Thúc đẩy hợp tác giáo dục Việt Nam - Liên bang Nga

GD&TĐ - Ngày 14/1, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tiếp đoàn công tác của Bộ Giáo dục phổ thông, Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga.

Thúc đẩy hợp tác giáo dục Việt Nam - Liên bang Nga

Cử giáo viên tiếng Nga sang giảng dạy tại Việt Nam

Tiếp đoàn công tác của Bộ Giáo dục phổ thông Liên bang Nga do ông Korneev Andrey Alekseevic - Thứ trưởng Bộ Giáo dục phổ thông Nga dẫn đầu, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác các nội dung liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, từ tháng 2/2020 đến nay, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục phổ thông Liên bang Nga thực hiện Dự án “Giáo viên Nga ở nước ngoài”.

Theo đó, Liên bang Nga tuyển chọn và cử các giáo viên tiếng Nga sang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam. Bộ GD&ĐT giao cho Phân viện Puskin chịu trách nhiệm tiếp nhận, hỗ trợ giáo viên Nga và quản lý các hoạt động chuyên môn của giáo viên Nga trong nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam.

Đây là dự án triển khai hiệu quả. Các cơ sở giáo dục tiếp nhận chuyên gia Nga tới làm việc đánh giá cao trình độ chuyên môn, lòng nhiệt huyết và hiệu quả của chương trình. Cùng với đó là mong muốn được tiếp nhận số lượng nhiều hơn nữa các giáo viên, giảng viên Nga sang làm việc, hỗ trợ trong thời gian tới.

“Bộ GD&ĐT Việt Nam khuyến khích đa dạng hóa trong dạy và học ngoại ngữ. Hiện nay, tiếng Nga được giảng dạy chủ yếu tại các trường trung học phổ thông chuyên tiếng Nga, các trường đại học ngoại ngữ và trường thuộc khối lực lượng vũ trang. Tại Việt Nam, tiếng Nga là 1 trong 7 ngoại ngữ được giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết.

thu-truong-phuc.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc trao đổi tại buổi làm việc.
nga-1.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục phổ thông Liên bang Nga Korneev Andrey Alekseevic (thứ 2 từ trái sang) trao đổi tại buổi làm việc.

Về dự án xây dựng “Trường học Nga” tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT bày tỏ ủng hộ việc thành lập cơ sở giáo dục theo các chương trình của Nga tại Việt Nam, do Chính phủ Nga đầu tư, là cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Korneev Andrey Alekseevic cho biết: Dạy, học tiếng Nga là việc làm vô cùng quan trọng đối với các du học sinh, những người học tập và làm việc tại Liên bang Nga. Đó là công cụ, phương tiện để mọi người có thể trao đổi, làm việc và học tập tại đây.

"Hiện tại, có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam sau khi kết thúc việc học tập đã ở lại và làm việc tại Liên bang Nga. Vì vậy, tôi trân trọng sự hỗ trợ và mong muốn thúc đẩy việc dạy, học tiếng Nga tại Việt Nam. Hy vọng rằng việc học tiếng Nga sẽ được mở ra, nhân rộng hơn nữa, đặc biệt là trong các cơ sở giáo dục phổ thông”, ông Korneev Andrey Alekseevic nói.

Bên cạnh đó, ông Korneev Andrey Alekseevic đã trao đổi một số vấn đề liên quan đến tài liệu học tập tiếng Nga, việc lưu trú của giáo viên Nga giảng dạy tại Việt Nam, nâng cao trình độ giáo viên dạy tiếng Nga tại Việt Nam, tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục, trao đổi học sinh tại hai quốc gia…

dsc2126.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tặng quà cho ông Korneev Andrey Alekseevic - Thứ trưởng Bộ Giáo dục phổ thông Liên bang Nga.

Nga giúp Việt Nam đào tạo nhân lực chất lượng cao

Làm việc với ông Konstantin Ilyich Mogilevsky- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga cùng đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc gửi lời cảm ơn Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga luôn quan tâm, thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Thứ trưởng cho biết, nhằm xây dựng kế hoạch giai đoạn 2025-2030 về đào tạo nhân lực trình độ cao với Liên bang Nga, làm cơ sở để triển khai hiệu quả 1000 chỉ tiêu học bổng Liên bang Nga cấp cho Việt Nam, Bộ GD&ĐT Việt Nam đang thực hiện khảo sát về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tại Liên bang Nga cho kế hoạch 2025-2030.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, Bộ GD&ĐT tham mưu và trình Chính phủ Việt Nam phương án tuyển chọn ứng viên cho giai đoạn 2025-2030. Theo đó, sẽ thực hiện tuyển chọn ứng viên đủ năng lực đi học tại Liên bang Nga để phục vụ mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Bộ GDĐT Việt Nam mong muốn Liên bang Nga phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng kế hoạch này.

dsc2192.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tặng quà cho ông Konstantin Ilyich Mogilevsky - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga.
tang-qua-bo-dai-hoc.jpg
Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga chụp ảnh lưu niệm.

Bộ GD&ĐT Việt Nam hi vọng rằng hai bên sẽ dành học bổng để phục vụ việc đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học. Các trường đại học trong mạng lưới các trường đại học Việt – Nga mới được thành lập về kỹ thuật, công nghệ thông tin, kinh tế cần được ưu tiên hỗ trợ học bổng để triển khai trao đổi sinh viên, giảng viên, hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật và tăng cường thêm phương thức liên kết đào tạo.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga Konstantin Ilyich Mogilevsky cùng các thành viên đoàn công tác cũng đã trao đổi với Bộ GD&ĐT về việc triển khai kí kết Hiệp định giữa hai Chính phủ về thành lập và hoạt động của Trung tâm Puskin, tổ chức Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam – Liên bang Nga, đào tạo, trao đổi cán bộ, sinh viên giữa các cơ sở giáo dục đại học.

Tại buổi làm việc, với mối quan hệ lâu bền giữa Việt Nam và Liên bang Nga, hai bên cam kết sẽ cùng nhau hợp tác, hỗ trợ, thống nhất, triển khai các nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, nhằm thúc đẩy việc giảng dạy, phổ biến tiếng Nga trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại Việt Nam, hai năm qua, Phân viện Puskin phối hợp với Viện Ngôn ngữ Quốc gia tiếng Nga mang tên Puskin, Liên bang Nga - tổ chức Cuộc thi Olympic Quốc tế tiếng Nga. Cuộc thi đã được học sinh, giáo viên trên toàn quốc đón nhận, hưởng ứng, tham gia.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ