Tiếp đoàn công tác có ông Nguyễn Minh Hùng – Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh; Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Ban chỉ đạo thi Lương Văn Việt; và đại diện các sở, ban ngành, thành viên Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh.
Xây dựng nhiều kịch bản ứng phó
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD&ĐT Lương Văn Việt cho biết: toàn tỉnh có hơn 22.000 thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 2.300 thí sinh so với năm 2020. Tỉnh tổ chức thành 40 điểm thi (tăng 7 điểm thi so với năm trước) và 963 phòng thi.
Kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, do đó công tác chuẩn bị các điều kiện phòng dịch Covid-19 được tỉnh đặc biệt quan tâm. Theo đó, tỉnh chỉ đạo phun thuốc khử khuẩn phòng thi, phòng làm việc, phòng chứa đề và bài thi. Toàn bộ khu vực làm phách, chấm thi, nơi ăn nghỉ của cán bộ làm thi cũng được vệ sinh, khử khuẩn. Các điểm thi được chuẩn bị máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn và một lượng khẩu trang nhất định.
Tỉnh chỉ đạo, tất cả thí sinh phải thực hiện khai báo y tế trước khi tham dự kỳ thi. Trường THPT, phòng GD&ĐT lập danh sách thí sinh thuộc diện F0, F1, F2, F3. Các thí sinh ngay sát ngày thi có biểu hiện ho, sốt hoặc có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, báo cáo Sở GD&ĐT để có phương án tổ chức thi phù hợp.
Ngoài ra, thí sinh được kiểm tra thân nhiệt trước mỗi buổi thi, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang trong tất cả các ngày thi. “Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm từ công tác tổ chức thi năm 2020, để tổ chức kỳ thi năm nay được an toàn, chu đáo và thành công” - Giám đốc Sở GD&ĐT Lương Văn Việt nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng cho hay, công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi diễn ra theo đúng tiến độ, kịch bản. Đến thời điểm này, toàn tỉnh không có thí sinh nào thuộc diện F0, F1, F2.
Đây là “kỳ thi đặc biệt” nên tỉnh phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo và các sở, ban, ngành. Theo đó, mỗi sở, ngành, đơn vị đều xây dựng kế hoạch và kịch bản tổ chức kỳ thi.
Cụ thể, ngành Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục, bám sát kế hoạch, xét nghiệm toàn bộ lực lượng tham gia tổ chức thi, coi thi, phục vụ thi. Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT trong thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi; Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế có kế hoạch riêng để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho kỳ thi;
Công ty Điện lực chủ động xây dựng phương án đảm bảo điện trong quá trình tổ chức kỳ thi; Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các kỳ thi, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19…
“Chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, chất lượng và thành công” – ông Nguyễn Minh Hùng nói, đồng thời khẳng định: Cán bộ coi thi là những người có phẩm chất, có năng lực tốt và được tập huấn nghiệp vụ, quy chế nghiêm túc. Khu vực in sao đề thi, phòng chứa đề thi, bài thi và khu vực chấm thi được bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Mục tiêu an toàn là số 1
Ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý, tỉnh vừa tổ chức thành công Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10; vì thế Ban Chỉ đạo thi của tỉnh cần quán triệt sâu sắc đến từng thành viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi không được có tâm lý chủ quan trong quá trình tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đồng thời phân công rõ việc, rõ người, gắn trách nhiệm cá nhân trong thực thi nhiệm vụ. Cần phòng ngừa tối đa những sơ suất, sai phạm có thể xảy ra, phấn đấu không có thí sinh, cán bộ coi thi bị kỷ luật vì vi phạm quy chế.
Tỉnh cũng rà soát, sàng lọc thật thật kỹ thí sinh, đảm bảo thí sinh đi thi là những em không thuộc diện F0, F1, F2. Thí sinh đã đến trường thì phải an toàn để nhân dân và xã hội yên tâm. Những thí sinh F1, F2 có nguyện vọng thi - bắt buộc phải có đơn, được Ban Chỉ đạo thi đồng ý và phải đảm bảo tốt về công tác phòng chống dịch bệnh. Mỗi điểm thi bố trí tối thiểu 2 nhân viên y tế để hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Thứ trưởng cũng lưu ý, cần quan tâm đến cơ sở vật chất tại các điểm thi. Các điểm thi phải bố trí phòng thi dự phòng và phòng chờ theo quy định. Camera tại các phòng thi phải được vô hiệu hoá, đồng thời có cơ chế giám sát phòng chứa đề thi, bài thi, chấm thi theo quy định.
Ngoài ra, các điểm thi được bố trí điện thoại bàn có loa ngoài và ghi chép nhật ký đầy đủ khi sử dụng. Ban chỉ đạo cần tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi nắm chắc Quy chế thi.
Thứ trưởng đề xuất, tỉnh cần thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất; thậm chí có thể tổ chức kiểm tra vào ban đêm việc bảo mật đề thi, bài thi của thí sinh. Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng lộ, lọt đề thi. Đồng thời, có phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các điểm thi.
Các điểm thi cũng cần xây dựng phương án ứng phó với những tình huống đột xuất, bất thường có thể xảy ra như: Mưa lũ, mất điện, ùn tắc giao thông hoặc trong quá trình thi xuất hiện thí sinh có biểu hiện ho, sốt…
Theo Thứ trưởng, Ban Chỉ đạo thi cần quán triệt cán bộ coi thi nhắc nhở thí sinh tuyệt đối không mang điện thoại hoặc các thiết bị, vật dụng… trái phép vào phòng, tránh bị kỷ luật, đình chỉ thi.
Khẳng định, việc tổ chức kỳ thi nhằm đảm bảo mục tiêu kép, Thứ trưởng nhấn mạnh: Trong đó lấy mục tiêu an toàn là số 1. Trên tinh thần đó, tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, sàng lọc thí sinh, đồng thời tổ chức xét nghiệm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi.