Thử nghiệm nhân viên robot điều khiển qua VR

Thử nghiệm nhân viên robot điều khiển qua VR

Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch của nhà sản xuất Telexistence với hy vọng sẽ phát động làn sóng tự động hóa trong ngành bán lẻ.

Mới đây, chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart ở Nhật Bản đã tuyên bố hợp tác với Công ty chế tạo robot Telexistence có trụ sở tại Tokyo. Họ đề ra kế hoạch nghiên cứu phương án để cải thiện hiệu quả và giảm chi phí vận hành bằng cách sử dụng công nghệ Telexistence trong công việc thường nhật của FamilyMart.

Điều đặc biệt về dự án này là tự động hóa không phải mục tiêu chính. Dự án sẽ không biến các chi nhánh FamilyMart thành máy bán hàng tự động khổng lồ, nơi các sản phẩm được tự động thay thế lên kệ sau khi khách chọn mua. Thay vào đó dự án này sử dụng robot điều khiển từ xa, được vận hành bởi con người qua thiết bị đầu cuối thực tế ảo (VR).

Sau thử nghiệm đó, nhà điều hành FamilyMart cho biết, họ có kế hoạch sử dụng nhân viên robot tại 20 cửa hàng quanh Tokyo vào năm 2022. FamilyMart hy vọng triển khai thành công hệ thống sẽ tăng tính linh hoạt trong công việc cho nhân viên, vì họ không phải làm việc tại cửa hàng. Hệ thống cũng cho phép các cửa hàng không thể tuyển nhân viên phù hợp vẫn hoạt động được với một số lượng nhỏ nhân sự. Ban đầu, mọi người sẽ vận hành chúng từ xa - cho đến khi trí thông minh nhân tạo (AI) của máy móc có thể học bắt chước theo chuyển động của con người. "Điều đó thúc đẩy phạm vi và quy mô tồn tại của con người", GĐĐH Jin Tomioka của Telexistence phát biểu.

Ý tưởng mang tên gọi là Telexistence lần đầu tiên được đề xuất bởi nhà đồng sáng lập, giáo sư Đại học Tokyo, Susumu Tachi từ bốn thập kỷ trước. Công ty của họ đã nhận được tài trợ từ tập đoàn đầu tư công nghệ Softbank Group và nhà điều hành dịch vụ điện thoại di động KDDI tại Nhật Bản với các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm nhà sản xuất máy bay chở khách châu Âu Airbus SE. Họ đặt tên cho robot của mình là Mẫu T. Hình dạng kỳ thú của nó nhằm giúp người mua hàng cảm thấy thoải mái hơn thay vì những robot trông quá giống con người.

Robot vẫn là một cảnh tượng hiếm thấy ở nơi công cộng. Chúng có thể vượt trội con người trong các nhà máy sản xuất, song các robot vẫn gặp khó khăn trong các nhiệm vụ đơn giản ở môi trường đô thị phức tạp. Giải quyết vấn đề đó có thể giúp các doanh nghiệp ở các quốc gia công nghiệp hóa, đặc biệt là những nước bị già hóa nhanh chóng như Nhật Bản đối phó với vấn đề thiếu nhân công. Các công ty bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19 có thể cần phải hoạt động với ít người hơn.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, các khách sạn, nhà hàng và thậm chí cả các công ty dầu khí đều đã liên lạc với Telexistence, GĐĐH Jin Tomioka chia sẻ.

Đại diện Telexistence cho biết, sử dụng các nhân viên vận hành là con người được trang bị kính thực tế ảo và điều khiển cảm biến chuyển động để đào tạo các robot của họ giúp giảm chi phí cho việc robot hóa các cửa hàng tiện lợi cần lập trình phức tạp và có thể tốn gấp 10 lần về phần cứng cũng như phải mất hàng tháng để hoàn thành.

FamilyMart vẫn sẽ cần con người để điều khiển robot, các nhân viên vận hành có thể ở bất cứ đâu và bao gồm những người thường không làm việc trong các cửa hàng. Robot telexistence trong tương lai cũng có thể được sử dụng trong bệnh viện để các bác sĩ có thể thực hiện các hoạt động phẫu thuật từ xa, theo Giáo sư Takeo Kanade, một nhà khoa học về AI và robot tại Đại học Carnegie Mellon ở Hoa Kỳ, người tham gia Telexistence từ tháng 2 với tư cách là cố vấn dự đoán.

Tuy nhiên, có thể phải mất thêm 20 năm nữa trước khi robot có thể bắt đầu hoạt động trong nhà của mọi người. "Để robot thực sự có thể sử dụng được ở trong nhà, chúng thực sự phải có khả năng giao tiếp. Điều cơ bản còn thiếu là hiểu được cách cư xử của con người" – GS Takeo Kanade nhấn mạnh.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ