TP.HCM xử phạt 254 người hút thuốc lá nơi công cộng

GD&TĐ - Trong 2 năm, đội bảo vệ gồm 40 người ở bến xe Miền Tây và bến xe buýt Sài Gòn đã xử phạt 254 người hút thuốc lá nơi công cộng, tổng tiền phạt 109 triệu đồng.

Các bến xe tại TPHCM đã xử phạt 254 người hút thuốc lá nơi công cộng. (Ảnh: H.An).
Các bến xe tại TPHCM đã xử phạt 254 người hút thuốc lá nơi công cộng. (Ảnh: H.An).

Xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng thực hiện theo Nghị định 176/2013-NĐCP và Dự án “Tăng cường thực thi môi trường không khói thuốc thông qua thưởng phạt và sự tham gia của cộng đồng” do Trung tâm tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng (CHD) phối hợp với Sở GTVT TPHCM thực hiện.

Tại lễ tổng kết dự án mới đây, bà Nguyễn Hoàng Yến, Giám đốc CHD cho biết, ngoài xử phạt, lực lượng chức năng nhắc nhở hơn 9.000 hành khách đi xe khách, người dân hút thuốc trong bến xe.

Trên xe khách lắp đặt hơn 1.500 biển cấm hút thuốc, 500 biển tại các nhà chờ. Việc xử phạt hút thuốc lá chủ yếu thực hiện với tài xế, nhân viên,…khó xử lý với người dân, hành khách.

Lý do theo bà Yến, việc xử phạt người dân cần có sự phối hợp với chính quyền địa phương như phường, quận, công an, thanh tra giao thông…lập đoàn công tác thực hiện.

Các biển cấm hút thuốc lá được lắp đặt trên xe khách và tại nhà chờ bến xe. (Ảnh:H.An).
Các biển cấm hút thuốc lá được lắp đặt trên xe khách và tại nhà chờ bến xe. (Ảnh:H.An).

Trong khi đó, nhân viên bảo vệ không thể giữ hành khách để chờ phối hợp với địa phương xử lý nên mới xảy ra tình trạng trên. Còn phía những tài xế, nhân viên xe khách, xe buýt trong hợp đồng làm việc luôn có điều khoản cam kết không hút thuốc lá trên xe, nơi công cộng. Cơ quan quản lý căn cứ trên những quy định này để xử phạt theo quy chế này.

Theo ông Hồ Qúy Vinh, đại diện Trung tâm giao thông công cộng TPHCM, từ năm 2017, Sở GTVT TPHCM ban hành quyết định về không hút thuốc lá trên phương tiện giao thông công cộng đối với tài xế, tiếp viên. Người vi phạm lần đầu bị phạt 500.000 đồng, lần hai phạt 1 triệu đồng và đình chỉ 5 ngày, lần ba bị phạt 2 triệu và đình chỉ 10 ngày và buộc tập huấn nghiệp vụ lại.

Việc giám sát người hút thuốc lá được thực hiện theo ba phương thức: hình ảnh từ camera, đội kiểm tra hiện trường, tổng đài phản ánh 1022.

Năm 2019, Trung tâm quản lý giao thông công cộng xử phạt 121 người hút thuốc lá, tổng mức phạt 61 triệu đồng. Năm 2020 đến nay, số người bị phạt giảm xuống còn 42 người, tổng tiền phạt 22,5 triệu đồng.

“Bằng việc tuyên truyền mềm dẻo, kết hợp xử phạt răng đe, đơn vị tiếp tục vận đồng, tiếp viên, lái xe bỏ hẳn thuốc lá. Sắp tới, chúng tôi sẽ có văn bản gửi phường Phạm Ngũ Lão, nơi đặt trụ sở bên xe buýt Sài Gòn để phối hợp xử phạt với đối tượng hành khách”, ông Vinh nói.  

Ông Diệp Minh Sang, Phó trưởng phòng bảo vệ Bến xe Miền Tây cho biết, mật độ hành khách qua bến gần 30.000 nghìn người mỗi ngày, đội bảo vệ 15 người chia thành 3 ca túc trực xử phạt, khách đi xe chủ yếu chỉ nhắc nhở. Sau hai năm xử phạt, gần 170 nhân viên bến xe hầu hết ai cũng hút thuốc nhưng hiện tại chỉ còn 31 người hút thuốc.

“Xử phạt là nỗi đau, tức việc tuyên truyền chưa tới. Được bến xe, người kinh doanh hàng rong, không còn bán thuốc lá. Tài xế tiếp viên dè chừng, ra khu vực được phép hút thuốc”, ông Sang nói và cho biết xử phạt cũng khó khăn vì người vi phạm cự cãi, không chịu đóng phạt.

Theo bà Yến, giai đoạn tiếp theo, Dự án sẽ triển khai tại 10 bến xe, bến phà ở TPHCM cụ thể: bến xe Chợ Lớn, bến Bạch Đằng, bến xe An Sương, bến xe Ngã Tư Ga, bến xe Miền Đông, bến xe Tân phú, bến xe quận 8, phà Bình Khánh, phà Cát Lái…

Đại diện các bến xe có kế hoạch phối hợp với UBND phường thực hiện tuyên truyền, xử phạt người dân hút thuốc lá nơi công cộng, tần suất ít nhất 1 lần mỗi tuần. Nghị định 117/NĐ-CP thay thế Nghị định 176 có hiệu lực vào năm sau sẽ tăng mức xử phạt tối đa đến 500.000 đồng thay mức 300.000 đồng như hiện nay .

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ