Ước tính thiệt hại hơn 35.181 tỷ đồng do thiên tai dị thường ở miền Trung

GD&TĐ - Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 4/12/2020, ước tính thiệt hại hơn 35.181 tỷ đồng do thiên tai dị thường ở miền Trung.

Tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung qua đã gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề.
Tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung qua đã gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/12, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo về tình hình khắc phục hậu quả thiên tai lịch sử diễn gia trong thời gian vừa qua và đề xuất một số giải pháp cấp bách.

Theo Bộ trưởng, từ giữa tháng 9 đến trung tuần tháng 11/2020, miền Trung liên tiếp xảy ra thiên tai có tính dị thường, 9 cơn bão và 02 áp thấp, trong đó có cơn bão số 9 (26-28 tháng 10) là một trong 2 cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua vào khu vực này.

Cùng với đó, mưa lớn dị thường với tổng lượng nhiều điểm trên 3000 mm, cá biệt có những điểm 4526 mm (A Lưới - Thừa Thiên-Huế). 16 lưu vực toàn vùng đồng loạt trên báo động số 3, trong đó có 6 lưu vực vượt mức lịch sử, riêng Kiến Giang (Quảng Bình) vượt 1 m so với lịch sử, gây hậu quả nặng nề. Ngập lụt toàn vùng hạ du và sạt lở đặc biệt nghiêm trọng toàn tuyến đồi núi.

Về công tác chỉ đạo, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tham mưu cho các cấp lãnh đạo, Ban Bí thư đã ban hành chỉ thị số 42/CT-TW; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu năm đã chỉ đạo công tác tổng thể chủ động ứng phó, đặc biệt là Hội nghị triển khai công tác Phòng chống thiên tai năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo với 74.000 người từ Trung ương đến cơ sở tham dự nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm 4 tại chỗ.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã cử đoàn công tác của Chính phủ đến địa phương. Đặc biệt, đối với cơn bão số 9, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo tại chỗ để chỉ đạo công tác ứng phó, huy động mọi lực lượng, phương tiện, kể cả các phương tiện hiện đại (máy bay, tàu kiểm ngư, xe lội nước), triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo phương châm “4 tại chỗ” và đã kịp thời thực hiện tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển và đất liền.

Tuy vậy, do tính chất phức tạp, khốc liệt của thiên tai, thời tiết khó lường, đặc biệt là mưa lũ với cường độ rất lớn, tập trung kéo dài nhiều ngày, vượt quá mức dự báo, cảnh báo nên đã gây thiệt hại nặng nề.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 4/12/2020, thiên tai đã làm 356 người chết, mất tích (291 người chết, 64 người mất tích) và 876 người bị thương; 3.427 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp; 511.172 lượt nhà bị ngập; 198.374ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 51.923 gia súc và 4,11 triệu gia cầm chết, bị lũ cuốn trôi; 787km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 272,5km bờ biển, sông bị sạt lở; 1.190km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng; khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 4,1 triệu m3. Ước tính thiệt hại hơn 35.181 tỷ đồng.

Trong gần 2 tháng, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới. Trong đó, cơn bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7giờ; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề.

Bão đổ bộ dồn dập, kết hợp triều cường, mưa lũ lớn kéo dài nên đã gây sạt lở nghiêm trọng tuyến biển dọc miền Trung, trong đó từ Nghệ An đến Phú Yên đã có 88 điểm bị sạt lở với tổng chiều dài 141km. Ngoài ra, hàng trăm km đê, kè cửa sông cũng bị sạt lở, hư hỏng.

Con số thống kê cho thấy, đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong nhiều năm qua; tình trạng “bão chồng bão,” “lũ chồng lũ” đã tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đánh giá, triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ngay từ đầu năm 2020, các cấp, các ngành đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm kịp thời phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời ưu tiên bố trí các nguồn lực để phòng, chống và khắc phục hậu quả, bảo đảm sớm ổn định sản xuất và đời sống cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ