trên đã khiến dư luận tỏ ra bất bình, kèm những bình luận khiếm nhã. Tài khoản Facebook Vũ Hà chia sẻ: “Tôi không đồng ý việc ép người dân phải đóng tiền phạt. Theo tôi, chính quyền chỉ được phép vận động, tuyên truyền để thay đổi ý thức người dân”.

Một bạn đọc khác có tài khoản mạng xã hội Facebook là Khánh Trần bày tỏ: “Đây là một nét văn hoá của làng tôi từ xưa đến nay được đưa vào hương ước, tại sao lại có thể bắt chúng tôi đặt cọc tiền. Cỗ làm ra nhiều, không để bà con lấy phần mà đổ đi thì lãng phí quá”.

Liên quan đến sự việc trên, ông Đặng Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Giao Lạc (huyện Giao Thuỷ), xác nhận trên địa bàn xã có việc người dân ra xã đóng 2 - 3 triệu đồng trước khi tổ chức đám xá để tránh bà con đến ăn cỗ và lấy phần mang về.

“Có việc đóng tiền, nhưng đây là hương ước của làng. Xã không quy định, bắt buộc ai cả”, ông Đại thông tin.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Văn Khôi - Trưởng phòng Văn hoá huyện Giao Thủy cho biết, không có chuyện chính quyền địa phương ép người dân đóng số tiền 3 triệu đồng.

“Lấy phần tuy là một nét văn hoá nhưng không còn phù hợp với thời điểm hiện tại nên chúng tôi đã chủ yếu vận động bà con. Một số địa phương người dân đã đưa sự việc lấy phần vào hương ước của làng xã”, ông Khôi nói.

Ông Khôi cũng cho biết thêm, nếu có việc đóng tiền cọc thì chỉ là tạm ứng vào quỹ của thôn, xóm chứ không hề có sự việc chính quyền ép buộc người dân.

“Từ đó tới nay chưa có ai bị phạt hết, mọi người dân tại địa phương rất tự giác nên thông tin bị ép buộc là hoàn toàn không đúng”, ông Khôi nói. 

Theo Thanhnien.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ