Thủ đoạn thao túng đấu thầu tinh vi của Tập đoàn Thuận An

GD&TĐ - Chủ tịch Tập đoàn Thuận An bị cáo buộc lợi dụng các mối quan hệ 'khủng', can thiệp các gói thầu tại nhiều địa phương gây thiệt hại hơn 120 tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An (bên trái, hàng trên) cùng một số bị can khác trong vụ án.
Bị can Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An (bên trái, hàng trên) cùng một số bị can khác trong vụ án.

Truy tố 29 bị can về 3 nhóm tội danh

Ngày 14/7, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 29 bị can trong vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, địa phương liên quan.

Theo đó, bị can Phạm Thái Hà (SN 1976, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, quy định tại khoản 4 Điều 358 Bộ luật Hình sự.

Liên quan, bị can Lê Ô Pích (SN 1980, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũ) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Ngoài 2 bị can nêu trên, 27 bị can còn lại cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ Luật Hình sự. Trong đó, nhóm bị can thuộc Tập đoàn Thuận An, có: Nguyễn Duy Hưng (SN 1974, Chủ tịch HĐQT); Trần Anh Quang (SN 1985, Tổng Giám đốc); Nguyễn Khắc Mẫn (SN 1983, Phó Tổng Giám đốc); Nguyễn Ngọc Hòa (SN 1973, Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐQT Công ty 168 Việt Nam);...

Nhóm bị can thuộc Ban Quản lý dự án Bắc Giang (cũ), gồm: Nguyễn Văn Thạo (SN 1967, cựu Giám đốc); Đàm Văn Cường (SN 1964, cựu Phó Giám đốc); Hoàng Thế Du (SN 1963, cựu Trưởng phòng Quản lý dự án giám sát công trình giao thông 2); Nguyễn Văn Toán (SN 1984, Trưởng phòng Kỹ thuật - Tổng hợp); Nguyễn Đức Tuấn (SN 1987, cán bộ Phòng Quản lý dự án giám sát Công trình Giao thông 2).

Nhóm bị can thuộc Ban Quản lý dự án Tuyên Quang (cũ), gồm: Trần Viết Cương (SN 1978, cựu Giám đốc); Lưu Xuân Hiếu (SN 1981, Phó Trưởng phòng Điều hành dự án nước ngoài, cựu Phó Trưởng phòng Điều hành Dự án 2); Phạm Quang Giang (SN 1976, cán bộ Phòng Tài chính - Kế toán).

Nhóm bị can thuộc Ban Quản lý dự án Hà Nội, gồm: Phạm Hoàng Tuấn (SN 1961, cựu Giám đốc); Nguyễn Chí Cường (SN 1975, cựu Giám đốc); Phạm Văn Duân (SN 1970, cựu Phó Giám đốc); Đỗ Đình Phan (SN 1979, cựu Phó Giám đốc); Trịnh Văn Thanh (SN 1983, cựu Phó Trưởng phòng Quản lý thực hiện dự án 2, trước là Phòng Giám sát 2); Lê Văn Măng (SN 1984, cựu cán bộ Phòng Quản lý thực hiện dự án 2, trước là Phòng Giám sát 2).

Nhóm bị can thuộc Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải (cũ), gồm: Nguyễn Quang Huy (SN 1978, cựu Giám đốc Ban Quản lý Dự án 4); Vũ Hải Tùng (SN 1975, cựu Chi Cục trưởng Chi Cục quản lý xây dựng đường bộ); Võ Tá Thanh (SN 1976, Phó Trưởng phòng Phòng Dự án 3, Ban Quản lý Dự án 4); Vương Đình Kiều (SN 1977, cán bộ Ban Quản lý Dự án 6, Bộ Xây dựng; Nguyên Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch, Ban Quản lý Dự án 4).

Nhóm bị can thuộc Ban Quản lý dự án tỉnh Quảng Ninh, gồm: Phạm Thanh Bình (SN 1976, cựu Giám đốc); Cao Ngọc Phúc (SN 1981, cựu Phó Trưởng ban phụ trách Ban Điều hành dự án nhóm A).

2 bị can khác gồm: Nguyễn Văn Lâm (SN 1980, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn kỹ thuật và kiến trúc công trình Giao thông (A-ETC); Bùi Thanh Tuân (SN 1980, cựu Phó Giám đốc Công ty Cổ phần CFTD Sáng tạo - nay là Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và thương mại PHD).

Dương Văn Thái (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang) bị khởi tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, cơ quan điều tra đã tách bị can này để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Lợi dụng quan hệ “khủng” để thao túng

Theo cáo trạng, khi tham gia các gói thầu: Gói thầu số 7 Dự án cầu Đồng Việt; gói thầu số 26 giai đoạn 1 Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; Gói thầu số 13 Dự án Đường ven sông Hạ Long - Đông Triều; Gói thầu số 02 Dự án cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2 và Gói thầu XD01, XD02 Dự án Quốc lộ 14E.... Nguyễn Duy Hưng đã lợi dụng mối quan hệ thân thiết với một số cá nhân là lãnh đạo cấp cao trong cơ quan Nhà nước, trong đó có Phạm Thái Hà để nhờ giới thiệu, can thiệp, tác động đến lãnh đạo cấp tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải (trước đây) để tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An tham gia đấu thầu, trúng thầu, thi công.

Sau khi được Phạm Thái Hà giới thiệu, can thiệp, Nguyễn Duy Hưng trực tiếp đến gặp, đặt vấn đề nhờ lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh và lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải (thời điểm trước sáp nhập bộ ngành) chỉ đạo nhân viên cấp dưới tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An tham gia đấu thầu, thi công dự án.

Ngoài ra, Hưng còn chỉ đạo nhân viên của tập đoàn phối hợp với các công ty do tập đoàn tìm, mời hoặc công ty do các Ban Quản lý dự án giới thiệu, chỉ định để tạo liên danh rồi thông đồng, móc ngoặc với các cá nhân là lãnh đạo Ban Quản lý dự án các tỉnh, Ban Quản lý dự án 4 thuộc Bộ Giao thông Vận tải và đơn vị tư vấn để phối hợp, tham gia ngay từ giai đoạn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, kỹ thuật, dự toán.

Đồng thời, mời các đơn vị này tham gia góp ý xây dựng hồ sơ mời thầu, cung cấp, tiếp nhận tài liệu, dữ liệu của hồ sơ mời thầu trước khi phát hành, gửi hồ sơ dự thầu để chấm trước.

Các bị can cũng thỏa thuận chi tỉ lệ % tiền “cơ chế” cho các cá nhân có trách nhiệm trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các gói thầu, dự án, để các cá nhân này chỉ đạo cấp dưới và phối hợp, cùng thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Luật Đấu thầu theo yêu cầu của Tập đoàn Thuận An.

VKSND Tối cao xác định, các sai phạm trên tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An và liên danh các nhà thầu trúng thầu, thi công các gói thầu tại các dự án (nêu trên), hưởng lợi bất hợp pháp. Hành vi của Nguyễn Duy Hưng và các đồng phạm, đối tượng liên quan trong vụ án đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước tổng số tiền hơn 120 tỉ đồng.

Ngoài ra, cáo buộc còn cho rằng hành vi của Nguyễn Duy Hưng còn dẫn đến việc nhiều cán bộ ở các địa phương nơi có dự án, gói thầu thi công thực hiện hành vi sai phạm, bị xử lý hình sự và kỷ luật. Điều này làm giảm niềm tin của nhân dân, gây dư luận bức xúc trong xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ