Tuy nhiên, phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-la) lần thứ 15 diễn ra ở Singapore hôm 4-6, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: "Đây chỉ mới là bước đầu tiên. Việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về mặt thương mại mà còn có ý nghĩa nâng cao sự tin tưởng (giữa 2 nước)”.
“Chúng tôi chưa chắc chắn về những gì có thể mua từ Mỹ và những gì chúng tôi muốn mua" - ông Vịnh nói thêm.
Các nhà sản xuất vũ khí Mỹ sẵn sàng khai thác thị trường tiềm năng ở Việt Nam sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội hồi tháng trước.
Theo hãng tin Reuters, Việt Nam đã tăng cường chi tiêu quân sự trong 1 thập kỷ qua, chủ yếu mua vũ khí của Nga, bao gồm nhiều loại khí tài như tàu ngầm, chiến đấu cơ và hệ thống tên lửa tiên tiến.
Hơn nữa, vũ khí Mỹ có chi phí tương đối cao nên sẽ trở thành rào cản không nhỏ. Song theo các nguồn tin quân sự khu vực, Việt Nam rất quyết tâm cải thiện khả năng giám sát và thiết bị thông tin liên lạc. Vì vậy, máy bay tuần tra hàng hải được dự đoán là một trong những khí tài ưu tiên hàng đầu.
Dù không đề cập chi tiết kế hoạch mua sắm vũ khí của Mỹ nhưng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhiều lần khẳng định việc cải thiện năng lực quân sự của Việt Nam nhằm mục đích phòng vệ.