Thủ đoạn ngày càng khó lường

GD&TĐ - Những năm gần đây, tình hình hoạt động buôn bán người, bắt cóc chiếm đoạt phụ nữ trẻ em trên địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang dù đã giảm về số lượng song vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Những nỗi ám ảnh, tổn thương về tinh thần thể chất của các nạn nhân vẫn như những hồi chuông cảnh báo đến toàn xã hội và các gia đình.

Cần nâng cao ý thức đề phòng cho phụ nữ vùng biên giới
Cần nâng cao ý thức đề phòng cho phụ nữ vùng biên giới

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Đại tá Hoàng Anh Đức - Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang) cho biết: Tình hình hoạt động buôn bán người, bắt cóc chiếm đoạt phụ nữ trẻ em trên địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2018, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận thông tin, điều tra, xác minh 6 vụ liên quan đến nghi mua bán người. Tập trung ở địa bàn xã Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc); Phố Bảng (huyện Đồng Văn); Tùng Vài (huyện Quản Bạ).

Tuyên truyền thường xuyên đến người dân

Tuyên truyền thường xuyên đến người dân

Qua trao đổi cùng các chiến sĩ biên phòng chuyên theo dõi về tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, chúng tôi được biết: Các đối tượng ở hai bên biên giới cấu kết với nhau thành các đường dây mua bán người, bắt cóc phụ nữ, trẻ em Việt Nam đưa sang Trung Quốc với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lợi dụng số phụ nữ còn trẻ không có công việc làm ổn định để dụ dỗ và hứa sẽ tìm công việc làm nhàn hạ được trả tiền công cao. Sau khi đưa sang Trung Quốc lao động một thời gian ngắn chờ cơ hội chúng bán cho chủ chứa mại dâm hoặc dưới danh nghĩa làm vợ với cuộc sống mất quyền tự do phụ thuộc vào người khác định cư trái phép trên lãnh thổ Trung Quốc.

Chúng còn có thể lợi dụng mối quan hệ quen biết từ trước, các đối tượng rủ các nạn nhân đi chơi nhưng sau đó khống chế, ép buộc các nạn nhân vượt biên giới trái phép đưa sang Trung Quốc bán...

Đặc biệt nguy hiểm khi chúng giả danh Công an Trung Quốc yêu cầu kiểm tra giấy tờ của công  dân Việt Nam sang Trung Quốc làm thuê rồi bất ngờ khống chế, cướp, bắt cóc phụ nữ đưa vào sâu trong nội địa Trung Quốc bán.

Nâng cao nhận thức cho học sinh

Đại tá Hoàng Anh Đức - Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang) nhận định: đối tượng trẻ em bị lừa đảo, bắt cóc sang bên kia Trung Quốc đa số là học sinh bậc THCS và THPT. Ở lứa tuổi này các em chưa nhận thức đầy đủ các vấn đề.

Chính vì vậy, việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức, kĩ năng cho trẻ em gái ở các xã biên giới và sâu trong nội địa cần thiết hơn khi nào hết. Cần giúp nhân dân nói chung phụ nữ trẻ em gái nói riêng hiểu rõ phương thức, thủ đoạn của bọn buôn người, cảnh giác với những lời ngon ngọt, lừa gạt, lôi kéo phụ nữ, trẻ em. Mặt khác, người dân cũng cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và tố giác tội phạm buôn bán người, giúp cơ quan chức năng phát hiện và phá án.

Đến nay, các đối tượng ở trên nhiều địa bàn trong, ngoài biên giới và nội địa câu kết hình thành đường dây dụ dỗ, bắt cóc phụ nữ, trẻ em Việt Nam đưa sang Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều thủ đoạn. Chúng lợi dụng số học sinh đi học phải sống xa nhà, thuê nhà trọ ở, thiếu sự quản lý của gia đình. Các đối tượng tiếp cận làm quen, sử dụng cả tiếng dân tộc trong khi nói chuyện để tạo lòng tin, sau đó rủ các em học sinh đi chơi rồi đưa sang Trung Quốc bán.

Đặc biệt, công nghệ thông tin phát triển cũng là một kênh hữu hiệu để chúng khai thác. Thông qua điện thoại di động liên lạc, qua mạng xã hội như Zalo, Facebook các đối tượng kết bạn, tán tỉnh yêu đương, lợi dụng những ngày lễ, Tết (Trung thu, hội chợ, Tết nguyên đán…) để   rủ các nạn nhân ở lứa tuổi học sinh sống xa gia đình đi chơi,   sau đó khống chế đưa sang  Trung Quốc bán.

Được biết, thời gian qua, lực lượng Biên phòng tỉnh Hà Giang đã tích cực phối hợp với Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên tổ chức tuyên truyền đến từng gia đình, phụ nữ, trẻ em ở nhiều lứa tuổi, giúp họ có thêm hiểu biết, cảnh giác với người lạ.

Mặt khác, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang cũng chỉ đạo các đồn biên phòng tăng cường, thường xuyên phối hợp với các nhà trường để tuyên truyền sâu rộng cho học sinh nắm bắt được những âm mưu, phương thức thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo, buôn bán dụ dỗ phụ nữ trẻ em qua biên giới.

Đến nay nhiều trường học, đặc biệt trường học tại các xã biên giới đã cam kết, chủ động tuyên truyền, giáo dục học sinh xung quanh các vấn đề trên. Từ sự phối hợp chủ động, hiệu quả này mà cơ bản số lượng trường hợp học sinh bị mất tích lừa bán từ địa bàn xã biên giới đã hạn chế đáng kể.

Thủ đoạn ngày càng khó lường ảnh 2Đại tá Hoàng Anh Đức - Trưởng phòng phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Hà Giang)
Phòng và chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới đòi hỏi sự đề phòng cao độ và thường xuyên. Các nhà trường cần chủ động bám sát tình hình, tích cực tuyên truyền giáo dục với nội dung phù hợp đến học sinh, đặc biệt với học sinh bán trú xa gia đình. Mỗi nội dung bài giảng cần có sự liên hệ thực tế, ví dụ cụ thể để các em thấy được tính chất nguy hiểm để nâng cao ý thức cảnh giác. Tránh tình trạng làm chung chung, cho có, cho đủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...