Thu Quỹ bảo trì đường bộ thông qua xăng, dầu là không hợp lý

Thu Quỹ bảo trì đường bộ thông qua xăng, dầu là không hợp lý

Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Ngay sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) đã thời phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan của Quốc hội tổ chức nghiên cứu, tiếp thu một bước ý kiến đóng góp của các đại biểu QH.

Xăng, dầu đã phải chịu nhiều loại thuế, phí nên thu Quỹ bảo trì đường bộ qua xăng, dầu là không hợp lý.
Xăng, dầu đã phải chịu nhiều loại thuế, phí nên thu Quỹ bảo trì đường bộ qua xăng, dầu là không hợp lý.

Ủy ban TCNS cho rằng, việc lấy tên “Luật thuế bảo vệ môi trường” phù hợp với mục tiêu ban hành luật là góp phần bảo vệ môi trường. Mặt khác, việc lấy tên “Luật thuế bảo vệ môi trường” đúng với tên luật đã xác định trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Do vậy, xin cho giữ tên “Luật thuế bảo vệ môi trường”

Đồng quan điểm với đa số Ủy viên TVQH, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đồng ý với ý kiến lấy tên gọi của dự án luật là Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hoá mà khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Nguyên tắc áp dụng thuế là người nào sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm thì người đó phải chịu thuế bảo vệ môi trường. Trên thực tế, bản thân người tiêu dùng là chủ thể gây ô nhiễm do sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm. Xuất phát từ đặc điểm của thuế bảo vệ môi trường, mục đích của việc áp dụng thuế là thể hiện định hướng, điều tiết của Nhà nước đối với việc tiêu dùng sản phẩm gây ô nhiễm, nhằm hạn chế việc sử dụng các sản phẩm này; tạo nguồn lực tài chính bù đắp chi phí bảo vệ môi trường; mang ý nghĩa xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sống, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển bền vững.

Về đối tượng chịu thu, dự thảo luật quy định 5 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, bao gồm: xăng, dầu; than; dung dịch HCFC; túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng. 

Nhiều ý kiến tán thành với quy định của Dự thảo luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không chỉ có 5 nhóm hàng hóa quy định tại Điều 3 của Dự thảo luật là tác động xấu đến môi trường mà nhiều loại hàng hóa khác cũng gây hại cho môi trường. Do đó, đề nghị mở rộng đối tượng chịu thuế theo hướng mọi sản phẩm độc hại, tác động trực tiếp đến môi trường đều thuộc đối tượng chịu thuế. Bởi, trước thực trạng môi trường bị hủy hoại, sức khỏe của người dân bị tác động bởi nhiều sản phẩm độc hại. Nhiều đại biểu QH đề nghị bổ sung thuốc diệt cỏ do đây là hóa chất đang được sử dụng rộng rãi, khi sử dụng gây ô nhiễm nghiêm trọng cho đất đai, nguồn nước, sức khỏe con người; Bổ sung mặt hàng thuốc lá do thuốc lá là mặt hàng không khuyến khích sử dụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Có ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định mở (khoản quét) để áp dụng khi cần thiết bổ sung đối tượng chịu thuế.

Để tạo sự linh hoạt trong quá trình thi hành Luật, tiếp thu ý kiến đại biểu QH, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị bổ sung một khoản vào Điều 3, quy định: ”Đối tượng chịu thuế khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định”.

Cùng đó, Ủy ban TCNS cũng cho rằng, việc lập Quỹ bảo trì đường bộ đã được quy định trong Luật giao thông đường bộ và hiện nay Bộ Giao thông – Vận tải đang xây dựng phương án thu thông qua xăng, dầu. Vì vậy, không nên thu tiền lập Quỹ bảo trì đường bộ thông qua xăng, dầu vì:

Thứ nhất, trong giá xăng, dầu hiện nay đã có nhiều khoản thu như: thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế GTGT...

Thứ hai, xăng, dầu không chỉ dùng trong giao thông đường bộ mà còn sử dụng cho giao thông đường thủy, đường sắt, hàng không, là đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác.

Thứ ba, việc hình thành nguồn thu qua giá xăng, dầu sẽ dẫn đến chủ phương tiện giao thông phải nộp phí trùng khi đi qua đường BOT (vẫn thu phí để hoàn vốn). Còn việc bỏ thu phí đường BOT thì không khả thi do không phù hợp với quy định về hình thức đầu tư BOT, không thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Vì vậy, việc thu Quỹ bảo trì đường bộ thông qua xăng, dầu là không hợp lý.

Cũng theo Ủy ban TCNS, , không nên thu thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa xuất khẩu vì lý do:

Thứ nhất, theo nguyên tắc áp dụng thì thuế bảo vệ môi trường chỉ áp dụng cho việc sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm; hàng hóa xuất khẩu không sử dụng ở Việt Nam thì không thể áp thuế. Mặt khác, một số hàng hóa của Việt Nam khi nhập khẩu vào nước khác sẽ phải chịu thuế bảo vệ môi trường của nước đó.

Thứ hai, nếu thu thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hoá xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, giảm năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam so với hàng hóa các nước khác.

Chiều nay, UBTVQH tiếp tục làm việc, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật khoáng sản (sửa đổi).

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ