(GD&TĐ) - Ngày 13/5/2011, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã dẫn đầu đoàn công tác với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Vụ Văn xã thuộc Văn phòng Chính phủ, đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ GD&ĐT, đi kiểm tra công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tại tỉnh Thái Bình. Chuyến công tác này nằm trong kế hoạch kiểm tra thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tại một số tỉnh thành trên cả nước của Bộ GD&ĐT và Văn phòng Chính phủ.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đến thăm và kiểm tra thực tế tại Trường mầm non Đông Hoàng (Đông Hưng, Thái Bình) |
Trước khi có buổi làm việc chung với lãnh đạo UBND tỉnh và Sở GD&ĐT Thái Bình, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đã đến kiểm tra thực tế tại trường Mầm non Đông Hoàng và trường Mầm non Đông Xuân, huyện Đông Hưng và lãnh đạo UBND huyện Đông Hưng về giáo dục mầm non nói chung và công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi nói riêng của huyện.
Đông Hưng là huyện đầu tiên của Thái Bình thực hiện chuyển đổi toàn bộ các trường mầm non trên địa bàn từ loại hình ngoài công lập sang công lập. Đây cũng là một trong những địa phương phát triển mạnh về giáo dục mầm non ở Thái Bình, như tỷ lệ trẻ huy động ra lớp, hệ thống CSVC, đội ngũ giáo viên... tạo tiền đề thuận lợi cho triển khai công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, bởi là huyện thuần nông, kinh phí phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp nên kinh phí đầu tư cho xây dựng SCVC trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và mua sắm đồ dùng, thiết bị, đồ chơi theo danh mục tối thiểu và đồ chơi ngoài trời còn hạn chế; đây lại là năm học đầu tiên triển khai công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi nên khó tránh khỏi những hạn chế về nghiệp vụ làm phổ cập của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non.
Đây cũng là những vấn đề của giáo dục mầm non Thái Bình trong công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm học 2010 – 2011 (cũng là năm học đầu tiên cả nước triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ); bên cạnh những khó khăn vướng mắc khác như: đội ngũ giáo viên, nhân viên các trường mầm non và thực hiện các chính sách cho đội ngũ; hoàn thiện CSVC theo chuẩn tối thiểu... theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Thái Bình là một trong số những tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai trước nhất Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ, với việc UBND tỉnh sớm ra quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh triển khai công tác phổ cập. Thứ trưởng cũng đánh giá cao những nỗ lực của giáo dục mầm non tỉnh Thái Bình với tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 100% với trẻ 5 tuổi và xấp xỉ 80% ở các lứa tuổi còn lại. Đó là tiền đề quan trọng để Thái Bình hướng tới mục tiêu đã đề ra là phấn đấu 100% huyện, thị, thành phố trong tỉnh đạt phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi vào năm 2012.
Nhất Nguyên