Thừa Thiên - Huế chuyển vị trí 73 nhân sự để phòng tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tỉnh Thừa Thiên - Huế chuyển đổi vị trí công tác đối với 73 công, viên chức để phục vụ việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: Fanpage UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế)
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: Fanpage UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Ngày 10/7, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng Quý II và báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 gửi Thanh tra Chính phủ.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nhất định trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo báo cáo của các cơ quan, đơn vị địa phương, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, chưa phát hiện trường hợp nào có hành vi tham nhũng qua các hoạt động.

Để thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong kỳ, cơ quan thanh tra các cấp tại địa bàn tỉnh đã thực hiện 16 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ tại các đơn vị, địa phương. Qua đó, phát hiện vi phạm với số tiền 1.173,72 triệu đồng.

Đáng chú ý, liên quan đến kết quả chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 10 đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 73 công chức, viên chức.

UBND huyện A Lưới thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 25 người; UBND huyện Nam Đông thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 2 người; UBND huyện Quảng Điền thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 7 người; Thanh tra tỉnh thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 6 người; Sở Y tế thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 7 người; Sở KH&CN thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 1 người; Sở TN&MT thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 2 người; Sở Xây dựng thực hiện chuyển đổi 1 người; UBND TP Huế thực hiện chuyển đổi công tác với 21 người; Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 1 người.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá, công tác tự kiểm tra ở trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, địa phương để phát hiện hành vi tham nhũng vẫn còn hạn chế.

Công tác phòng ngừa tham nhũng gắn với công khai, minh bạch trên một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng như đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, mua sắm tài sản công, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng... của các cơ quan, đơn vị, địa phương cần được quan tâm thực hiện tốt hơn nữa.

Việc giám sát cộng đồng đối với các công trình, dự án xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước chưa phát huy hiệu quả; việc thực hiện chế độ báo cáo về phòng chống tham nhũng của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm túc...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ