Thực hiện Nghị định 06/2018/NĐ-CP: Một số Sở GD&ĐT còn lúng túng trong triển khai

GD&TĐ - Ngày 28/11, tại TP Bắc Ninh, đã diễn ra Hội thảo tập huấn Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 06/2018/NĐ-CP. Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh, thành trên toàn quốc, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội thảo

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 5/1/2018 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 1487/BGDĐT-GDMN về việc triển khai Nghị định.

Bộ cũng ban hành Kế hoạch số 737/KH-BGDĐT ngày 28/8/2018 về việc tổ chức Hội thảo tập huấn hướng dẫn thực hiện Nghị định số 06, đồng thời chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các chính sách của Nghị định trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2018 - 2019. Các Sở GD&ĐT đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện Nghị định, làm tốt công tác phối hợp với các sở ngành để hướng dẫn địa phương thực hiện Nghị định.

Đến nay đã có 59/63 tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định. Các Sở GD&ĐT cũng đã phối hợp tốt với các sở, ngành để hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho các địa phương thực hiện chính sách cho trẻ mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non. Tuy nhiên, còn 26 Sở GD&ĐT đang gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai, chờ Bộ tổ chức tập huấn, ban hành văn bản hướng dẫn, hoặc chờ có Thông tư hướng dẫn, nên chưa triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách thuộc Nghị định.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng cho trẻ mầm non và giáo viên. Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh về việc ngày 5/1/2018 Chính phủ phê duyệt Nghị định 06/2018/NĐ-CP; đây là niềm vui lớn đối với trẻ em vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giáo viên mầm non. Việc các cháu học sinh được hỗ trợ tiền ăn đã góp phần huy động tốt hơn trẻ ra lớp, việc thực hiện chính sách đối với giáo viên mầm non cũng động viên khích lệ nhà giáo gắn bó và yêu nghề hơn.

Để đánh giá những mặt tích cực cũng như chỉ ra những hạn chế sau 9 tháng triển khai Nghị định, Thứ trưởng yêu cầu: Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng đánh giá những thuận lợi, khó khăn, chỉ rõ những bất cập để cùng tháo gỡ, cụ thể như sau: Các địa phương báo cáo về những thuận lợi, khó khăn, công tác phối hợp chỉ đạo thực hiện trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ, đặc biệt là đối với việc thực hiện chính sách cho giáo viên mầm non. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn: Các đại biểu hãy cùng chia sẻ những kinh nghiệm hay để các đơn vị bạn học tập, hãy trao đổi thẳng thắn, đưa ra những kiến nghị với Bộ và Chính phủ để có những điều chỉnh thích hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ