Cụ thể, các trường hợp là ông Huỳnh Văn Bình (SN 1985, quê tỉnh Lâm Đồng),ông Lê Anh Tài (SN 1978, quê Thừa Thiên Huế), ông Hứa Chí Cường (SN 1981, quê TP.Hồ Chí Minh) và ông Huỳnh Thanh Giàu (SN 1976, ngụ tỉnh Đồng Tháp).
Những trường hợp này đều có trình độ chuyên môn Bác sĩ đa khoa và đang công tác ngành y ở các tỉnh khác. Tuy nhiên, 4 người này đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên “thực hành chui” để được cấp chứng chỉ hành nghề ngành y.
Sau khi xảy ra sự việc, Sở Y tế đã mời cả 4 trường hợp này lên làm việc. Tuy nhiên chỉ có 3 người đến còn ông Lê Anh Tài không tới. Trong quá trình làm việc, 3 người khẳng định không ký trong xác nhận hồ sơ thực hành. Sở Y tế cũng yêu cầu Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên kiểm điểm trách nhiệm của tập thể cá nhân có liên quan đến những trường hợp này.
Theo kết luận kiểm tra của Sở Y tế Đắk Lắk, qua làm việc, ông Bình cho hay, vào cuối năm 2018, thông qua Facebook ông nhờ một người phụ nữ tên Y. (ngụ TP.Hồ Chí Minh) làm giúp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh trong lĩnh vực thẩm mỹ.
Sau đó, người này giới thiệu ông Bình cho bà H. tự xưng là bác sĩ da liễu tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Lúc này, bà H. yêu cầu ông Bình đưa 220 triệu đồng và hứa lo giấy tờ hợp lệ.
Đến tháng 7/2018, bà H. đưa ông Bình đến Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để bổ sung hồ sơ và nhận quyết định tiếp nhận và phân công người hướng dẫn thực hành Khoa chấn thương chỉnh hình.
Thanh tra Sở Y tế Đắk Lắk xác định, ông Bình chỉ có mặt ở bệnh viện khoảng 1 tháng, trong khi đó quy định phải 18 tháng mới đủ điều kiện.
Còn ông Cường và ông Giàu thừa nhận nhờ người phụ nữ tên Y. làm giấy chứng chỉ hành nghề với giá 300 triệu đồng. Còn trường hợp ông Tài không đến Sở y tế làm việc nên chưa có kết luận cụ thể.
Hiện Sở đang tiến hành thanh tra đột xuất việc quản lý thực hành và quá trình thực hành khám, chữa tại một số cơ sở khác trên địa bàn tỉnh.