Thông tin 17 nhân viên y tế tiêm vắc xin vẫn mắc COVID-19 không chính xác

GD&TĐ - Thông tin không chính xác cho rằng có 17 nhân viên y tế tiêm vắc xin vẫn mắc COVID-19, thực tế, trong số 17 nhân viên y tế trên chỉ có duy nhất 1 bác sĩ đã được tiêm vắc xin, song cũng mới chỉ chích ngừa 1 mũi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ ngày 27/4 đến sáng ngày 16/5, cả nước đã ghi nhận 1.079 ca mắc tại 26 tỉnh, thành phố. Trong số này có 17 nhân viên y tế nhiễm bệnh, trong đó 9 trường hợp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (2 bác sĩ, 9 điều dưỡng), 2 bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Trung ương và 6 nhân viên y tế tại Bệnh viện K.

Thông tin đăng tải trên Báo Vietnamnet, GS Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có gần 800 nhân viên y tế, cơ sở 2 có hơn 300 người. Tuy nhiên, do lượng vắc xin hạn chế nên bệnh viện chưa tiêm phủ rộng hết nhân viên.

Chỉ có duy nhất 1 bác sĩ trong số 9 nhân viên y tế bị mắc đã được tiêm vắc xin, song cũng mới chỉ chích ngừa 1 mũi.

Sau khi bị phong toả từ ngày 5/5 đến nay, bệnh viện đã tiêm nốt những nhân viên y tế còn lại, trường hợp nào đã mắc bệnh, sau 6 tháng nữa sẽ tiêm.

Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc bệnh viện cũng cho biết, 2 nam bác sĩ N.V.C (55 tuổi) và N.V.P (42 tuổi), cùng làm tại Phòng chỉ đạo Chương trình vừa mắc Covid-19 cũng chưa được tiêm vắc xin. Bệnh viện đã triển khai tiêm vắc xin, tuy nhiên mới ưu tiên tiêm cho khu vực điều trị và khu vực nguy cơ cao.

Tương tự, 6 nhân viên tại Bệnh viện K mắc Covid-19 cũng chưa được tiêm ngừa do toàn bệnh viện chưa triển khai.

65% bệnh nhân COVID-19 đang điều trị không có triệu chứng

Bộ Y tế cho biết, hiện có hơn 1.000 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại hơn 50 cơ sở y tế trên cả nước. Trong số này, có hơn 700 bệnh nhân phát hiện từ 27/4 đến nay.

Hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có số bệnh nhân đông nhất với hơn 300. Bệnh viện Phổi Đà Nẵng có hơn 130 bệnh nhân. Bắc Ninh, Bắc Giang đang điều trị lần lượt hơn 110 và hơn 80 bệnh nhân.

Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) cho biết trong số các bệnh nhân đang điều trị (gồm bệnh nhân đợt dịch thứ 3 và đợt dịch thứ 4), có gần 65% bệnh nhân COVID-19 không có biểu hiện lâm sàng; 29% bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng nhẹ.

TS Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, giải trình tự gene cho thấy biến chủng virus tìm thấy lần đầu ở Ấn Độ (B.1.617) đã xâm nhập cơ sở y tế này.

Theo TS Thạch, đây là biến chủng rất mới. Rất nhiều bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng. Thậm chí trong 10 ngày đầu bệnh nhân không có biểu hiện viêm đường hô hấp như sốt, ho, khó thở. Việc khám sàng lọc, đo nhiệt độ theo ông Thạch rất khó để phát hiện.

Đồng tình với quan điểm này, tại Bệnh viện K – nơi phát hiện cùng lúc 11 ca bệnh COVID-19 thông qua việc chủ động xét nghiệm sàng lọc, PGS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện cho biết việc sàng lọc SARS-CoV-2 người vào viện rất khó khăn vì không có triệu chứng.

Cho rằng nếu chỉ đo thân nhiệt, hỏi dịch tễ, Bệnh viện rất khó phát hiện người dương tính, cùng đó xét nghiệm trước khi vào viện cũng rất khó, nhưng PGS Quảng vẫn nhấn mạnh vẫn cần phải thực hiện, coi việc đo nhiệt độ, hỏi dịch tễ là bước sàng lọc, phát hiện sớm thứ 1; khi bệnh nhân vào trong bệnh viện tiếp tục sàng lọc bước 2 ở các khoa phòng.

GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị COVID-19, cũng nhấn mạnh các bệnh nhân không có triệu chứng gây khó khăn cho việc sàng lọc khi họ đến viện. Nhiều trường hợp đã được chụp X-quang phổi cũng không phát hiện ra tình trạng viêm phổi do virus. Đến khi được phát hiện thì dịch đã bùng.

Một chuyên gia của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng vì không có triệu chứng nên nhiều người bệnh không nghĩ mình có bệnh trong khi bệnh vẫn tiến triển âm thầm. Chỉ có một số bệnh nhân tới ngày thứ 9-10 bệnh nặng lên, nếu họ mới đến bệnh viện thì mới "bắt được những ca chỉ điểm đó" (xét nghiệm dương tính COVID-19 vì có triệu chứng) khi đó sẽ muộn mất 2-3 chu kỳ lây nhiễm.

Cũng vì không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, một số bệnh nhân không đến bệnh viện để xét nghiệm, họ di chuyển thoải mái nên khó kiểm soát.

Đặc biệt, vị chuyên gia này cũng cho biết ở các bệnh nhân nặng, dù bị tổn thương phổi nhưng sau ngày thứ 9-10 thì một số người xét nghiệm SARS-CoV2 đã trở về âm tính. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác sàng lọc nếu thầy thuốc chưa đủ nhạy cảm lâm sàng để truy đến cùng những dấu hiệu, yếu tố nguy cơ hay tổ chức mở rộng sàng lọc ở những người cùng chùm bệnh thì có thể bỏ sót.

"Khi có vài ba bệnh nhân có yếu tố tiếp xúc gần, có biểu hiện giống nhau thành một chùm ca bệnh, hoặc khi có bệnh nhân có tổn thương phổi không lý giải được bằng những căn nguyên thông thường khác, thì sẽ là yếu tố để nghi ngờ" – vị chuyên gia cho biết.

Từ thực tế điều trị, các chuyên gia cho rằng nếu sàng lọc chỉ trông chờ vào triệu chứng thì rất dễ bỏ lọt.

Trong chùm 7 ca đầu tiên ở Hà Nam, chỉ có duy nhất ông bố của bệnh nhân chỉ điểm (BN2899) là có triệu chứng, số còn lại không có triệu chứng. Tương tự như vậy, chùm ở Vĩnh Phúc, trong số 8 ca đầu tiên chỉ có 1 ca có triệu chứng. Điều này rất khó nếu chỉ chờ vào triệu chứng mới phát hiện ca bệnh.

Việc khai báo y tế thành khẩn, trong đó có tiền sử dịch tễ rất quan trọng, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò của y tế địa phương trong truy vết rất quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.