Trong ngôi nhà cổ hơn 200 tuổi ở 41 Nguyễn Thái Học, những lọ tương ớt được làm từ ớt tươi, công thức chế biến được truyền qua 5 đời, với hương vị riêng có vẫn đều đặn theo chân du khách đến khắp mọi miền đất nước.
“Nhưng nhìn mẹ ngày một già đi, sức khỏe dù yếu dần vẫn nhất định duy trì công việc làm tương ớt thì mình nghĩ chỉ còn cách nghỉ việc ở nhà thay mẹ tiếp nối nghề truyền thống của gia đình. Dẫu gì thì đây là nghề được truyền từ đời này sang đời khác, vừa làm nên tên tuổi của gia đình và cũng giúp chị em chúng tôi được học hành khôn lớn”.
Ngay chị Linh cũng không biết chính xác thương hiệu tương ớt Triều Phát có từ năm nào. Theo các cụ kể lại, cách đây khoảng 150 năm, khi Hội An còn là một thương cảng sầm uất, nguồn thu nhập của gia đình Triều Phát là từ tiệm thuốc Bắc.
“Ngoài bốc và bán thuốc Bắc, các cụ thời đó còn làm thêm món tương ớt, trước là để nhà dùng, sau dùng biếu họ hàng rồi nhận làm thêm để bán theo các đơn đặt hàng. Dần dà, tương ớt trở thành món hàng để bán quanh năm của gia đình” - chị Linh kể.
Tương ớt vốn là thứ gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn xứ Quảng, từ cơm gà, chả bò, tré, phở… đều trở nên ngon hơn khi có tương ớt ăn kèm. Cho dù nguyên liệu để làm ớt cũng từ các nông sản của địa phương quanh vùng như ớt, tỏi, mè… nhưng tương ớt Triều Phát được cho là vẫn giữ được vị cay của ớt nhưng không gắt và thơm dịu, không lẫn vào đâu được.
Thế nên tương ớt Triều Phát không chỉ cung cấp cho các nhà hàng ở Hội An mà gần như khách du lịch đến phố Hội đều tìm đến mua vài hộp làm quà.
2. Nguyên liệu để làm nên tương ớt Triều Phát cũng chỉ là giống ớt được trồng từ các vùng đất lân cận Hội An như Điện Bàn, Đại Lộc. “Nhưng không phải trái ớt nào cũng có thể dùng để làm tương ớt được. Phải chọn những trái ớt chín vừa độ mới cho ra một mẻ tương ớt bảo đảm chất lượng. Chỉ cần ớt không được tươi, trái không tơi thì khi xào xong, mẻ tương ớt sẽ bị sậm đi, không giữ được màu đỏ tươi tự nhiên của ớt.
Ớt sau khi được rửa sạch, nhặt bỏ cuống sẽ được xay nhuyễn rồi rim với một số phụ liệu như dầu, tỏi, mè, muối, đường… với công thức gia truyền của gia đình. Thời gian rim ớt, cách điều chỉnh mức lửa khi rim cũng là bí quyết để làm nên một mẻ ớt tuy vẫn giữ được vị cay nhưng vẫn dịu và thơm ngon”, chị Lý Hồng Linh chia sẻ.
Điều đặc biệt, theo chị Linh, để bảo đảm chất lượng cũng như vị ngon của tương ớt thì cần phải được làm từ ớt tươi. Và để có đủ lượng ớt tươi chế biến quanh năm, từ bao nhiêu đời nay, các thế hệ gia đình Triều Phát đều bàn bạc cụ thể với các gia đình nông dân trồng ớt phân chia thời gian trồng hợp lý với giá cả phù hợp để bảo đảm nguồn cung ứng nguyên liệu.
Chị Linh cho biết cho dù một hũ tương ớt có hạn sử dụng đến 6 tháng và có thể để lâu hơn nếu được bảo quản tủ lạnh nhưng ngoài làm theo đơn đặt hàng thì mình chỉ làm vừa đủ để bán tại nhà trong vòng khoảng 2 - 3 ngày để bảo đảm sản phẩm luôn được tươi, mới.
Trước và sau Tết Nguyên đán là khoảng thời gian bận rộn nhất của chị Lý Hồng Linh, vừa phải làm tương ớt khách mua dùng và làm quà biếu, vừa đóng hàng gửi đi các tỉnh cho cả khách lẻ và đại lý. Thế nhưng, mọi công đoạn làm tương ớt đều không vì thế mà được rút bớt lại, “nhất là khâu chọn ớt phải tỉ mỉ và cẩn thận, vì chỉ cần qua quýt thì sẽ ảnh hưởng đến tiếng tăm của một sản phẩm được truyền qua 5 đời của gia đình”.