Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 thành phố Cần Thơ và tỉnh Cà Mau, cho tới thời điểm này, 100% số xã trên địa bàn đã hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Trong đó, cụ thể tại thành phố Cần Thơ, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố có 20/36 xã đạt 19 tiêu chí, 16 xã còn lại đều đạt từ 14 tiêu chí trở lên; tỉnh Cà Mau có 24/82 xã đạt 19 tiêu chí.
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 làm việc với thành phố Cần Thơ.
Khảo sát của đoàn kiểm tra tại huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ) và xã Lý Văn Lâm (thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho thấy, triển khai CTMTQGXDNTM cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư xây dựng và nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hóa, nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Cơ sở vật chất trường học được đầu tư gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Trạm y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, đầu tư nâng cấp trang thiết bị và kiện toàn tổ chức, bộ máy, phục vụ tốt việc khám chữa bệnh cho nhân dân. Việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng thăm Trường Mầm non Trường Thành (huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ).
Tuy nhiên, quá trình triển khai CTMTQGXDNTM tại một số địa phương cũng bộc lộ những hạn chế như tình trạng “nợ” chuẩn vẫn diễn ra; vấn đề duy trì kết quả đạt chuẩn và nâng chuẩn chưa được quan tâm đúng mức; quy hoạch thiếu tính toán tới quá trình đô thị hóa dẫn tới thiếu tầm nhìn dài hơi; thiếu những chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa nông sản…
Trao đổi với đoàn kiểm tra, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, khó khăn lớn nhất của các địa phương hiện nay là việc huy động các nguồn vốn từ doanh nghiệp, tín dụng nhân dân để thực hiện các tiêu chí, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ xây dựng nông thôn mới còn hạn chế nên chưa thu hút được sự đầu tư, xã hội hóa.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng thăm mô hình trồng sầu riêng cho thu nhập 750 triệu đồng/năm của gia đình ông Đỗ Văn Nguyên (xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ).
Là tỉnh còn khó khăn nên việc triển khai CTMTQGXDNTM tại Cà Mau hiện nay có không ít hạn chế. Để tháo gỡ những nút thắt cho địa phương, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương xem xét để ban hành chính sách đặc thù cho tỉnh bởi trên thực tế Cà Mau không phải là vùng vật liệu xây dựng nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở Cà Mau luôn đòi hỏi nguồn tài chính gấp đôi, thậm chí gấp ba so với các địa phương khác.
Ông Sử cũng cho rằng, hệ thống văn bản hướng dẫn, triển khai, chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương chậm được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chưa đồng bộ dẫn tới địa phương còn lúng túng trong công tác triển khai. Vốn ngân sách các cấp đầu tư trực tiếp cho chương trình còn hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực như giao thông nông thôn, trường học, thiết chế văn hóa cơ sở là rất lớn.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng kiểm tra cơ sở vật chất của
Trường liên cấp THCS-THPT Lý Văn Lâm (thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau).
Thành phố Cần Thơ và tỉnh Cà Mau đều thống nhất kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét lại một số tiêu chí khó thực hiện như 85% người dân có thẻ bảo hiểm y tế bởi đây là việc tự nguyện, không bắt buộc nhưng lại cho thành tiêu chí nên khó hoàn thành; tiêu chí diện tích nhà văn hóa quá lớn khó thực hiện hoặc nếu có thể thực hiện được cũng dễ dẫn tới lãng phí…
Phát biểu chỉ đạo tại các địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và nhân dân thành phố Cần Thơ và tỉnh Cà Mau trong triển khai xây dựng nông thôn mới. Sự nỗ lực này được thể hiện qua những tiêu chí đạt được và diện mạo nông thôn đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, bước đầu xây dựng được chuỗi sản xuất chủ lực cho từng địa phương.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh Cà Mau.
Thứ trưởng cho rằng, triển khai chỉ đạo của Trung ương, các địa phương đã ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, đã ban hành được các nghị quyết chuyên đề để giải quyết những vấn đề quan trọng và tuyên truyền vận động để nhân dân cùng nâng cao nhận thức, chung tay xây dựng nông thôn mới. Từ đó huy động được nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao.
Thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị, thành phố Cần Thơ và tỉnh Cà Mau cần bám sát các chỉ đạo của Trung ương để triển khai các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững. Cần quan tâm hơn nữa tới công tác xã hội hóa, kêu gọi sự đóng góp, hỗ trợ từ doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực đầu tư để thực hiện hoàn thành các tiêu chí, trong đó, cần quan tâm tới nguồn lực đầu tư cho giáo dục, văn hóa.
Thứ trưởng cũng lưu ý các địa phương cần quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương để từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung, chất lượng cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.