Sáng 8/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ dự Lễ khánh thành, dâng hương và trồng cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Nam Cường, huyện Tiền Hải; khảo sát, kiểm tra tình hình đầu tư, xây dựng và hoạt động của Khu kinh tế Thái Bình; thăm dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; dự Lễ khởi công xây dựng đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình.
Cùng dự có nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thái Bình.
Sau khi dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm huyện Tiền Hải; khánh thành, dâng hương và trồng cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, ghi sổ vàng lưu niệm tại khu lưu niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân huyện Tiền Hải tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, tiếp tục đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân để xây dựng Tiền Hải ngày càng giàu mạnh, nhân dân được hưởng ấm no, hạnh phúc như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Minh tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải được khởi công xây dựng từ tháng 5/2021. Công trình có tổng diện tích hơn 7.000m2. Kết cấu hạ tầng gồm 1 nhà thờ chính, 2 nhà tả vu và hữu vu, 1 nhà khách và hệ thống dậu bao quanh, sân, đường, cổng chính, cổng phụ...
Khu lưu niệm được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mãi mãi là biểu tượng cao đẹp thể hiện lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu. Với niềm tự hào và ý thức trách nhiệm, Đảng bộ, nhân dân huyện Tiền Hải sẽ mãi gìn giữ Di tích Quốc gia đặc biệt quý giá này để muôn đời hướng về, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của Người và giáo dục tư tưởng nhân văn, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho lớp lớp thế hệ mai sau.
Khảo sát, kiểm tra tình hình đầu tư, xây dựng và hoạt động của Khu kinh tế Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo về phương án quy hoạch giao thông tỉnh Thái Bình tới năm 2030, phương án lấn biển... và khảo sát khu công nghiệp Liên Hà Thái thuộc Khu kinh tế này.
Tại đây, Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc xây dựng Khu kinh tế Thái Bình là phù hợp với chủ trương, các nghị quyết của Đảng và phù hợp với tình hình, điều kiện của tỉnh Thái Bình. Trung ương rất quan tâm tới việc phát triển Khu kinh tế Thái Bình và chuyến công tác, khảo sát này Thủ tướng nhằm "lắng nghe hơi thở cuộc sống" để tìm hiểu các kinh nghiệm, bài học rút ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở, Thái Bình là tỉnh đất hẹp, người đông. Do đó phải mở rộng không gian phát triển hướng ra biển, khai thác không gian biển.
Đối với xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, Thủ tướng chỉ rõ, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phải đi trước một bước. Theo đó, phải phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống chính trị, người dân và nhà đầu tư để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, liên thông, đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước và hạ tầng xã hội như nhà ở công nhân, hạ tầng môi trường.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Thái Bình phải xác định người dân phải được hưởng lợi từ Khu kinh tế chứ không phải bị ảnh hưởng, bảo đảm đời sống của người dân đã nhường mặt bằng cho dự án ở nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh dồn lực nguồn vốn đầu tư công để hoàn thiện hạ tầng kết nối khu kinh tế này với cả vùng và cả nước, không trông chờ, ỷ lại, trong đó trước hết là dự án đường ven biển để kết nối càng sớm càng tốt với sân bay Cát Bi, cảng Lạch Huyện của Hải Phòng. Thủ tướng cũng gợi ý về các phương án tổ chức, triển khai, quản lý xây dựng Khu kinh tế, trong đó có mô hình lãnh đạo công-quản trị tư.
Về các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, các cấp, các ngành, các cơ quan không làm thay công việc của nhau... Trong đó, liên quan tới các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, Thủ tướng cho biết đây là vấn đề đặt ra với nhiều dự án trên cả nước.
Khu kinh tế Thái Bình có diện tích trên 30.000 ha, trong đó diện tích dành cho công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên 8.000 ha. Khu kinh tế được xây dựng theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, năng động, hiệu quả và phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo tồn, phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa. Nơi đâu được kỳ vọng trở thành khu vực động lực, trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh và vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.
Hiện, Khu kinh tế Thái Bình đã có một số dự án lớn, trọng điểm như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và 2, Nhà máy Amon Nitrat, dự án khí mỏ Hàm Rồng...
Cũng trong sáng 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới kiểm tra, làm việc tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 tại huyện Thái Thụy do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư.
Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân đang triển khai dự án; kiểm tra các hạng mục dự án; thăm trung tâm điều hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Phát biểu với cán bộ, công nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, có công suất 1.200MW là một trong những dự án trọng điểm của ngành điện do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư được khởi công từ đầu năm 2011.
Dự án đã trải qua hơn 10 năm đầu tư xây dựng với nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong quá trình thực hiện đã xảy ra nhiều vi phạm phải xử lý, kèm theo đó là thời gian dài dự án bị chậm tiến độ và đình trệ.
Với mục tiêu kép vừa không để thất thoát tài sản Nhà nước, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, các cấp lãnh đạo cao nhất của Nhà nước từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều kết luận, chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để PVN sớm hoàn thành và đưa dự án vào vận hành.
Tổ công tác của Chính phủ, PVN, các bộ ngành và tỉnh Thái Bình, đặc biệt là tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trực tiếp trên công trường đã quyết liệt và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, công việc được giao để Dự án đạt được mốc tiến độ hòa lưới điện của Tổ máy số 1.
“Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, tinh thần lao động hăng say, sáng tạo của hàng nghìn cán bộ công nhân viên, người lao động trên công trường, thực hiện nghiêm từng mốc tiến độ, bảo đảm chất lượng”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các Bộ: Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan đã phối hợp trong công tác triển khai các hạng mục còn lại của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Theo Thủ tướng, qua kết quả thực hiện dự án, đã rút được những bài học hay, kinh nghiệm quí cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chủ đầu tư để xử lý các dự án gặp khó khăn như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Để có được thành công phải có sự chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, tinh thần trách nhiệm cao nhất; phải nắm chắc tình hình thực tế, nhận diện tình hình, xử lý kịp thời, triệt để các vướng mắc; sắp xếp, thay đổi nhân sự phù hợp, hiệu quả; huy động được sự vào cuộc của cán bộ, công nhân viên chức; phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng, phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương.
Theo Thủ tướng, công việc còn lại của Dự án tập trung cho công tác chạy thử, nghiệm thu và hoàn thành hệ thống vận chuyển than. Tuy nhiên nguy cơ chậm tiến độ, không đạt các mốc bàn giao đề ra là hiện hữu. Do đó, Thủ tướng yêu cầu PVN, Tổng thầu tập trung hơn nữa, chủ động xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền, huy động tối đa mọi nguồn lực để “dồn sức” cho những phần việc cuối cùng, bảo đảm mục tiêu hoàn thành Dự án vào cuối năm 2022, đảm bảo Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện với môi trường. Trước mắt, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong vùng dự án và cán bộ, công nhân các đơn vị triển khai dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng đến cuối năm 2022 dòng điện thương mại đầu tiên của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cả nước nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dự Lễ và thực hiện nghi thức khởi công xây dựng đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình. Tuyến đường có chiều dài trên 8km, quy mô mặt cắt ngang tuyến 30m. với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.
Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Thái Bình nhằm kết nối với các tuyến đường nội đô trong thành phố, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn, tạo trục trung tâm của cửa ngõ của thành phố, nối tỉnh Thái Bình với các tỉnh trong cả nước. Qua đó thúc đẩy giao lưu kinh tế và trao đổi hàng hóa, khai thác tiềm năng, lợi thế của các khu vực phía Nam thành phố Thái Bình và các vùng lân cận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh Thái Bình.