Thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực Ăng-ten và Truyền sóng

GD&TĐ - Tham luận từ các nhà quản lý, chuyên gia có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực Ăng-ten và Truyền sóng.

PGS.TS Nguyễn Lê Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực phát biểu tại hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Lê Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực phát biểu tại hội thảo.

Chiều 10/1, Hội thảo khoa học Quốc tế về Ăng-ten và Truyền sóng Việt Nam - Nhật Bản (VJISAP 2024) chính thức bế mạc sau 2 ngày làm việc khẩn nghiêm túc và trách nhiệm, hoàn thành toàn bộ các mục tiêu chương trình đề ra.

Hội thảo là một diễn đàn quốc tế quan trọng nhằm trao đổi về công nghệ, kỹ thuật và các ý tưởng trong lĩnh vực ăng-ten, truyền sóng nói riêng và điện tử viễn thông nói chung.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

VJISAP 2024 tập trung vào các chủ đề như: công nghệ mới, cấu trúc mới của ăng-ten, vật liệu mới cải tiến các tham số của ăng-ten và các thuật toán được áp dụng trong thiết kế và tối ưu hóa ăng-ten. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến điện tử viễn thông cũng được các chuyên gia, các nhà khoa học đặt ra, trình bày và thảo luận.

Phát biểu bế mạc, PGS.TS Nguyễn Lê Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu đã quan tâm và đồng hành cùng chương trình.

"Ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực Ăng -ten và Truyền sóng. Đồng thời giúp phần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực này, làm nền tảng cho sự phát triển của những nghiên cứu trong tương lai…”, PGS.TS Nguyễn Lê Cường nhấn mạnh.

Các nhà khoa học tham dự chương trình cùng nhau trao đổi về các nội dung xoay quanh chủ đề Ăng-ten.
Các nhà khoa học tham dự chương trình cùng nhau trao đổi về các nội dung xoay quanh chủ đề Ăng-ten.

Tại Hội thảo khoa học Quốc tế về Ăng-ten và Truyền sóng Việt Nam - Nhật Bản, GS Hiroyoshi Yamada (Đại học Niigata, Nhật Bản) cho biết, ông đánh giá rất cao sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam, đặc biệt Việt Nam có đội ngũ các nhà khoa học trẻ đam mê nghiên cứu khoa học và rất sáng tạo.

GS Hiroyoshi Yamada cho rằng, Ăng-ten và Truyền sóng là lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi chuyên môn sâu. Do đó, việc Trường Đại học Điện lực phối hợp cùng Hiệp hội Kỹ sư Điện tử, Công nghệ thông tin và Truyền thông Nhật Bản và Hiệp hội Vô tuyến và Điện tử Việt Nam tổ chức là cơ hội tốt để các nhà khoa học giữa hai nước chia sẻ, thảo luận các kết quả nghiên cứu mới, định hướng hợp tác. Qua đó, góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển.

Tại Hội thảo này, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào các vấn đề: Ăng-ten điều khiển búp sóng, Ăng-ten cho các thiết bị truyền công suất không dây, các công nghệ ăng-ten tiên tiến, các kỹ thuật thiết kế ăng-ten mới, các ứng dụng và công nghệ đo đạc ăng-ten mới, và các công nghệ ăng-ten cho hệ thống thông tin vô tuyến trong tương lai.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo khoa học.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo khoa học.

Hội thảo là diễn đàn quan trọng, có ý nghĩa thiết thực để đông đảo các học giả, nhà khoa học uy tín đến từ nhiều quốc gia chia sẻ về các vấn đề về Ăng-ten và Truyền sóng tại Việt Nam và Nhật Bản hiện nay, nhìn nhận đánh giá nhiều chiều cạnh của chủ đề.

Thông qua chương trình Hội thảo diễn ra tại Trường Đại học Điện lực, cũng là cơ hội thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt nam và Nhật Bản trong lĩnh vực điện tử này, khởi đầu cho những thành công tiếp theo trong tiến trình kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ