Nhiều trẻ nhập viện do bệnh hô hấp
Bé Nguyễn Thùy Trang ở phường Văn Quán (quận Hà Đông) vừa bước vào lớp một. Do thay đổi thời tiết, thay đổi môi trường và cả thời gian biểu trong sinh hoạt hằng ngày, cho nên sức khỏe bé Trang chưa thích nghi.
Gần mười ngày nay, sau đợt sốt vi-rút, bé lại chuyển sang viêm họng, viêm phế quản phải điều trị bằng thuốc kháng sinh. Còn bé Trần Mai Thu (phường Kim Liên, quận Đống Đa) vừa dứt đợt cảm cúm, lại đột ngột sốt cao, đau tai, chảy mủ trong tai, chị Nga - mẹ cháu đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư, bác sĩ kết luận, bé bị viêm tai giữa do biến chứng sau cảm cúm.
Thương con, chị Nga tự trách mình vì chưa chú ý đến sức khỏe của con. Sáng sớm trời lạnh, vì bận đi làm nên chị đèo con đến lớp khá sớm, đêm lại bật điều hòa mà không đắp chăn cho con, cho nên bé bị nhiễm lạnh.
Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, cũng giống bé Trang, bé Thu, mỗi ngày có hàng nghìn trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp đến khám và điều trị. Không ít bé bị biến chứng sang bệnh viêm phổi phải nằm viện dài ngày. Từ cuối tháng 9 đến nay, số trẻ đến khám do các bệnh liên quan đến đường hô hấp bắt đầu tăng nhanh. Trong tổng số 2.500 đến 3.000 trẻ khám mỗi ngày, có đến 60% số trẻ bị sốt vi-rút, ho, viêm phế quản, phổi. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, số lượng bệnh nhi vào khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư hiện tại không tăng, thậm chí giảm chút ít, nhưng số bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng.
Còn tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi của bệnh viện cho biết, trong những ngày gần đây, số bệnh nhân bị mắc bệnh về viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản tăng 20% đến 30% so với bình thường.
Cả Khoa Nhi có 60 giường bệnh, nhưng ngày nào cũng có từ 120 đến 160 trẻ nhập viện, vì thế nhiều trẻ phải nằm ghép. Hầu hết các bệnh nhi đến khám và nhập viện do bệnh lý hô hấp đều có biểu hiện rõ rệt là hắt hơi, sổ mũi, ho ngày càng tăng, ho nhiều, có đờm, đau họng, viêm phế quản. Trẻ nhỏ thì có biểu hiện bỏ bú sữa mẹ, khó thở, ho do tắc đờm. Ngoài các bệnh về đường hô hấp, thời tiết thay đổi cũng khiến nhiều trẻ khởi phát cơn hen cấp, phải nhập viện.
Phòng bệnh đúng cách
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, thời điểm giao mùa thường chuyển biến từ nóng sang lạnh nên trẻ dễ bị bệnh, nhất là các bệnh như viêm họng, viêm tai... Vì vậy, để phòng tránh bệnh, các bậc phụ huynh cần tăng cường giữ ấm cơ thể cho trẻ vào ban đêm và sáng sớm.
Nhiều trẻ do bố mẹ để quạt, điều hòa cả đêm khiến trẻ có thể nhiễm lạnh và mắc bệnh. Ngoài ra, người lớn cũng cần có ý thức phòng tránh hiện tượng nhiễm chéo bệnh ngay trong cùng một gia đình. Vì hầu hết các bệnh lý này đều lây qua đường hô hấp, nên khi trong gia đình có người bị hắt hơi, sổ mũi cần có ý thức phòng tránh bằng cách che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng, đeo khẩu trang… để không lây bệnh sang các thành viên khác, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Để phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm này, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh có thể tăng sức đề kháng cho con bằng nhiều biện pháp như: Cho trẻ uống thêm thuốc bổ, vi-ta-min để ngăn ngừa cảm cúm, tiêm vắc-xin cúm cho trẻ, cung cấp nhiều chất kháng thể qua các loại nước ép trái cây như cam, bưởi, dưa hấu... Ngoài ra việc chế biến các bữa ăn cho trẻ cần bảo đảm đủ dinh dưỡng, chất đạm, chất béo, rau xanh... Nhất là các bậc phụ huynh không nên tự mua các loại thuốc kháng sinh về điều trị cho con.
Thực tế đã có rất nhiều trẻ bị biến chứng nặng hơn do dùng không đúng thuốc, hoặc bị kháng thuốc. Đối với trẻ nhỏ dưới sáu tháng tuổi, vì sức đề kháng còn yếu, bệnh rất dễ chuyển biến nặng nếu không được chữa trị ngay từ đầu. Cha mẹ cần lưu ý ba dấu hiệu là: bú, ngủ và cách thở của trẻ. Nếu thấy con bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú mẹ hoặc quan sát thấy bé thở nhanh, ngực lõm, đầu gật gù, thì cha mẹ cần đưa đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Ngay cả khi trẻ ngủ nhiều hơn bình thường cũng có thể do bị bệnh. Vì vậy, cần phải theo dõi và kịp thời đưa trẻ đi khám khi thấy có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.