Lá đơn đề ngày 22/1/1971, do cụ Nguyễn Quy Bảng viết gửi Lãnh đạo nhà máy Quy Chế, xin cho người con trai cả Nguyễn Quy Bền về đăng ký kết hôn.
Nội dung ‘Giấy đề nghị’ được viết trong những năm tháng cả nước ra sức chống Mỹ cứu nước, cụ thể như sau:
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà Độc Lập- Tự do- Hạnh phúc Giấy đề nghị Kính gửi: Ban tổ chức nhà máy Quy Chế Tên tôi là Nguyễn Quy Bảng, thôn Đồng Sài, xã Đại Tân, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc. Đề nghị việc như sau. Tôi là thân sinh ra em Bền, được sự hai gia đình đồng ý, em Bền và em Hấn tìm hiểu nhau việc xây dựng gia đình, vậy tôi làm đơn đề nghị Cơ Quan, Ban tổ chức cho phép em Bền là học sinh nhà trường được phép về Chính Quyền địa phương đăng ký việc thành hôn được tốt. Tôi trân trọng kính chúc quý Cơ Quan sang năm mới Tân Dậu được luôn luôn mạnh khoẻ, công tác, để chống Mỹ kíu Quốc, thống nhất đất nước thắng lợi hoàn toàn. Đồng Sài 22-1-71 nay kính chào Nguyễn Quy Bảng (ký tên) |
Sau hơn ½ thế kỷ, người viết tờ đơn đặc biệt kể trên đã khuất núi và một số địa danh được đề cập cũng đã thay đổi. Cụ thể, xã Đại Tân nay được đổi thành xã Phù Lãng, còn tỉnh Hà Bắc đã được chia tách thành tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Thực tế, 1971 là năm Tân Hợi chứ không phải Tân Dậu - có lẽ do cụ Nguyễn Quy Bảng viết nhầm,
Riêng đối với ‘em Bền’ và ‘em Hấn’ nay vẫn sống tại thôn Đồng Sài, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Sau tờ ‘Giấy đề nghị đặc biệt’ ấy, họ nên duyên chồng vợ tính ra nay đã được 51 năm, có với nhau 4 người con, 3 trai và 1 gái.
“Nhà máy Quy Chế ngày trước thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Hà Bắc (cũ)”, ông Nguyễn Quy Bền kể lại, đồng thời ánh mắt hướng sang nhìn ‘em Hấn’ đầy trìu mến: “Hồi đó yêu ‘em Hấn’ cũng là lúc bác được cử đi học kỹ thuật tại Nhà máy chuyên sản xuất bu-lông, ốc vít phục vụ quốc phòng đánh Mỹ”.
Thời ‘ông bà anh’ khi đó chiến tranh đang diễn ra hết sức ác liệt, nên việc đi lại cũng hết sức khó khăn: “Các bác yêu nhau bằng tình yêu đôi lứa và cả trách nhiệm phụng sự Tổ quốc. Sau đám cưới ít hôm hai bác lại chia tay để người ở lại góp phần xây dựng quê hương, người vào nhà máy sản xuất góp phần thắng Mỹ”, ông Bền hồi tưởng thêm về thời chiến.