Mồ hôi, máu, nước mắt đã quyện vào người cha già trên hành trình đưa con gái từ xứ người trở về an toàn.
Giả dân chơi tìm con gái
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Văn Nhâm (SN 1949, thôn Bắc Ái – xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) để được nghe lại hành trình hơn 1000 ngày ông lặn lội ngược xuôi sang xứ người tìm con gái bị bán.
Nhấp chén trà đặc, ông Nhâm hướng đôi mắt đã nhuốm màu thời gian nhìn 3 đứa cháu ngoại, cũng là con cô con gái thứ 2 đã từng bị bán sang Trung Quốc. Với ông Nhâm, hơn 1000 ngày đó là những kí ức mà cả đời ông không thể quên.
Năm 2006, con gái thứ 2 của ông là chị Hồ Thị Hằng (SN 1978) mong muốn tìm bến đỗ hạnh phúc của cuộc đời nhưng không thành. Bởi, chị yêu lầm phải người đàn ông bội bạc.
Giữa lúc chị chông chênh vì nỗi buồn thì bà Đỗ Thị Xy (thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh) là bác ruột bên ngoại, cùng cô con gái là Trần Thị Hường muốn giúp đỡ, tìm việc làm cho Hằng ở bên Trung Quốc.
Một tuần sau khi gặp bà Đỗ Thị Xy thì ông Nhâm không thấy bóng dáng con gái đâu. Ông có hỏi vợ thì vợ ông chỉ nói: “Con gái đi làm ăn với bà Xy ở Trung Quốc, công việc chỉ thu hoạch chuối và dọn cỏ thuê”.
Nghe đến đây, ông bần thần như người mất hồn vì biết con gái đã bị lừa đưa đi.
Một ngày, hai ngày, cả tuần không có thông tin về con gái, ông chỉ nghe bà Xy có về Vĩnh Phúc để lấy thêm người. Từ manh mối này, ông bắt đầu bám theo người đàn bà này lên Lào Cai, nhưng lên đến đây thì ông bị mất dấu hoàn toàn nên cứ nghĩ con gái mình bị bán vào các động mại dâm ở đây.
“Lúc đi tìm con gái trong người tôi cũng không có nhiều tiền, tôi phải chia từng đồng để ăn, để nạp điện thoại mong nhận được cuộc gọi của con gái. Tôi cũng mua thêm một quả pin điện thoại để phòng hết pin mà không có chỗ nạp. Ngày ấy, nước mắt chan bánh mỳ mà sống qua ngày thôi”, ông Nhâm nhớ lại.
Ở Lào Cai, ông lang thang khắp nơi hỏi tung tích con nhưng vẫn "bặt vô âm tín", cứ nghĩ đến việc con gái có thể bị bắt đi làm gái là máu trong người ông sôi lên.
Ông đã quyết định đóng giả dân chơi để tìm con. Khi ông tìm đến các quán, tụ điểm ăn chơi ở đây, họ đưa những cô gái xinh đẹp ra để phục vụ ông nhưng ông đều lắc đầu, ông yêu cầu họ phải đưa gái Vĩnh Phúc đến. Họ thắc mắc thì ông chỉ nói có những kỷ niệm khó quên với con gái nơi đây.
Thế nhưng, những cô gái Vĩnh Phúc đưa ra lại không phải con gái ông, ông tiếp tục từ chối dưới sự ngạc nhiên của họ. Sau mỗi lần vào quán ông đều quan sát thật kỹ nhưng nếu không có hoặc không phải con gái mình không đều bảo không có cảm hứng và đưa họ một ít tiền.
Lào Cai không thấy, ông liền lặn lội sang Trung Quốc để tìm con. Ông ăn uống tiết kiệm, lang thang tìm con hết ngày này qua tháng khác, khi tiền trong túi cạn ông lại về quê để gom góp với quyết tâm dù có bán hết tài sản ông cũng phải tìm bằng được con gái về nhà.
“Ở bên Trung Quốc, tôi đâu có biết tiếng nên chẳng thể giao tiếp được với ai vì vậy, rất khó khăn trong việc hỏi thăm tung tích của con gái. Đêm đến, tôi phải ngủ ở những lều để hàng hóa của dân buôn vì nhà nghỉ đắt quá không đủ tiền.
Lúc ngủ phải rất cảnh giác, thấy tiếng động là bật ngay dậy vì sợ trộm lấy giấy tờ, điện thoại. Bánh mỳ với nước phải chia ra ăn vì sợ hết tiền và biết thời gian đi tìm con gái sẽ còn dài. Cứ như thế, chỉ nước lọc, vài bao thuốc và chủ yếu là điện thoại tài khoản có tiền để liên lạc.
Thậm chí có những ngày tôi phải ngủ trộm trên xe lợn, xe chuối vì ở đó dân cửu vạn nhiều để không ai phát hiện ra mình. Cơ cực là thế nhưng tôi không tìm được con gái lại đành quay về”, ông Nhâm chia sẻ.
Cuộc hoán đổi “được ăn cả ngã về không” của người cha già
Cứ thế, hết ngày này qua tháng khác người cha già lầm lũi nơi đất khách tìm con với nỗi nhớ con da diết.
Những tưởng mọi hy vọng dần tan biến thì thật may mắn cho gia đình ông, đến năm thứ 4 từ ngày chị Hằng mất tích, chị được ra gần biên giới làm cùng chồng (người Trung Quốc mà chị bị gả bán), chị đã mượn được điện thoại của một người Việt Nam tên là Tám và gọi điện về nhà.
Chị gọi về số máy bàn ở nhà nhưng không ai nghe máy nên đã gọi sang nhà hàng xóm, nhận được tin và có số điện thoại, đêm hôm ấy ông Nhâm tức tốc lên đường đi ngay sang Trung Quốc, liên lạc luôn với chị Tám.
Hai người bàn bạc thật kỹ và bố trí bí mật để ông được gặp con gái đã mất tích gần 4 năm trời.
Mừng mừng tủi tủi vì gặp được con gái nhưng mọi rắc rối đến đây vẫn chưa kết thúc, việc đưa chị Hằng về quê còn gian nan hơn nhiều.
Mặc dù đã báo cáo với công an về việc con gái bị bán sang Trung Quốc nhưng chưa có bằng chứng cụ thể. Ông lại lặn lội sang Trung Quốc, đưa cả vợ đi theo để đón con gái về quê ăn Tết.
Ông phải bỏ tiền mua cho con rể người Trung Quốc từ xe máy, tủ lạnh, tivi để chiếm lòng tin, để đưa được con gái mình về, tự tay viết đơn tố cáo người bán con gái đi.
Bóng dáng người cha già hơn 1000 ngày đi tìm con.
Về quê ăn Tết, nhưng con gái ông không thể ở lâu được, ông bèn tương kế tựu kế. Ông nói với người con rể kia, sẽ đưa em gái ruột của chị Hằng (SN 1987) sang bên Trung Quốc làm ăn cùng và nhắn nhủ nếu có gặp ai phù hợp thì cho lấy chồng bên đó để có chị có em.
Nhiều người nói nếu ông liều như vậy sẽ mất trắng cả hai cô con gái. Nhưng, dù có đánh đổi nhiều thứ ông cũng phải cho sự việc được ra ánh sáng, trừng trị những kẻ buôn người.
Kế hoạch của ông đã thành công, chị Hằng được ở lại quê và bố con chị có đủ thời gian để lên cơ quan công an khai báo sau đó chị lại sang Trung Quốc để em gái trở về.
“Nói thực, con gái tôi ở bên đó quá vất vả, được cái con rể tôi cũng hiền lành, nhà nghèo, chân chất nên tôi đã nói với họ cho cả gia đình về quê vợ ăn Tết. Con rể đã có niềm tin vào bố vợ hơn và chấp nhận về quê vợ sinh sống.
Sau khi về đây tôi đã làm cho chúng cái nhà, mỗi người cho vợ chồng nó một thứ từ tivi, giường chiếu để sinh sống. Giờ chúng nó đã có ba đứa con vui vầy bên nhau dù cuộc sống vẫn còn lắm gian khó”, ông Nhâm chia sẻ.