Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Kỳ thi THPT quốc gia 2017 hết sức chặt chẽ, nghiêm túc và nhiều đổi mới

GD&TĐ - Cuối buổi sáng nay, 24/6, các thí sinh đã hoàn thành xong bài thi cuối cùng, bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH) của Kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga (thứ hai từ phải sang) động viên thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Việt Trì (TP Việt Trì – Phú Thọ) trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017
Thứ trưởng Bùi Văn Ga (thứ hai từ phải sang) động viên thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Việt Trì (TP Việt Trì – Phú Thọ) trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017

Ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga – Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2017 – đã có cuộc trao đổi nhanh với truyền thông, đánh giá sơ bộ công tác tổ chức kỳ thi trong những ngày qua:

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã kết thúc tốt đẹp, được đánh giá là thành công, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, được thí sinh, phụ huynh và xã hội đánh giá cao ở hình thức tổ chức thi mới mà Bộ GD&ĐT triển khai, qua đó giảm tải được áp lực cho thí sinh cũng như xã hội. Thứ trưởng có nhận định gì  về vấn đề này?

Năm nay chúng ta đã tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2017 hết sức chặt chẽ, nghiêm túc và nhiều đổi mới. Lần đầu tiên chúng ta tổ chức kỳ thi theo hình thức mỗi tỉnh/ thành phố trong cả nước là một cụm thi. Thí sinh được dự thi ngay ở ngôi trường THPT mình đang học, do vậy các em không phải di chuyển xa, góp phần ổn định tinh thần, giúp các em bình tĩnh, tự tin hơn để tập trung vào việc hoàn thành tốt các bài thi.

Trước đây thí sinh phải di chuyển về các thành phố lớn, gây áp lực rất lớn cho bản thân thí sinh, các gia đình có con em đi thi và với cả xã hội. Bây giờ việc di chuyển vất vả đó không còn; cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại, an toàn thực phẩm, rồi chỗ lưu trú… không còn là mối bận tậm. Còn với các trường ĐH, CĐ, nhờ việc tổ chức kỳ thi rất nghiêm túc, an toàn, hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng kết quả thi để xét tuyển.

Đối với việc đổi mới phương thức thi trắc nghiệm cũng như mỗi thí sinh trong một phòng thi lại có mã số đề thi riêng, đã làm tăng tính khách quan, trung thực về kết quả, đảm bảo sự yên tâm cho xã hội cũng như tạo niềm tin cho các trường căn cứ vào kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ.

Sau khi kết thúc kỳ thi, mặc dù đề thi được đánh giá có tính phân hóa cao, tuy nhiên các thí sinh phải thực hiện bài thi tổ hợp lần đầu tiên, với 3 môn trong cùng một buổi thi, liệu có khiến thí sinh gặp áp lực, thưa Thứ trưởng?

Việc chúng ta bố chí các môn thi trong bài thi tổ hợp, cũng như sắp xếp các bài thi tổ hợp đã được tính toán rất khoa học, để làm sao cho thí sinh làm bài trong điều kiện thoải mái nhất, không có áp lực. Trên thực tế, thí sinh thi xong môn thi thành phần thứ nhất, sẽ có khoảng thời gian 20 phút trước khi bắt đầu bước vào bài thi môn thành phần thứ hai. Điều đó giúp giám thị coi thi có thời gian để chuẩn bị đề thi, đồng thời là khoảng thời gian để thí sinh nghỉ ngơi, ổn định tinh thần và trí lực để làm bài môn thi tiếp theo.

Để triển khai hình thức này, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều lần thử nghiệm trước đó, tìm hiểu với thí sinh ở miền núi, đồng bằng hay hay các thành phố, cần có khoảng thời gian nghỉ như vậy bao nhiêu là vừa, từ đó tính toán và xác định khoảng thời gian 20 phút là phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, trong suốt quá trình các địa phương tổ chức thi đánh giá cuối học kỳ, cuối năm học, cũng đã tổ chức thi theo hình thức trên, vừa giúp thí sinh làm quen với hình thức thi mới, vừa đánh giá tính hiệu quả trên thực tế để từ đó giúp Bộ GD&ĐT có phương án lựa chọn tốt nhất, trước khi đi tới quyết định cuối cùng về các thức tổ chức thi, trên tinh thần tạo được sự thuận lợi nhất để thí sinh thực hiện tốt bài thi.

Kỳ thi THPT quốc gia vừa kết thúc được đánh giá là tương đối thành công. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng chúng ta vẫn còn những điều gì phải rút kinh nghiệm, tránh những sai sót không đáng có như sự cố nhỏ về kỹ thuật ở đề thi môn Vật lý vừa qua?

Những sai sót dù nhỏ nhất cũng đều đáng tiếc và là bài học kinh nghiệm để tránh lặp lại. Các sai sót ở đề thi thường là ở khâu kỹ thuật, in ấn đã xảy ra tình trạng chèn chữ, mất chữ ở một số đề. Tuy nhiên công tác rà soát lại đề thi trước kỳ thi rất chặt chẽ, phát hiện sai sót thì đều có có ngay giải pháp kịp thời để xử lý làm sao cho nhanh gọn, không ảnh hưởng đến thí sinh cũng như không gây lãng phí hay tạo sự phức tạp trong quá trình in sao đề thi.

Đối với đề thi môn Vật lý tại kỳ thi năm nay, khi tổ đề thi phát hiện ra có một số mã đề bị mất chữ trong quá trình in ấn, đã lập tức có đính chính, gửi tới các bộ phận in sao đề bổ sung kịp thời, để khi đề thi đến tay thí sinh cũng kèm luôn theo bản đính chính đối với những mã đề bị lỗi kỹ thuật, do đó không ảnh hưởng đến chất lượng làm bài cũng như thời gian làm bài của thí sinh.

Bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm 3 môn: Lịch sử - Địa lý - Giáo dục Công dân (GDCD). Đối với thí sinh hệ giáo dục thường xuyên (GDTX), bài thi chỉ có 2 môn thành phần là Lịch sử - Địa lý.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có hơn 430.000 thí sinh chọn thi môn GDCD, gần 500.000 thí sinh chọn môn Địa lý, 513.000 thí sinh chọn môn Lịch sử, cao hơn hẳn so với các năm trước.

Đây là năm đầu tiên các môn thi KHXH được thi dưới hình thức trắc nghiệm. Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2017 cũng cho biết thí sinh đăng ký dự thi bài thi KHXH cao hơn so với thí sinh đăng ký dự thi bài thi khoa học tự nhiên (KHTN).

Theo quy chế, thí sinh lớp 12 phải tham dự đầy đủ bài thi tổ hợp, trong khi đó, các thí sinh tự do có thể đăng ký thi 1 hoặc 2 môn thành phần phù hợp với tổ hợp xét tuyển ĐH. Vì vậy, năm nay, xuất hiện khá nhiều phòng thi chỉ dành cho 1 thí sinh do chỉ đăng ký dự thi 1 hoặc 2 môn thi thành phần, đặc biệt là đối với bài thi môn KHXH.

Kỳ thi THPT quốc gia 2017, cả nước có 866.000 thí sinh tham dự kỳ thi. Đây là năm đầu tiên hầu hết các môn thi được thi dưới hình thức trắc nghiệm, ngoại trừ môn Ngữ văn. Năm nay, các sở GD&ĐT địa phương cũng được giao chủ trì các cụm thi tại địa phương, tạo thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh khi di chuyển đến điểm thi, đồng thời giảm tải áp lực cho xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.